Lời Bác dạy người làm báo nguyện khắc ghi

21/06/2019 - 07:35

BDK - 94 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Ngay từ những ngày đầu, báo chí cách mạng luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã đặt nền móng tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí cách mạng Việt Nam. Người luôn quan tâm đến công tác báo chí. Đó là vũ khí chính trị, tư tưởng sắc bén, là lĩnh vực quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng.

Bác Hồ nói chuyện với các nhà báo. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo lỗi lạc

Là người am hiểu tinh hoa văn hóa đông tây, kim cổ và sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí. Đặc biệt, từ thực tiễn hoạt động sinh động của cách mạng Việt Nam, Người am hiểu sâu sắc hoạt động báo chí, coi báo chí là một thứ vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng, để vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng.

Ngày 21-6-1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập và cho xuất bản số đầu tiên tờ Thanh niên, mở đầu cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Và chính Người, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đã viết khoảng 2.000 bài báo, sử dụng hơn 50 bút danh đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội, để lại cho dân tộc một di sản báo chí vô cùng quý báu.

Hồ Chí Minh là nhà báo cũng rất đặc biệt, bởi Người đã bắt đầu nghề làm báo bằng tiếng Pháp, tiếp tục viết báo bằng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc và rồi sau đó mới viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt. Nhà báo Nguyễn Ái Quốc vừa là chủ nhiệm của tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria), đồng thời là chủ bút, họa sĩ biếm họa, thợ rửa ảnh, thủ quỹ, phát hành, bán báo...

Cuộc đời làm báo 60 năm của Hồ Chí Minh được đánh dấu bởi bài báo đầu tiên “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanitê  ngày 2-8-1919, và khép lại với bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969. Không những để lại hàng nghìn bài báo với đủ thể loại, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người sáng lập, tổ chức, điều hành hoạt động, biên tập, trình bày hàng chục tờ báo cách mạng qua những thời kỳ khác nhau.

Lời dạy của Bác

Với nhà báo Hồ Chí Minh, ngòi bút luôn là một “phương tiện để phò chính, trừ tà”, Bác căn dặn: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước và cho hòa bình thế giới”. Qua đó, Bác chỉ rõ quan điểm đạo đức, lập trường của người làm báo là phải viết phải nói những gì có lợi cho nước, cho dân.

Trong thư căn dặn những người sắp trở thành nhà báo do Báo Cứu Quốc tổ chức năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những khuyết điểm của báo chí của ta như: Tuyên truyền không kịp thời, chính trị suông quá nhiều, không biết giữ bí mật, đôi khi đăng tin vịt, tờ báo không vui...

Tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16-4-1959, Hồ Chí Minh khẳng định: Người viết báo là để “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Mục tiêu rõ ràng, động cơ sáng trong và ngọt lành như nắng ban mai; đó là điều đầu tiên làm nên nhân cách và sự thành công của một nhà báo vĩ đại. Với nguyên tắc “viết cho ai”, nên ngôn ngữ báo chí của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đạt đến trình độ của một lăng kính đa chiều, luôn hấp dẫn và mới mẻ.

Với bề dày và kinh nghiệm của một người làm báo đích thực, tại buổi nói chuyện ở Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8-9-1962), Bác nói: Bây giờ Bác lấy tư cách một đồng chí ít nhiều có kinh nghiệm về báo chí, nêu vài ý kiến sau đây: Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không ngại gian khó, hy sinh (kể cả hy sinh tính mạng), vì nhân dân phục vụ. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để lưu danh thiên cổ, muốn viết cho ai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn.

Để người làm báo ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, tác phẩm báo chí ngày càng có hiệu ứng tích cực đối với xã hội. Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, Người nói: “Muốn viết báo khá thì cần: Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của mọi người. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận; tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi cho những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. Luôn luôn học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ”.

Trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng ở nước ta hiện nay, báo chí cách mạng ngày càng có vai trò hết sức quan trọng. Điều đó đòi hỏi đạo đức, nhân cách, phẩm chất, năng lực người làm báo phải ngang tầm, đủ sức đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. nguyện khắc ghi những căn dặn của Bác đối với người làm báo.

Quốc Hùng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN