Sản xuất cây giống cần sự chia sẻ cây đầu dòng.
Quan tâm cây đầu dòng
Để biết được chất lượng của cây giống, nhiều người mua chỉ căn cứ vào uy tín, danh tiếng của người bán, còn cơ sở để xác định chất lượng cây giống thì không dễ chút nào.
Chị T.Đ., thường mua dừa giống ở TP. Bến Tre chia sẻ: “Giờ đi mua cây giống rất khó, phải biết chỗ tin cậy mới dám mua. Nếu không thì vừa mất tiền, mất công chăm sóc, lại tốn đất đến mấy năm. Tôi có người bạn có vườn bưởi trồng hơn 3 năm, đến khi cây có trái, mới biết chất lượng giống không phải như loại đặt mua. Thế là phải chặt bỏ cả vườn”.
Không ít người mua cây giống về trồng đến vài năm mới “té ngửa” biết cây kém chất lượng. Cái giá phải trả cho cây giống “dỏm” khá nặng. Mặc dù Nghị định số 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật do Chính phủ ký ban hành tháng 5-2016 đã được triển khai nhiều năm qua, nhưng đến nay tỉnh chưa xử phạt trường hợp nào trong lĩnh vực giống cây trồng.
Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Văn Dũng cho biết: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là cơ quan được giao quyền thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng. Chi cục trưởng có quyền ký phạt cao nhất đến 50 triệu đồng. Tỉnh là một trong những địa phương được xem là làm tốt trong lĩnh vực quản lý giống cây trồng.
“Thời gian qua, chúng tôi chưa xử phạt vi phạm hành chính trường hợp nào liên quan lĩnh vực giống cây trồng theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP. Vì theo nghị định, không phạt được đối với hộ sản xuất cây giống không đăng ký kinh doanh. Còn hộ sản xuất cây giống có đăng ký kinh doanh thì có giấy tờ đầy đủ” - ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm.
Tỉnh hiện có 39 cây đầu dòng các loại được công nhận và trên 230 vườn cây đầu dòng các loại được công nhận. Đây là nỗ lực của người dân và tỉnh. Bởi theo quy định cũ thì để công nhận cây đầu dòng phải mất gần 10 năm để đánh giá.
Chứng minh quy trình sản xuất
Trong khi Nghị định số 31/2016/NĐ-CP được cho là còn “kẽ hở” thì thị trường ngày càng đòi hỏi khắc nghiệt, cây giống phải đảm bảo chất lượng. “Mấy hôm trước, tôi có đi qua Campuchia, nơi một tập đoàn lớn của Việt Nam đang đầu tư, người đại diện tập đoàn muốn mua cây giống. Họ hỏi tôi có đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc không. Tôi lại không có” - anh C.T, một nông dân sản xuất cây giống ở huyện Chợ Lách bày tỏ tiếc nuối.
Trong vai trò là đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, ông Huỳnh Thiên - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách nêu ý kiến: Thiếu đất tạo vườn đầu dòng không phải là nguyên nhân chính. Vì một vườn đầu dòng có 50 cây (chiếm diện tích đất 1.000m2) đủ cung cấp mắt ghép sản xuất 10 ngàn cây giống/năm.
Cái khó nhất hiện nay trong tạo vườn cây đầu dòng là chủ nhân của cây đầu dòng không muốn chia sẻ. Họ muốn giữ cái riêng, độc quyền sản xuất nên ít chịu ký giấy chuyển giao, công nhận cho loạt cây giống họ sản xuất từ cây đầu dòng. Hậu quả là, cây giống chất lượng từ cây đầu dòng vẫn tung ra thị trường nhưng không có nhãn mác, thương hiệu. Điều này rất dễ cho việc giả mạo, trà trộn cây giống kém chất lượng. Từ đó, làm mất uy tín, thương hiệu cây giống Bến Tre.
Luật Trồng trọt được Quốc hội ban hành ngày 19-11-2018, có hiệu lực vào ngày 1-1-2020 đã mở ra cơ hội cho người sản xuất giống ở Bến Tre, nhất là đối với các giống mới.
Triển khai mô hình mới
Ước tính của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, mỗi năm, tỉnh cung ứng ra thị trường khoảng 45 triệu sản phẩm cây giống, với số lượng vườn đầu dòng đã được công nhận chỉ đáp ứng trên 50% sản phẩm cây giống cung cấp ra thị trường. |
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết: “Theo quy định cũ, một giống mới phải qua khảo nghiệm 7 năm và 3 năm liên tiếp để khảo nghiệm tính ổn định, thế thì mất đi tính mới, tính thời sự của giống mới, cạnh tranh. Luật Trồng trọt đã bỏ quy định cũ này. Giờ đây, một giống mới chỉ mất 31 ngày đăng ký cây đầu dòng. Tuy nhiên, người dân phải báo rõ đặc tính của cây giống mới để chính quyền địa phương hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận”.
Trong năm 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre sẽ triển khai mô hình “Thực hành sản xuất cây giống tốt” theo quy trình: hộ sản xuất cây giống phải có cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, công bố tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc để người mua biết cây giống lấy mắt ghép từ cây đầu dòng nào, ngày ươm gốc, ngày ghép, đường kính gốc ghép, chiều cao cây…”
Khi đạt những điều kiện trên, hộ sản xuất cây giống sẽ được cấp chứng nhận “Đủ điều kiện sản xuất cây giống tốt”. Đây là “bùa hộ mệnh” cho người dân khi bán cây giống trên thị trường. Qua đó, giữ thương hiệu và tăng uy tín cho cây giống Bến Tre, để nghề sản xuất cây giống Bến Tre không mai một mà ngày càng vươn xa.
Bài, ảnh: Thạch Thảo