“Hiện nay, toàn xã chỉ còn 100 hộ nghèo với 312 nhân khẩu, chiếm 6,34%, hộ cận nghèo còn 105 hộ với 380 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 6,66%. Quyết tâm của địa phương trong năm nay là phải kéo giảm 2% hộ nghèo để đạt tiêu chí này trong lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện Long Định (Bình Đại) đã đạt hơn 10 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2019, xã sẽ đạt 14/19 tiêu chí NTM” - Chủ tịch UBND xã Trần Văn Mười cho biết.
Anh Điệp và anh Duy bên mô hình nuôi dê sinh sản của Đề án sinh kế, thoát nghèo.
Từ tuyên truyền, vận động
Sau khi tiếp nhận Đề án số 4190 của UBND tỉnh về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và đô thị văn minh, Long Định có Kế hoạch số 185 để cụ thể hóa các kế hoạch của huyện, đề án của tỉnh sát với tình hình địa phương và đồng thời triển khai sâu rộng đến với đoàn viên, hội viên, cán bộ các đoàn thể các ấp. Công tác tuyên truyền, vận động được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi hội, tổ hội, chi đoàn và tổ nhân dân tự quản (87 cuộc với hơn 1.500 lượt người tham dự). Xã cũng nhanh chóng kiện toàn, củng cố và thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban với 30 thành viên là đại diện cho các ban, ngành, đoàn thể xã, các ấp.
Nắm được tâm tư, nguyện vọng của người nghèo và sau khi đã loại danh sách hộ nghèo hưởng bảo trợ xã hội (31 hộ), địa phương đã xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp với hộ nghèo, cận nghèo từng ấp (44 hộ). Cán bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xã Huỳnh Nhựt Duy cho biết, trong năm 2018, địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng huyện mở rất nhiều lớp dạy nghề, hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng, xây dựng các mô hình sinh kế điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa bàn ấp. Các lớp đào tạo nghề thú y, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi… thu hút hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo tham dự. Có 23 hộ nghèo và cận nghèo được một dự án của Hàn Quốc hỗ trợ 40 gốc bưởi da xanh, 10 cây dừa xiêm dứa, dụng cụ lao động, phân thuốc. Mô hình nuôi dê, nuôi bò sinh sản được bà con rất đồng tình vì mang lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, địa phương còn quan tâm tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động cho con em hộ nghèo và hộ cận nghèo. Trong năm 2018, đã tạo việc làm cho 45 lao động thuộc hộ nghèo, tư vấn và xuất khẩu lao động 7 trường hợp. Tính từ năm 2016 đến nay, đã vận động, xây dựng và bàn giao 15 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở.
Đến mô hình sinh kế
Cán bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xã Long Định Huỳnh Nhựt Duy cho biết, cái hay của địa phương là nắm rất chắc tâm tư, nguyện vọng của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo. “Cùng bàn, cùng nghĩ, cùng làm” với họ, vì vậy, các mô hình sinh kế dù được hỗ trợ vốn rất thấp nhưng hiệu quả rất cao vì có sự cộng đồng trách nhiệm, sự cần cù, ý chí vươn lên của người nghèo.
Điển hình là hộ anh Phan Văn Điệp, sinh năm 1972, ở ấp Long Phú. Anh Điệp cho biết: “Tôi là con thứ tư trong gia đình có 9 anh chị em, hoàn cảnh gia đình nghèo nên cha tôi chỉ cho được một nền nhà. Từ năm 2017 đến nay, tham gia Đề án sinh kế, thoát nghèo của xã, gia đình tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực của các mạnh thường quân, các nguồn vốn vay ưu đãi để chăn nuôi bò và dê sinh sản. Hiện con bò mẹ đang mang thai được 7 tháng, trước đây đã sinh 1 con bê đực, tôi bán trả nợ ngân hàng rồi; 2 con dê cũng từ dự án hỗ trợ và chuyển giao xong cho hộ khác liền, hiện nay 2 con dê nái vừa mới sinh được 4 dê con”.
“Hàng ngày, tôi phải thức dậy từ rất sớm để cắt cỏ, cho dê và bò ăn rồi mới đi làm hồ. Vợ tôi thì đưa và rước hai con nhỏ. Đây thật sự là tài sản lớn của hai vợ chồng tôi đấy, nếu không chăm sóc chu đáo, bỏ liều, bỏ phế thì đâu có vốn để làm ăn. Chính quyền quan tâm, đầu tư, hỗ trợ và còn cắt cử anh em xuống trực tiếp hỗ trợ rất nhiều… Tôi không thể phụ lòng mong mỏi và niềm tin của họ được” - anh Điệp tâm sự.
Theo anh Huỳnh Nhựt Duy, trong năm 2019, anh Điệp quyết tâm và đăng ký với xã sẽ thoát nghèo.
Bài, ảnh: Thành Lập