Luật Cảnh sát cơ động có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023

26/12/2022 - 11:13

BDK.VN - Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 14-6-2022. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023 và thay thế Pháp lệnh CSCĐ số 08/2013/ PL-UBTVQH13.

CSCĐ Công an tỉnh Bến Tre luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Luật CSCĐ có 5 chương, 33 điều. Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật quy định: Biện pháp vũ trang là cách thức, phương pháp sử dụng sức mạnh tinh thần, thể chất, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để CSCĐ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CSCĐ bao gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc CSCĐ.

Điều 3 Luật CSCĐ xác định: “CSCĐ là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để CSCĐ thực thi nhiệm vụ; đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của CSCĐ và ý thức pháp luật trong nhân dân và các ngành, các cấp về vị trí, vai trò của CSCĐ.

CSCĐ hoạt động trên những nguyên tắc cơ bản: 1] Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an. 2] Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 3] Dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. 4] Kết hợp chặt chẽ biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. 5] Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Theo Điều 10 của Luật, CSCĐ có những quyền hạn gồm: 1] Tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an về biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. 2] Sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố. 3] Sử dụng biện pháp vũ trang và các biện pháp công tác khác để thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Tấn công, ngăn chặn đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc con tin, sử dụng bạo lực xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức; giải tán các vụ việc tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự; bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự.

Theo quy định của Luật, CSCĐ thực hiện một số hoạt động liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: Bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt (Điều 11); tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự (Điều 12); vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin (Điều 13).

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, CSCĐ chủ động phối hợp và được sự hỗ trợ phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương theo quy định pháp luật.

Tin, ảnh: Đức Chính

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN