Lời dạy của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị

03/06/2020 - 07:10

BDK - Phan Văn Trị (còn gọi là cụ Cử Trị) là một nhà thơ yêu nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là bạn thân của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Cụ sống cuộc đời thanh đạm, lưu lạc nhiều nơi nhưng sự nghiệp thơ văn của cụ có giá trị và ảnh hưởng to lớn đối với nhiều thế hệ. Không chỉ có nhiều tài liệu nghiên cứu, tập sách về các tác phẩm của cụ còn được lưu giữ đến ngày nay mà còn đưa vào chương trình giảng dạy của các trường.

Thiếu nhi đến xem, đọc sách tại Phòng đọc Thư viện Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: A. Nguyệt

Một nhân cách lớn

Nhân dịp kỷ niệm 190 năm ngày sinh (1830 - 2020) và 110 năm ngày mất (22-6-1910 - 22-6-2020) của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, nhiều tác phẩm thơ văn của cụ lại được nhắc nhớ. Hiện Thư viện Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre tổ chức trưng bày phần giới thiệu các tập sách, tài liệu nghiên cứu về Phan Văn Trị tại phòng đọc. Trong đó, có các quyển như: Phan Văn Trị - Cuộc đời và tác phẩm (tác giả Nguyễn Khắc Thuần - Nguyễn Quảng Tuân), Tác phẩm thơ về Phan Văn Trị (nhóm tác giả), Phan Văn Trị - Con người, quê quán và cuộc đời (tác giả Nguyễn Văn Châu)…

Theo tác giả Nguyễn Văn Châu, cuộc đời cụ Phan Văn Trị chìm nổi gian truân, cực khổ nghèo nàn, trăm cay ngàn đắng trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, nhưng ông vẫn giữ vững tiết tháo của một trí thức yêu nước, thương dân, cương trực, khảng khái, giàu sang không bị quyến rũ, nghèo khó chẳng bị chuyển lay, uy vũ không bị khuất phục. Ông là người biết nêu cao phẩm giá và đạo lý làm người, một nhân cách lớn của người trí thức có tâm huyết được người đời kính phục.

Dù nhà thơ Phan Văn Trị mất đã lâu nhưng thơ văn yêu nước của ông vẫn được lưu truyền rộng rãi, được tìm hiểu và nghiên cứu cả ở trong nước và ngoài nước. Các sáng tác của cụ Phan Văn Trị được viết với nhiều đề tài phong phú, gần gũi nhưng ẩn chứa trong các sự vật, hiện tượng được đề cập trong thơ là một tinh thần yêu nước sắt đá, can trường. Các tác phẩm của cụ có thể kể đến như: Hột lúa, Cám cảnh An Giang, Mất Vĩnh Long, Họa bài thơ Từ Thứ quy Tào, Họa bài Tôn phu nhân quy Thục, Họa mười bài thơ Tự thuật của Tôn Thọ Tường, Cảm hoài, Con mèo, Con rận, Đá cá lia thia, Thú đi câu, Nước lụt, Chùa hư, Hát bội, Đồn lính trong làng…

Giá trị giáo dục cao

Những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh còn tích cực triển khai đưa chương trình giáo dục văn hóa truyền thống, lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường học. Trong đó, có cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Phan Văn Trị. Qua đó, giúp học sinh tìm hiểu, khám phá và nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.

Tại quê hương Giồng Trôm, hình ảnh nhà thơ Phan Văn Trị cũng được khắc sâu trong trái tim các thế hệ thanh, thiếu niên, nhi đồng. Các tiết học lịch sử, văn học và văn hóa địa phương của Trường THCS Bình Thành (Giồng Trôm) đã mang đến cho các em học sinh những thông tin về nhà văn thơ Phan Văn Trị. Ngoài ra, các hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong của trường đã giới thiệu, tuyên truyền rộng khắp các khối học sinh. Qua đây, học sinh hiểu rõ hơn các giá trị văn chương, phẩm chất con người cũng như quan niệm, lý tưởng sống của nhà văn, góp phần bồi đắp tư tưởng, nhận thức để hình thành cho các em những năng lực, phẩm chất tốt.

Những năm gần đây, xác định được tầm quan trọng của việc bồi đắp tư tưởng, tình cảm của học sinh đối với lịch sử, văn hóa, truyền thống quê hương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chương trình giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường học. Việc triển khai này đã có tác dụng hỗ trợ không nhỏ cho chất lượng giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương là các hoạt động mang tính mở được các nhà trường linh hoạt tổ chức thực hiện như: cho học sinh xem các phim tư liệu văn hóa và lịch sử, đưa học sinh đi tham quan các bảo tàng, di tích, khu tưởng niệm, các làng nghề truyền thống, dạy hát các làn điệu dân ca, liên hoan văn nghệ, thi tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề…

Cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Phan Liêm cho biết, qua đi thực tế, khơi gợi niềm yêu thích đối với môn học, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức công dân và lòng tự hào dân tộc. Hơn hết, mong muốn các em có ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thành Bùi Văn Hùng cho biết, hiện nay, hầu hết học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa đã có thêm cơ hội được tìm hiểu, khám phá, mở rộng kiến thức về văn hóa, lịch sử của quê hương, đặc biệt cuộc đời thân thế của cụ Phan Văn Trị. Từ đó, đã khơi gợi được những tình cảm tự nhiên; tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào và ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa quê hương sẽ như những dòng nước mát lành thấm dần trong tâm thức, nuôi dưỡng tâm hồn của các em.

Cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị và tên Việt gian bán nước Tôn Thọ Tường vào cuối thế kỷ XIX đã trở thành một hiện tượng văn học, một sự kiện chính trị đầy sức hấp dẫn đối với nhiều thế hệ trí thức Việt Nam. Trong đó, có hai câu thơ nổi tiếng của cụ đầy khí khái của một nhà thơ yêu nước được dân gian truyền tụng qua nhiều thế hệ: “Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ/ Lòng ta sắt đá há lung lay”.

A. Nguyệt - Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN