Lòng dân Bến Tre với Bác

11/09/2013 - 08:14
Bức tranh do bà Huỳnh Thị Tuyết thêu trong tù Côn Đảo.

Những hình ảnh, kỷ vật về Bác Hồ đặt trong Nhà trưng bày thành tựu kinh tế - văn hóa xã hội tỉnh, là tất cả tình yêu thương của người dân Bến Tre dành cho Bác.

“Đây là ảnh Bác Hồ với các đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1969. Còn đây, Tết Trung thu, các cháu quây quần nghe Bác kể chuyện. Ảnh này thì chụp lúc Bác Hồ đến thăm những đơn vị khá trong phong trào thi đua ba nhất, đưa bộ đội ta tiến lên chính quy, hiện đại…” - ông Trần Văn Dũng - nguyên cán bộ phụ trách tuyên huấn Quân khu 7 (hiện ở phường 4, TP. Bến Tre) giới thiệu về những tấm ảnh mà ông đã tặng Bảo tàng tỉnh. Từng làm công tác tuyên huấn vào những năm 1970 nên ông Dũng có điều kiện tiếp cận và sưu tầm nhiều hình ảnh có giá trị lịch sử, đặc biệt là những bức ảnh liên quan đến Bác.

Gần 100 kỷ vật, tư liệu theo chủ đề “Lòng dân Bến Tre với Bác Hồ” được Bảo tàng tỉnh trưng bày đợt này (từ 2-9 đến 31-12-2013) xuất xứ từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Song, điểm chung của người sở hữu là niềm tin tất thắng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Hồng (phường 8, TP. Bến Tre), bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được dệt bằng lụa là kỷ vật vô giá. Năm 1972, với thành tích diệt giặc xuất sắc, nữ chính trị viên Trung đội Biệt động Thị xã Bến Tre Lê Thị Hồng được tặng bức tranh này, tại Đại hội chiến sĩ thi đua do Tỉnh đội Bến Tre tổ chức. Kể từ đó, bức chân dung của Bác luôn đồng hành với bà ở mọi chiến trường. Mỗi khi đơn vị làm lễ kết nạp đoàn viên, đảng viên, bà lại đem ra treo trong buổi lễ thể hiện lòng tôn kính đối với Bác.

Có những kỷ vật được tặng thưởng, nhưng phần lớn là do đồng đội, người thân trao tặng. Đặt trang trọng trong tủ kính, khung gỗ lưu ảnh Bác Hồ có ý nghĩ đặc biệt với ông Nguyễn Ngọc Liên (xã Tân Phong, Thạnh Phú). Năm 1956, ông được đồng đội, đồng hương là bà Út Hạnh (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Tiết) tặng ảnh chân dung Bác. Và từ đó, bức ảnh đặc biệt này trở thành động lực làm dày thêm niềm tin, giúp ông Liên không chùn bước trước mọi khốc liệt của cuộc chiến. Gần 20 năm sau, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông đóng thêm khung gỗ để thờ. Sau này, ông Liên tặng kỷ vật cho Bảo tàng tỉnh, với lý do “được chia sẻ niềm tin về Bác rộng khắp hơn”. Cũng như ông Liên, ảnh chân dung Bác dù bị vàng ố gần phân nửa nhưng là kỷ vật quý giá ông Bùi Thiên Hằng (xã Phước Thạnh - Châu Thành) gìn giữ từ năm 1960. Còn với ông Đoàn Văn Đức - nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre, là viên đá mùn Pắc Bó được bạn tặng năm 1975. Trên mặt đá có khắc bài thơ của Bác: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”…

Nổi bật trong các kỷ vật nhuốm màu thời gian là sắc màu rực rỡ của bức tranh thêu chùa Một Cột của bà Huỳnh Thị Tuyết (Châu Thành). Đây là bức tranh do chính bà thêu khi bị giam giữ trong ngục tù Côn Đảo. Lý do thêu bức tranh là vì bà luôn hướng đến Bác Hồ, hướng về Thủ đô Hà Nội.

Một vòng với các kỷ vật, hình ảnh, ánh mắt, nụ cười của Bác, cờ phướn khắp ngõ… như sống lại khí thế hừng hực đấu tranh của quân dân Bến Tre. Nhưng, tất cả chợt lắng đọng lại khi chạm vào mắt những bức ảnh, những kỷ vật về sự ra đi của Bác. Bộ ảnh lễ tang của Bác tái hiện toàn cảnh ngày Bác yên giấc. Hai chiếc băng tang bé xíu (4,5 x 7,8cm) bằng vải, màu đỏ và đen được ép nhựa cẩn thận của Đại tá Phạm Thanh Dòn và của ông Lê Văn Đại, chiến sĩ Tiểu đoàn 307 được phát trong ngày Bác mất. Đặc biệt là bộ quần áo của ông Dương Văn Ẩn - nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre mặc dự lễ tang Bác năm 1969. “Đây là kỷ vật vô cùng đặc biệt của ông Mười (Mười Ẩn). Chúng tôi thuyết phục lắm ông mới cho mượn về trưng bày. Ông rất nâng niu và cất rất kỹ, chưa muốn trao tặng cho Bảo tàng bây giờ” - chị Nga Em, cán bộ Bảo tàng tỉnh cho biết.

Bác ra đi, nỗi đau ấy được người dân Bến Tre biến thành hành động. Nhiều tư liệu quý được cán bộ và nhân dân Bến Tre lưu giữ một cách trân trọng. Một số được trưng bày trong dịp này, đó là những tài liệu về: Thấm nhuần sâu sắc Di chúc của Hồ Chủ tịch nỗ lực kiên trì đánh thắng “bình định đặc biệt” và củng cố phát triển lực lượng cách mạng, ấn hành năm 1971; Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân ngày 20-7-1969; Học tập làm theo Di chúc Bác, đã đánh cho Mỹ cút và tiếp tục đánh cho ngụy nhào; Hướng dẫn thảo luận Di chúc và Điếu văn Hồ Chủ tịch; đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Những lời Bác dạy...

Tự mỗi hình ảnh, mỗi kỷ vật và hoàn cảnh xuất xứ đã nói lên lòng dân Bến Tre với Bác với biết bao yêu thương, kính trọng. Nhớ hoài tấm Thiệp chúc Xuân năm 1969 của Bác Hồ mà bà Nguyễn Thị Nhạn (xã Thanh Tân - Mỏ Cày Bắc) đào mương bắt gặp và tặng Bảo tàng. Tấm thiệp nhỏ xíu nhưng còn rõ nét chữ, cành đào. Tình yêu của người dân Bến Tre với Bác, với quê hương vẫn vậy, vẫn thấm đậm tận tim!.

Bài, ảnh: Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN