Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chót (bìa phải), ngụ ấp Phú Thuận, xã Phú Mỹ (Mỏ Cày Bắc) được sự hỗ trợ của các đồng đội từ mô hình “5+1” đã vươn lên khá, giàu.
Tương trợ để xóa nghèo bền vững
Mô hình “5+1”, nghĩa là 5 CCB khá, giàu giúp 1 CCB nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, đã được các cấp Hội CCB triển khai thực hiện từ năm 2012 đến nay. Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Nguyễn Văn Hải giải thích thêm, thực tiễn cho thấy mô hình “5+1” không chỉ 5 giúp 1 mà có thể nhiều hơn (hoặc 6 - 8) giúp 1, tùy điều kiện thực tế ở địa phương. Với cách làm này, hiện nay, toàn tỉnh duy trì có hiệu quả khoảng 1.100 mô hình “5+1”, với hơn 5 ngàn hội viên (HV) tự nguyện tham gia ở hầu hết khắp các chi hội, phân hội ở ấp và khu phố, góp phần giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo trong Hội CCB còn dưới 2%.
Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh đánh giá, qua gần 10 năm triển khai, đã cho thấy mô hình “5+1” không chỉ có tính khả thi, hiệu quả vật chất, kinh tế, là “đòn bẩy” để giảm nghèo, xóa nghèo hiệu quả trong HV CCB. Đồng thời, còn thể hiện tính nhân văn cao cả khi kết nối những yêu thương giữa người với người, thể hiện nghĩa tình, trách nhiệm của tình đồng đội keo sơn, kết chặt mối quan hệ xóm làng, đồng chí.
Tranh thủ các buổi nông nhàn, Chi hội CCB ấp Phú Thuận, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc gặp gỡ “bàn tròn” tại nhà các thành viên trong mô hình “5+1”. Tại đây, các HV cùng nhau chia sẻ, nắm bắt nhu cầu thị trường và cập nhật những kỹ thuật canh tác, giống mới. Đặc biệt, đối với các hộ khó khăn sẽ trình bày những khó khăn trong đời sống để các đồng đội kịp thời động viên, giúp đỡ.
Chủ tịch Hội CCB xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc Võ Hoàng Giang nói, mô hình “5+1” không chỉ là nơi động viên về tinh thần, giúp đỡ về vật chất cho CCB nghèo mà còn thông qua những hình thức khác như: hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, phương pháp sản xuất… Trong đó, các CCB giữ vai trò giúp đỡ những hộ CCB nghèo là những người có tâm huyết, luôn bám sát từng hộ CCB để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể để đề xuất những giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất.
Ngoài ra, xác định hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập là giải pháp cơ bản nhằm giúp cho người nghèo có điều kiện khai thác hết tiềm năng đất đai, lao động có hiệu quả để tăng thu nhập gia đình, ổn định cuộc sống. Hội CCB trên toàn tỉnh nói chung, xã Phú Mỹ (Mỏ Cày Bắc) nói riêng, tạo điều kiện cho các HV được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội; gắn kết, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng của người nghèo trong sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, vận động Quỹ đồng đội để hỗ trợ cho các HV khi cần…
Trước đây do không có nguồn vốn, nên kinh tế gia đình CCB Nguyễn Văn Chót (sinh năm 1967), ngụ ấp Phú Thuận, xã Phú Mỹ gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, ông tham gia mô hình “5+1” và được trực tiếp hỗ trợ từ các HV cùng với các nguồn vốn vay khác, gia đình đã thuê đất sản xuất cây na giống. Sau 4 năm chí thú làm ăn, gia đình ông Chót đã trả hết các khoản vay, đời sống được cải thiện rõ rệt, gia đình ông đã ra khỏi diện hộ nghèo trong xã.
Cùng nhau phấn đấu làm giàu
Từ chiến trường K năm 1987, CCB Trần Văn Út (1966), ngụ ấp Phú Thới, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách trở lại quê hương. Không có “thước đất cắm dùi”, gia đình người lính Trần Văn Út rơi vào một trong những trường hợp nghèo nhất xã. Ông Út chia sẻ, đến năm 2013, ông được 5 CCB trong ấp “choàng vai” hỗ trợ từ phôi, cây giống, vốn… để đầu tư sản xuất các loại cây giống như mãng cầu xiêm, chôm chôm, tắc, cúc mâm xôi... Kinh tế dần ổn định, đến năm 2017, ông chủ động trả lại sổ hộ nghèo.
Cựu chiến binh Trần Văn Út (thứ 2 từ trái sang) ấp Phú Thới, xã Tân Thiềng (Chợ Lách) vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Từ một hộ nghèo, gia đình CCB Trần Văn Út vươn lên khá, giàu, thu nhập hơn 400 - 500 triệu đồng/năm. Chia sẻ niềm vui thoát nghèo, ông Út bộc bạch, nếu không có được sự giúp đỡ của Hội CCB, ông đã không có điều kiện để thay đổi cuộc sống của chính mình.
Ông Phan Thanh Hùng - Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách cho hay, lúc đầu triển khai mô hình “5 + 1”, nhiều người chưa mường tượng được đó là gì, nhưng khi hiểu được ý nghĩa, mục đích và cách thực hiện thì hầu hết CCB và cả những tổ chức đoàn thể khác đều rất tâm đắc. Chỉ sau 3 năm thực hiện mô hình “5+1”, hội đã xóa được 11 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo, đến cuối năm 2016, xã không còn HV nghèo.
Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thiềng nói rõ, Tân Thiềng tiên phong đi đầu trong cả tỉnh thực hiện xây dựng mô hình “5+1” giúp CCB vươn lên khá giàu. Qua 5 năm (2016 - 2021) thực hiện, hội đã huy động nguồn lực để giúp cho 15 HV xây dựng nhà ở, mỗi nhà từ 100 - 200 bao xi-măng và tập trung nguồn vốn giúp các HV tiếp cận các nguồn vốn sản xuất các cây trồng thế mạnh như hoa kiểng, cây giống (mỗi HV được trợ vốn từ 15 - 20 triệu đồng). Kết quả là 15 HV xây dựng nhà ở khang trang, trị giá mỗi nhà từ 300 - 700 triệu đồng, nhiều HV sản xuất có thu nhập trên hàng trăm triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ CCB khá giàu của xã đạt trên 82%.
“Trong số 1.100 mô hình “5+1” đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, có khoảng 257 mô hình giúp CCB vươn lên khá giàu. Mục đích hoạt động của mô hình “5+1” là tạo điều kiện giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo. Tuy nhiên, nơi nào hết hộ nghèo, cận nghèo thì giúp nhau vươn lên khá, giàu. Thời gian tới, tỉnh phấn đấu mỗi chi hội cơ sở xây dựng ít nhất 2 mô hình “5+1” vươn lên khá, giàu, nâng chất hoạt động và phát huy nhân tố tích cực; hướng đến mục tiêu phát triển cuộc sống của HV ngày càng sung túc, ấm no và không ai bị bỏ lại phía sau”.
(Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nguyễn Văn Hải)
|
Bài, ảnh: Chương Đài