Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Khartoum, Sudan, ngày 1-5-2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bà Tetteh, xung đột ở Sudan, diễn ra từ ngày 15-4-2023 giữa Các lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), đang đặt ra rủi ro cho tiến trình giải quyết khúc mắc trong quan hệ giữa Sudan và Nam Sudan, vốn đang có nhiều bước tiến.
Bà Tetteh cho biết Chính phủ Nam Sudan cũng lo ngại về những hậu quả của xung đột ở Sudan đối với ổn định và an ninh của Nam Sudan.
Tình hình bất ổn ở Sudan đã khiến người tị nạn Nam Sudan tại đây quay trở về, với khả năng hơn 200.000 người tị nạn Nam Sudan tại Sudan trở về nước, nơi có tới 2/3 dân số cần hỗ trợ nhân đạo.
Bà Tetteh lưu ý rằng do chính quyền Sudan hiện không có khả năng bảo vệ hiệu quả biên giới của họ nên tình hình mất an ninh ở biên giới giữa Sudan và Nam Sudan có thể gia tăng với các hoạt động xuyên biên giới của các nhóm vũ trang và các nhóm tội phạm.
Giao tranh ở Sudan cũng đang ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại hằng ngày và việc vận chuyển thực phẩm cũng như các hàng hóa cơ bản khác từ Sudan đến Nam Sudan, đồng thời khiến xuất khẩu dầu mỏ từ Nam Sudan qua cảng Sudan gặp rủi ro.
Bà Tetteh nhấn mạnh ưu tiên hiện nay ở Sudan là chấm dứt giao tranh và khởi động các cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa SAF và RSF với hy vọng đưa đến sự ngừng bắn lâu dài và sự trở lại của chính phủ dân sự chuyển tiếp.
Theo bà Tetteh, đây sẽ là “tiền đề” cho những nỗ lực tiếp theo, trong đó có cam kết tương lai về Abyei và giải quyết những vấn đề song phương nổi cộm giữa Sudan và Nam Sudan.
Tại cuộc họp trên, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc Martha Ama Akyaa Pobee cũng chia sẻ quan điểm rằng tác động của tình trạng bạo lực ở Sudan đang đe dọa làm chệch hướng tiến bộ chính trị song phương với Nam Sudan, làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo và đặt ra những rủi ro mới.
Bà Pobee cho rằng bất chấp động lực tích cực được tạo ra trước đó giữa Sudan và Nam Sudan về vấn đề Abyei-khu vực biên giới tranh chấp giữa hai bên, việc bùng phát bạo lực ở Sudan có thể tác động sâu sắc tới cơ hội đạt tiến bộ chính trị về Abyei và các vấn đề biên giới.
Bà Pobee cho biết ở Abyei, Phái bộ An ninh lâm thời Liên hợp quốc tại Abyei (UNISFA) đang theo dõi khả năng tác động của cuộc giao tranh ở Sudan, như dòng người di cư, sự xâm nhập của các nhóm vũ trang vào khu vực này hoặc sự kích động của những kẻ phá hoại trong các mối quan hệ giữa các cộng đồng địa phương.
Theo bà Pobee, tình hình nhân đạo ở Abyei vẫn còn thách thức, với việc Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ viện trợ cho khoảng 212.000 người dễ bị tổn thương ở khu vực này, trong đó có gần 30.000 người rời bỏ nhà cửa.
Việc bùng phát giao tranh ở Sudan có nguy cơ làm phức tạp thêm tình hình nhân đạo ở Abyei.
Tuy nhiên, bà Pobee khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Sudan và Nam Sudan khi đối thoại về Abyei được nối lại.
Nguồn: Vietnam+