Mỏ Cày Nam phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Đề án sinh kế

17/02/2020 - 06:53

BDK - Năm 2020, huyện Mỏ Cày Nam phấn đấu đưa 800 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Đây là ưu tiên hàng đầu của huyện trong bối cảnh tận dụng các chính sách hỗ trợ ở năm cuối thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Chị Lê Hồng Nguyên thoát nghèo nhờ nuôi dê.

Thoát nghèo nhờ  vốn vay

Hôm chúng tôi đến, chị Lê Hồng Nguyên, sinh năm 1969, ngụ ấp Phú Tây Thượng, xã Bình Khánh đang bận tay xắt chuối cho gần 30 con dê ăn. Cũng nhờ được vay tiền nuôi dê mà gia đình chị Nguyên thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định.

Vợ chồng chị Nguyên đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh nhiều năm mà không có dư do con gái chị mắc bệnh tim, nhập viện, uống thuốc liên miên. Đến khi bệnh quá nặng, bệnh viện nói cháu phải mổ, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Quá bế tắc, vợ chồng chị phải về quê nhà ở Bình Khánh Đông.

Chiếc áo khoác ngoài thâm màu mủ chuối, chị Hồng Nguyên quệt tay áo thấm mồ hôi mướt trên trán vội vã mời khách vào nhà. Trong ngôi nhà tình thương do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre hỗ trợ, chị Nguyên kể: “Về quê được một thời gian, gia đình tôi được công nhận hộ nghèo (năm 2016). Chính quyền địa phương đã vận động nhà hảo tâm giúp con tôi mổ tim, chi phí hết 125 triệu đồng. Tôi được mẹ cho cái nền nhà, rồi được hỗ trợ 35 triệu đồng cất nhà, anh em, bà con cho thêm 40 triệu đồng. Tôi tham gia Đề án sinh kế, vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội mua 2 con dê để nái. Thấy mô hình nuôi dê hiệu quả, tôi vay thêm 80 triệu đồng mua dê nuôi. Đến nay, đàn dê được 28 con. Nhờ đó, sau hơn 2 năm tham gia Đề án sinh kế, tôi thoát nghèo năm 2018”.

Khi tham gia Đề án sinh kế, chị Nguyên được xã đưa đi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, mỗi năm 2 đợt. Cộng với tính cần cù, chịu khó, chị Nguyên đi đốn chuối cho bà con, rồi xin thân cây về cho dê ăn. Chồng chị đi làm thuê ở Đồng Tháp. Anh cũng tích lũy được khoảng 2 triệu đồng/tháng cộng với tiền bán dê, hàng tháng thu nhập của gia đình anh chị khoảng 6,6 triệu đồng. Sau 2 năm mổ tim, sức khỏe con gái chị Nguyên dần cải thiện, cháu hiện đang học lớp 10.

Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Đề án sinh kế như đối thoại với hộ nghèo, hướng dẫn mô hình giảm nghèo, kinh nghiệm làm kinh tế hiệu quả, hướng dẫn vay vốn… sau 3 năm thực hiện, Đề án sinh kế đã tạo sự chuyển biến về phát triển kinh tế, ý thức vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển.

Thực hiện các giải pháp

Đầu năm 2020, bệnh dịch tả heo châu Phi chưa lắng dịu hẳn, dịch bệnh do Covid-19 trên người bùng phát đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng huyện Mỏ Cày Nam đã tiêu hủy khoảng 9.000 con heo vì bệnh dịch tả heo châu Phi. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rơi vào khó khăn. Cuối năm 2019, huyện Mỏ Cày Nam có 686 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo phát sinh mới là 119 hộ, trong đó có 94 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo.

Năm 2020, huyện Mỏ Cày Nam phấn đấu đưa hơn 90% hộ tham gia Đề án sinh kế thoát nghèo, xấp xỉ 800 hộ, qua đó hoàn thành đề án này. “Năm nay, huyện tập trung vào giải pháp đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chỉ có con đường này mới giúp người nghèo mau thoát nghèo. Vì những hộ đến nay chưa thoát nghèo, đa số là rất khó khăn, như đất sản xuất ít, khả năng thực hiện nhiều mô hình sinh kế cùng lúc để thoát nghèo gần như không thể” - ông Nguyễn Khắc Nhu - Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết.

 Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Việt Thành -  Phó trưởng ban Chỉ đạo huyện Mỏ Cày Nam chia sẻ: “Quan điểm của huyện là ý thức vươn lên của người nghèo vẫn là điều quan trọng nhất, kế đến là tập trung vào công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn”.

Huyện vừa nhận được 200 triệu đồng kinh phí cho công tác dạy nghề phi nông nghiệp theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến khoảng tháng 3 hoặc tháng 4-2020, huyện sẽ ban hành kế hoạch dạy nghề dựa trên nhu cầu thực tế sau khi rà soát ở 17 xã, thị trấn.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, năm 2020, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ hộ nghèo tham gia đề án như: vốn vay, đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nguồn kinh phí thực hiện công tác giảm nghèo, gồm: kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đầu tư 56,534 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và duy tu bảo dưỡng tại các xã bãi ngang ven biển 37,388 tỷ đồng; thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo 19,146 tỷ đồng.

Ngoài ra, lồng ghép từ các nguồn kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị và tranh thủ các nguồn kinh phí từ các tổ chức NGOs: AMD, OXFAM, Seed to Table… và nguồn vận động xã hội hóa để thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (viết tắt là Đề án sinh kế) bước vào năm cuối. Sau 3 năm thực hiện Đề án sinh kế, toàn huyện Mỏ Cày Nam có gần 2 ngàn hộ cải thiện thu nhập, 1.126/1.968 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, tỷ lệ 57,2%. Trong đó, có 306 hộ nghèo, 820 hộ cận nghèo.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN