|
Đan ghế nhựa giải quyết được nhiều lao động. Ảnh: PY |
Bắt đầu là Tổ nghề nghiệp, ông Nguyễn Văn Đông (ấp Thanh Xuân 2, xã Thanh Tân, Mỏ Cày Bắc) làm đầu mối cho nhóm gần 50 người, nhận đan hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình và chỉ xơ dừa. Suốt gần 8 năm (từ năm 2002-2009), cơ sở đan đát Bảy Đông chủ yếu giao nhận hàng bằng đường sông. Sự phát triển của cơ sở vì thế cũng chậm và chưa tạo được đột phá.
Con đường liên ấp Tân Thông 3 và Thanh Xuân 2 của Thanh Tân dài trên 1.200m, rộng 1,6m do Dự án DBRP Bến Tre tài trợ, hoàn thành năm 2009 đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân nơi đây, trong đó có cơ sở đan đát này. Xe tải của Công ty chuyển hàng tới tận nhà đã giúp cơ sở giải quyết được nhiều khó khăn cả về chi phí, thời gian cũng như việc đầu tư, mở rộng cơ sở.
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhằm tạo thêm việc làm cho lao động nghèo, cơ sở đan đát Bảy Đông vì thế được Dự án DBRP Bến Tre quan tâm đặc biệt. Tạo điều kiện để tiếp cận thêm doanh nghiệp đầu mối, hỗ trợ dạy nghề cho lao động tại địa phương đã giúp cho tổ hợp tác phát triển rất nhanh. Chỉ tính tại cơ sở này, con số lao động được dạy nghề là 150. Bên cạnh đó, chủ cơ sở Nguyễn Văn Đông còn tham gia truyền nghề đan đát cho các xã trong vùng Dự án ở huyện Châu Thành, Ba Tri và hiện có trên 15 vệ tinh tại các huyện này.
Qua 3 năm, với sự hỗ trợ tích cực của Dự án và cơ quan chức năng, cơ sở đan đát Bảy Đông đã chính thức trở thành doanh nghiệp Đan hàng thủ công mỹ nghệ Mai Đông, từ tháng 7-2012. Chủ doanh nghiệp Nguyễn Văn Đông cho biết, việc thành lập doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục pháp lý trong ký hợp đồng với đối tác. Vì vậy, doanh nghiệp của ông hợp tác được với nhiều công ty và có nhiều đơn hàng hơn.
Cùng với các đầu mối đã có, doanh nghiệp Mai Đông đang tiếp tục tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào và mở rộng thị trường đầu ra, nhằm thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài huyện. Bà Huỳnh Ngọc Diệu - cán bộ thị trường, Văn phòng Dự án DBRP huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, Dự án vừa tạo điều kiện giúp Doanh nghiệp Mai Đông kết nối thị trường với một số doanh nghiệp đan đát ở Vĩnh Long, Tiền Giang. Theo kế hoạch, Văn phòng Dự án huyện sẽ đề xuất đầu tư máy xe lác cho doanh nghiệp Mai Đông theo hình thức hợp tác công tư. Nếu điều này được chấp thuận, thu nhập của người trồng lác ở quanh vùng này sẽ được cải thiện, giải quyết thêm được nhiều lao động cũng như giảm giá thành thành phẩm, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.