Mô hình giúp học sinh hạn chế hành vi thể hiện “cái tôi” tiêu cực

28/12/2023 - 17:16

BDK.VN - Nhu cầu thể hiện, khẳng định bản thân trước gia đình hoặc cộng đồng nơi mình sinh sống, học tập, làm việc là việc không đáng phê phán; nhưng thể hiện bản thân quá mức sẽ dẫn đến hệ lụy tiêu cực. Để kiểm soát được những hành vi thể hiện “cái tôi” của bản thân, nhóm tác giả Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã triển khai mô hình “1+1”.

Các đôi bạn được ghép từ Mô hình “1+1” tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu có nhiều tiến bộ trong nhận thức được khen thưởng. Ảnh: Văn Sỹ

Nhận diện “cái tôi”

Tác giả mô hình “1+1” Huỳnh Văn Sỹ cho biết: “Mô hình “1+1” là một bạn học sinh cùng một bạn học sinh khác sẽ tìm hiểu, nâng cao nhận thức bằng cách nhắc nhở, hỗ trợ, động viên cùng hạn chế những hành vi thể hiện “cái tôi” tiêu cực. Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) sẽ là người chú ý, giám sát để điều chỉnh học sinh khi cần thiết. Kết quả thực hiện sau mỗi tháng được báo cáo cho GVCN và làm căn cứ để nhóm tác giả xét khen thưởng”.

“Cái tôi” là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm, giá trị của mình, để phân biệt mình với thế giới bên ngoài và các cá nhân khác. Mức độ nhận thức của một người được phản ánh qua những hành động, cử chỉ, lời nói của người đó - đặc biệt là khi họ muốn thể hiện bản thân, khẳng định mình trước đám đông cộng đồng.

Nhóm tác giả Huỳnh Văn Sỹ lớp 12/7, Lê Ngọc Mai Huỳnh lớp 11/10 thuộc Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Bến Tre đã thu thập các thông tin và chỉ ra rằng: “Không khó để bắt gặp những hành vi thể hiện “cái tôi” tiêu cực như: đua xe, nói tục chửi thề, sử dụng chất kích thích, chạy theo trào lưu mới... Bạo lực học đường cũng là một vấn nạn đáng lo ngại, các vụ việc đánh hội đồng, quay video đưa lên mạng xã hội ngày càng nhiều, điển hình là vụ đánh hội đồng chỉ vì giành bạn ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP. Bến Tre năm 2020”.

Nhóm tác giả còn thống kê 20 hành vi tiêu cực để đưa vào bảng đánh giá. Gồm các hành vi như: bắt nạt người yếu để thể hiện mình là “kẻ mạnh”; tham gia các hoạt động mang tính tệ nạn xã hội (sử dụng chất cấm, đua xe, đánh bạc..); xem thường, khinh bỉ, vô lễ với người lớn; thích hoạt động riêng lẻ để chứng tỏ khả năng mình có thể làm được mà không cần người khác; đùn đẩy trách nhiệm, luôn cho mình là đúng; sống theo chủ nghĩa cá nhân, mặc kệ những tác động xung quanh; thể hiện tình cảm nam nữ nơi công cộng hoặc trên mạng xã hội quá mức; tụ tập ăn chơi, bỏ bê học tập...

Nhóm tác giả đã tiếp cận Ban tư vấn tâm lý học đường ở một số trường THPT tại TP. Bến Tre và Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Anh Bình, các chuyên gia này khẳng định: Cái tôi ở học sinh THPT hiện nay phát triển rất nhanh. Việc thể hiện bản thân xuất phát từ sự tự tin, có nhiều thành tích nổi trội, cảm thấy mình có ích và hãnh diện vì điều mình làm được, “cái tôi” đó cần được phát huy. Nhưng thực tế cho thấy, ở độ tuổi THPT, học sinh có nhiều thay đổi về thể chất lẫn tinh thần, nên các bạn học sinh có xu hướng thể hiện “cái tôi” bằng những hành vi tiêu cực nhiều hơn. Khi bạn chạy theo những trào lưu mới để khẳng định mình mà quên đi tính đúng sai của vấn đề, sẽ rất dễ dẫn đến một thế hệ học sinh tự hủy hoại tâm hồn, nhân cách.

Mô hình “1+1”

Nhận diện được thực trạng trên, nhóm tác giả Huỳnh Văn Sỹ, Lê Ngọc Mai Huỳnh thuộc Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Bến Tre đã đề xuất, triển khai mô hình “1+1” cho học sinh tại trường dưới sự cho phép của Ban Chấp hành Đoàn trường và Ban giám hiệu.

Mô hình được áp dụng trong ba giai đoạn và hiện tại nhóm tác giả đang thực hiện giai đoạn 1 (từ tháng 10 đến tháng 12-2023) với đối tượng tham gia là học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu năm học 2023-2024. Tiêu chí khen thưởng là đôi bạn lập nhiều thành tích, có nhận thức rõ ràng về “cái tôi” và những hành vi thể hiện “cái tôi”, không vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức, nề nếp, nội quy. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả lập bảng tiêu chí gồm ba nội dung: học tập; phong trào; đạo đức, nề nếp, kỷ luật. Mỗi chi đoàn chọn ra một đôi bạn có điểm số cao nhất để xét khen thưởng.

Thông qua khảo sát đánh giá, nhóm tác giả thu được kết quả: Mô hình “1+1” góp phần nâng cao nhận thức và hạn chế những hành vi thể hiện “cái tôi” tiêu cực có độ phù hợp với học sinh đạt 97,2%; mức độ am hiểu của học sinh cấp THPT về những hành vi thể hiện “cái tôi” đạt 96,6%; khả năng nhận thức của học sinh về “cái tôi” tiêu cực và những hành vi thể hiện “cái tôi” tiêu cực đạt 96,5%; việc đưa ra giải pháp của mô hình có độ cần thiết đạt 96,8%; mức độ sẵn sàng chia sẻ, tuyên truyền với mọi người xung quanh để hạn chế hành vi thể hiện “cái tôi” tiêu cực đạt 96,7%.

Giáo viên hướng dẫn thực hiện Mô hình “1+1”, cô Phạm Thiên Ngân - Trợ lý thanh niên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Sau khi triển khai mô hình, chúng tôi nhận thấy các em học sinh có chuyển biến tốt sau khi được tác động giải pháp, qua đó chứng minh sự hiệu quả của mô hình. Mô hình nhận được đồng tình của Thành đoàn TP. Bến Tre và Tỉnh đoàn Bến Tre về tính phù hợp, hiệu quả trong việc hạn chế hành vi thể hiện “cái tôi” của học sinh cấp THPT. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục nhân rộng mô hình, nhằm góp phần hạn chế hành vi thể hiện “cái tôi” tiêu cực và xây dựng giá trị con người theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn hội nhập hiện nay”.

Nhóm tác giả Huỳnh Văn Sỹ, Lê Ngọc Mai Huỳnh chia sẻ: “Thông qua tiến trình giai đoạn 1, mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức và hạn chế những hành vi thể hiện “cái tôi” tiêu cực của học sinh trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, đã có 30 đôi bạn được khen thưởng”.

Hữu Lộc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN