Liên kết phát triển tiểu vùng duyên hải phía Đông

29/05/2024 - 05:29

BDK - Tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm có 4 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Năm 2023, các tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ về xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL.

Tỉnh có 4 sản phẩm OCOP 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 192 sản phẩm 3 sao.

Thúc đẩy thực hiện nhiều dự án quan trọng

Theo nhiệm vụ đề án, các tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, trao đổi các nội dung liên quan Quy hoạch tỉnh phù hợp với định hướng phát triển của vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của 4 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức công bố theo quy định.

Các tỉnh trong tiểu vùng đã tăng cường liên kết, hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến năm 2025, với các lĩnh vực như: Kết nối cung - cầu hàng hóa, du lịch, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại, đầu tư, đào tạo lao động, công nghệ cao, giao thông, nông nghiệp, môi trường, y tế, đầu tư các khu công nghiệp và an sinh xã hội. Các sở, ban, ngành của 4 tỉnh đã chủ động phối hợp trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tạo được sự liên kết phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực.

Hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện đầu tư Dự án (DA) Trạm bơm nước thô Nhà máy nước Đồng Tâm và hệ thống tuyến ống truyền tải, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.099 tỷ đồng. DA cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch, đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho sản xuất, sinh hoạt; khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn khu vực các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An. Hệ thống tuyến ống truyền tải đi qua địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre. Trong đó, tuyến ống truyền tải chính từ đường tỉnh 864 và đường tỉnh 870 (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đi qua tỉnh Bến Tre, tổng chiều dài khoảng 33,9km, khoan ngầm dẫn hướng qua sông Tiền và sông Hàm Luông, vị trí lắp đặt dọc theo quốc lộ (QL) 60, QL.57B, QL.57C và các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Đến nay, DA đã hoàn thành thiết kế cơ sở và thẩm tra thiết kế cơ sở, thỏa thuận hướng tuyến ống truyền tải; đang thỏa thuận ký hợp đồng kinh tế với các đơn vị tiếp nhận nước và thỏa thuận biện pháp thi công với các cơ quan quản lý giao thông.

Các tỉnh trong tiểu vùng tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật tiến đến đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, các DA có tính liên kết vùng. Thường xuyên phối hợp với nhà đầu tư, cơ quan thuộc Trung ương để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA đầu tư trên địa bàn như: DA đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Cổ Chiên 2, cầu Đình Khao, cầu Bưng Lớn, cầu Đình Đôi, cầu Ba Lai 8 và phần đường, DA xây dựng tuyến đường bộ ven biển (kết nối 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh), nghiên cứu đầu tư nâng cấp Bến phà Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) và Sơn Định (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre)...

 Chú trọng triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh

Bên cạnh đó, các tỉnh còn xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên. Sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đa dạng và hiện đại, gắn với thị trường tiêu thụ. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã phối hợp với đoàn chuyên gia của DA thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL (MCRP-GIZ) có buổi làm việc về trao đổi, đề xuất các hoạt động liên kết hỗ trợ phát triển ngành hàng dừa của địa phương 4 tỉnh. Hiện đoàn chuyên gia của DA MCRP-GIZ đã xây dựng dự thảo thuyết minh đề xuất hoạt động “Hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy liên kết 4 tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực quy mô tiểu vùng - trọng tâm hỗ trợ ngành dừa” và đang lấy các ý kiến các đơn vị có liên quan để tổ chức triển khai.

Đến nay, toàn tiểu vùng có 966 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, gồm: 7 sản phẩm đạt 5 sao, 256 sản phẩm đạt 4 sao và 703 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, tỉnh Bến Tre có 252 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (4 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao). Các tỉnh đã phối hợp đồng bộ trên các lĩnh vực: địa giới hành chính, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chia sẻ thông tin, kết nối việc làm giữa các tỉnh…

Năm 2024, các tỉnh đã thống nhất giao nhiệm vụ Trưởng ban Điều hành Đề án từ tỉnh Tiền Giang sang tỉnh Bến Tre để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ điều phối các hoạt động liên kết tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL. Cũng theo Ban điều hành Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL. Hướng tới, các tỉnh tiếp tục thực hiện các nội dung liên kết theo biên bản ghi nhớ của tiểu vùng. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, phát triển kết cấu hạ tầng có tính liên tỉnh, liên huyện giữa các tỉnh, về thích ứng biến đổi khí hậu, vận hành khai thác các công trình thủy lợi, các lĩnh vực, hoạt động về du lịch, xúc tiến đầu tư, thương mại. Tiếp tục phối hợp triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của các địa phương trong tiểu vùng. Phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện DA Trạm bơm nước thô Nhà máy nước Đồng Tâm và hệ thống tuyến ống truyền tải tháo gỡ khó khăn trong quá trình đàm phán hợp đồng tiếp nhận nước thô với các đơn vị cấp nước của các địa phương. Tiếp tục phối hợp với đoàn chuyên gia của DA MCRP-GIZ thực hiện hoạt động “Hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy liên kết 4 tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực quy mô tiểu vùng - trọng tâm hỗ trợ ngành dừa” tại 4 tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL.

Trong năm 2023, các tỉnh tiểu vùng đã thu hút được 42 DA, gồm: 31 DA đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 12.305,3 tỷ đồng và 11 DA nước ngoài với tổng vốn đầu tư 37,7 triệu USD. Trong đó, tỉnh thu hút được 4 DA, gồm: 3 DA đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 116 tỷ đồng, 1 DA nước ngoài với tổng vốn đầu tư 4 triệu USD.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN