Ông Trần Văn Nở - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, huyện Ba Tri cho biết: “Diện tích lúa cánh đồng mẫu (CĐM) tại xã là 83ha với 98 hộ dân tham gia, trong đó có khoảng 70ha lúa chất lượng cao. Hiện tại, Công ty Lương thực Bến Tre đã ký hợp đồng tiêu thụ đảm bảo giá mỗi ký lúa cao hơn 2% giá thị trường”.
Thực hiện mô hình CĐM từ năm 2008, đến nay, nông dân xã Tân Xuân đã sản xuất và thu hoạch được 6 vụ lúa. Vụ Đông Xuân 2007-2008, tại xã có 36 hộ nông tham gia mô hình với diện tích 30ha. Người sản xuất được Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang hỗ trợ về mặt kỹ thuật, cung cấp thuốc bảo vệ thực vật trong suốt mùa vụ và chỉ thu tiền sau khi thu hoạch lúa (Công ty hỗ trợ 5%, thu bằng giá gốc của Công ty tại thời điểm xuất hàng). Theo mô hình này, lúa sản xuất đạt chất lượng cao, nhà nông thu lãi nhiều hơn sản xuất theo kiểu thông thường. Sau đó, các năm tiếp theo, số người tham gia mô hình ngày càng nhiều và diện tích CĐM ngày càng tăng; đến nay có 98 hộ tham gia với diện tích 83ha.
Nông dân Tân Xuân sản xuất các giống lúa: OC10, OM6162, OM900, OM7347, nếp… với năng suất đạt bình quân khoảng 5 tấn/ha/vụ; trong đó, có vụ thu hoạch đạt 6 tấn/ha/vụ. Năm 2012, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đến các địa phương khác hỗ trợ nông dân sản xuất theo mô hình CĐM. Được sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật huyện Ba Tri, nông dân Tân Xuân tiếp tục thực hiện mô hình này.
Hiện tại, Tân Xuân đang thu hoạch lúa vụ Thu Đông 2014 trên CĐM, năng suất đạt từ 5,5 tấn đến 6 tấn/ha. Ông Trần Văn Nở cho biết, toàn xã Tân Xuân có trên 1 ngàn héc-ta sản xuất lúa; nông dân rất muốn mở rộng diện tích CĐM và rất cần được sự đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật của ngành chức năng.
Huyện Ba Tri hiện có 258ha đất sản xuất lúa theo mô hình CĐM. Trong đó, nhiều nhất là xã Mỹ Nhơn (140ha), Tân Xuân (83ha), Mỹ Hòa (35ha). Huyện cũng bắt đầu thực hiện mô hình CĐM đối với 2 xã: Phú Ngãi, Vĩnh Hòa.