Trang trí cờ hoa chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mỏ Cày Bắc nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Hữu Hiệp
Hệ thống chính trị vững mạnh
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy đã quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đảm bảo nội dung và hình thức phong phú. Vai trò của cấp ủy được phát huy. Công tác tuyên truyền được tập trung, nhất là tháo gỡ “điểm nghẽn”, kịp thời đưa các chủ trương của Trung ương, tỉnh đến cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong CB, ĐV và nhân dân.
Huyện đã lãnh đạo quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, đảm bảo sát hợp với đảng bộ, đưa vào sinh hoạt thường xuyên trong các cuộc họp chi bộ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong CB, ĐV. Hàng năm, Huyện ủy chọn một số nội dung của phương châm “Dân chủ - Kỷ cương - Đoàn kết - Năng động - Đổi mới” để nhấn mạnh trong toàn đảng bộ thực hiện. Từ đó, nhận thức và hành động của từng cấp ủy và trong đội ngũ CB, ĐV được nâng lên, đổi mới cách nghĩ, cách làm, thể hiện tinh thần tiến công, năng động, sáng tạo.
Tổ chức bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được sắp xếp ổn định, theo hướng tinh gọn và hoạt động hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp được quy định chặt chẽ, đúng pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã cử 9.328 lượt CB, ĐV, đoàn viên, hội viên tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng tỷ lệ đạt chuẩn công chức huyện, xã trên 90%, CB chuyên trách xã trên 95%. Huyện hoàn thành Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện và đề án chung của Huyện ủy. Hầu hết CB được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đều đáp ứng các tiêu chuẩn chức danh được bố trí, có năng lực, sở trường công tác phù hợp với vị trí mới.
Thực hiện phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” phát huy được hiệu quả. Nhiều đồng chí bám địa bàn làm tốt vai trò đầu mối, truyền đạt những thông tin, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến cơ sở; nắm bắt tình hình, hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, bức xúc hoặc phản ánh đến ngành chức năng theo trách nhiệm, quyền hạn đúng quy định của Huyện ủy.
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được tăng cường, nâng chất lượng. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp ủy huyện đã kiểm tra chuyên đề 13 tổ chức đảng, 18 ĐV; kiểm tra chấp hành 5 tổ chức, 5 ĐV; giám sát chuyên đề 8 tổ chức, 11 ĐV. Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, tập trung kiểm tra tổ chức đảng và ĐV có dấu hiệu vi phạm, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo. Huyện đã xem xét xử lý kỷ luật 38/112 ĐV, giảm 66,07% so với nhiệm kỳ trước; xóa tên 64 ĐV, cho ra khỏi đảng 7 ĐV.
Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo công tác dân vận và có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, thực hiện tốt “Năm dân vận chính quyền”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được nâng chất và nhân rộng trên nhiều lĩnh vực.
Qua triển khai mô hình chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, có 1 chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh toàn diện (Thanh Nam, xã Tân Thanh Tây), 12 chi bộ ấp đạt từ 26 - 30 tiêu chí chung và riêng. Hàng năm, đánh giá, phân loại TCCSĐ, bình quân 98,78% TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 50,61% trong sạch, vững mạnh. Cấp huyện có 2 mô hình kiêm nhiệm, cấp cơ sở 8 mô hình, phát huy được tác dụng và hoạt động hiệu quả. Cấp huyện tinh giản 7 biên chế, cấp xã 21 và ấp 22 biên chế.
Tạo động lực phát triển toàn diện
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Mỏ Cày Bắc tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, tập trung chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (cây dừa, bưởi da xanh và con heo) và xây dựng nông thôn mới (NTM). Cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực. Diện tích cây ăn trái, rau màu… kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây có múi, dừa và cây giống, hoa kiểng. 314ha đất trồng rau màu trọng điểm của huyện tại các xã: Nhuận Phú Tân, Tân Thanh Tây, Khánh Thạnh Tân được duy trì và phát triển. Công tác khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật được đẩy mạnh, xây dựng các mô hình sản xuất mới, như: trồng dừa theo hướng hữu cơ (Thanh Tân), bưởi da xanh từ Dự án JICA và nuôi gà an toàn sinh học (Tân Phú Tây), bưởi da xanh VietGAP (Tân Thành Bình). Nhiều mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa, nhất là tôm, gà, cây có múi, cây giống, hoa kiểng đạt hiệu quả kinh tế cao đã được nhân rộng.
Huyện tập trung nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có bưởi da xanh. Ảnh: H. Hiệp
Chăn nuôi được xem là thế mạnh sau kinh tế vườn, giá trị sản xuất chiếm 41,27% cơ cấu ngành nông nghiệp. Chăn nuôi phát triển nhanh theo hướng quy mô trang trại, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh, kiểm soát dịch bệnh, tập trung nhiều ở các xã: Thành An, Tân Phú Tây, Khánh Thạnh Tân, Tân Bình… Đã tận dụng trên 200ha mặt nước, ao hồ, mương vườn, bãi bồi để nuôi thủy sản.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng phát triển khá tốt. Giá trị sản xuất tăng bình quân 15,02% (NQ 8,1%). Các mặt hàng thế mạnh như: may mặc, đan ghế dây nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ, hạt điều, chỉ xơ dừa, thạch dừa và các sản phẩm khác sử dụng nguyên liệu từ dừa có mức tăng khá. Nhiều cơ sở đầu tư được mở rộng, thay đổi máy móc, trang thiết bị, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm. Mạng lưới sản xuất gia công chế biến các sản phẩm từ dừa và một số ngành hàng khác được tiếp tục mở rộng. Giá trị sản xuất của ngành và kim ngạch xuất khẩu ước đạt 65,82 triệu USD, tăng 12,5 lần so với nhiệm kỳ trước.
Thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển đa dạng, giá trị sản xuất tăng bình quân 13,72%/năm (NQ 11%). Mạng lưới chợ được đầu tư nâng cấp, xây mới và đưa vào hoạt động. Nhiều cửa hàng tiện ích hoạt động cung cấp hàng hóa đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Trên địa bàn huyện hình thành một số điểm du lịch sinh thái, điểm du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sông nước kết hợp với nghỉ dưỡng, tham quan làng nghề truyền thống, khu di tích lịch sử văn hóa, tâm linh.
Hiện có 72 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, 37 tổ hợp tác đang hoạt động theo Nghị định số 151/NĐ-CP và 20 hợp tác xã. Toàn huyện có 4.428 hộ kinh doanh cá thể, vốn đăng ký 475 tỷ đồng, so với năm 2015 tăng 3.001 hộ và 317 tỷ đồng. Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” bước đầu hình thành môi trường khởi nghiệp. Các ngành, đoàn thể đã hướng dẫn, hỗ trợ cho 244 hộ nghèo, cận nghèo vay 7,395 tỷ đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn huyện hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Giao thông nông thôn và thủy lợi có bước phát triển. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 6.448 tỷ đồng (vượt 8,6% so với NQ). Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện được quản lý, sử dụng tập trung cho các công trình hạ tầng trọng điểm. Huyện đã đầu tư xây mới 169 cầu bê-tông cốt thép, 163,8km đường, với tổng kinh phí 184 tỷ đồng; xây dựng 13 công trình bờ bao, dài 23,397km, 2 cống, 2 đập ngăn mặn; nạo vét 2 kênh dài 1,833km.
Đến nay, huyện có 4 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, các xã còn lại đạt từ 11 - 14 tiêu chí. Trung tâm 2 xã Phước Mỹ Trung và Nhuận Phú Tân được công nhận đạt chuẩn đô thị loại V. Toàn huyện có 13/13 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 10/13 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, 11/13 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. 18/44 trường đạt chuẩn quốc gia. 13/13 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. 100% ấp sức khỏe. Các trạm y tế đều có bác sĩ. Huyện đã xây dựng 567 căn nhà tình nghĩa, 548 căn nhà tình thương, sớm hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở cho hộ chính sách và hộ nghèo trên 45 tuổi. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 3%, bình quân hàng năm giảm 1% (NQ giảm từ 1 - 2%/năm).
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mỏ Cày Bắc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với phương châm hành động “Dân chủ - Kỷ cương - Năng động - Phát triển” hướng đến đạt các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 11,12%/năm. Mức tăng trưởng bình quân từng lĩnh vực: nông - lâm - thủy sản tăng 2,06%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,79%; thương mại - dịch vụ tăng 12,31%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 12.500 tỷ đồng.
GRDP bình quân đầu người 85 triệu đồng/người/năm.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn bình quân 15%/năm; xã Phước Mỹ Trung tự cân đối chi thường xuyên.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tạo việc làm mới 6 ngàn người; đưa 500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%.
Phát triển từ 300 - 350 đảng viên. Tỷ lệ TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hàng năm đạt 95% trở lên.
Đến cuối nhiệm kỳ huyện đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Xã Phước Mỹ Trung đạt chuẩn thị trấn…
|
Trần Quốc