Lợi ích của xét nghiệm HIV sớm

30/11/2018 - 07:29

BDK - Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018, cùng với cả nước, tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện hướng đến mục tiêu 90-90-90. Trong đó, ngành chức năng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ, nhất là lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm.

Bệnh nhân tham gia điều trị tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.

Tăng hiệu quả điều trị

Cục Phòng chống HIV thuộc Bộ Y tế khuyến cáo, người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 - 12 tháng/lần. Việc xét nghiệm sớm sẽ giúp người bệnh biết được tình trạng bệnh nếu đang trong “thời kỳ cửa sổ” và tăng hiệu quả điều trị. Theo các bác sĩ chuyên khoa, chỉ có xét nghiệm mới biết một người có nhiễm HIV hay không. Khi kết quả xét nghiệm HIV âm tính có nghĩa là tại thời điểm xét nghiệm người đi khám không mang trong mình vi-rút HIV, hoặc xét nghiệm chưa phát hiện được vi-rút trong cơ thể, vì có thể đang ở trong “thời kỳ cửa sổ”.

Bác sĩ CK.II Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, “thời kỳ cửa sổ” là giai đoạn cơ thể người mang vi-rút HIV chưa sinh ra kháng thể để có thể phát hiện được bằng các xét nghiệm thông thường nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm HIV cho người khác. Lúc này, người đi xét nghiệm nên tránh những hành vi nguy cơ. Nếu nghĩ rằng mình có nguy cơ bị lây nhiễm HIV và đang trong “thời kỳ cửa sổ”, nên làm xét nghiệm lại sau 3 - 6 tháng để khẳng định chắc chắn tình trạng nhiễm HIV của mình. Nếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính, có nghĩa là người đi xét nghiệm đã mang vi-rút HIV. Lúc này, người bệnh hãy liên hệ với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh hoặc đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị sớm nhất và nhận được các hỗ trợ về y tế khi cần thiết.

Những người tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ tình dục với nhiều người, người chuyển giới hoặc người làm việc mại dâm là người có hành vi nguy cơ cao. Hay người dùng chung bơm kim tiêm với người nghiện chích ma túy, người có quan hệ tình dục không an toàn; người có bệnh lý về lao hoặc mắc các bệnh do lây truyền qua đường tình dục sau khi khám bệnh và nhận được tư vấn của bác sĩ về xét nghiệm HIV.

Tránh nguy cơ lây lan cộng đồng

Theo bác sĩ CK.II Lê Thị Kim Thoa, không xét nghiệm HIV sớm cũng đồng nghĩa với việc người bệnh không được tiếp cận với các dịch vụ điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và giảm lây truyền ra cộng đồng. “Chỉ có xét nghiệm HIV sớm và nếu phát hiện bệnh sớm được điều trị sớm thì hiệu quả điều trị rất cao, giảm chi phí cho gia đình và xã hội, đồng thời giảm lây nhiễm cho cộng đồng”, bác sĩ Thoa khẳng định.

Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau mà những người mặc dù nằm trong nhóm có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV nhưng không đi xét nghiệm. Trên địa bàn tỉnh, có không ít trường hợp người nhiễm vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Điều này không chỉ là mối lo ngại của bản thân mà còn là mối nguy cho cộng đồng. Bởi, có thể là nguồn lây nhiễm HIV cho những người xung quanh do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng.

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay, các trường hợp xét nghiệm sàng lọc HIV có thể nhận được kết quả trong thời gian ngắn. Theo quy định của Nhà nước, các cơ sở y tế không được tiết lộ thông tin khi chưa có sự đồng ý của người nhiễm. Do đó, mỗi người nên ý thức việc xét nghiệm, nếu dương tính với vi-rút HIV sẽ  được tư vấn và điều trị sớm, mang lại hiệu quả hơn.

Theo thống kê của ngành chức năng, năm 1993, tại huyện Giồng Trôm phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Khi biết tình trạng nhiễm của bản thân, bệnh nhân chủ động tránh các nguy cơ lây lan cộng đồng, đồng thời kiên trì điều trị, đến nay sức khỏe bình thường và sống hòa nhập cộng đồng. Thông tin từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, có rất nhiều bệnh nhân thời gian phát hiện bệnh trên 15 năm vẫn duy trì sức khỏe tốt thông qua hỗ trợ điều trị ARV và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

 Một bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS chia sẻ: “Tôi phát hiện nhiễm HIV cách đây hơn 10 năm trong lúc kiểm tra sức khỏe để đi hợp tác lao động. Từ lúc phát hiện bệnh, được các bác sĩ tư vấn và cho uống ARV. Đến nay, sức khỏe tốt, sinh hoạt như người khỏe mạnh bình thường”.

Hôm nay 30-11-2018, tại công viên Đồng Khởi, Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh tổ chức mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS tỉnh Bến Tre năm 2018. Chủ đề Tháng hành động năm nay “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN