Hiện trường vụ tấn công bằng rocket ở ngoại ô thủ đô Tripoli, Libya ngày 24-12-2019. Ảnh: THX/TTXVN
Trong thông báo ngày 20-6-2020, Ngoại trưởng Libya Mohamad Taher Siala nêu rõ cuộc đàm phán này, dự kiến diễn ra vào tuần sau, có thể "khoét sâu những rạn nứt" giữa các nước Arab về cuộc xung đột vũ trang tại Libya. Ông nhấn mạnh điểm bất hợp lý - đó là các ngoại trưởng AL không tham vấn trước với chính quyền GNA khi mà trọng tâm cuộc gặp là về tình hình tại Libya. Ngoài ra, theo quan chức ngoại giao này, một cuộc gặp trực tuyến không thể giải quyết được các vấn đề phức tạp liên quan.
Ai Cập đã nêu đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán theo hình thức trực tuyến do lo ngại dịch bệnh COVID-19. Cairo, nước ủng hộ Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn hoạt động ở miền Đông, đang thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình tại Libya. Hồi đầu tháng này, Ai Cập đã đề xuất sáng kiến kêu gọi một lệnh ngừng bắn và hòa đàm sau một loạt chiến thắng quân sự của GNA ở Tripoli. Đề xuất này được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Jordan và Saudi Arabia - vốn ủng hộ LNA - hưởng ứng, trong khi vấp phải sự phản đối của GNA và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn kêu gọi các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn do LHQ bảo trợ. Mỹ cũng ủng hộ lập trường trên của chính phủ được quốc tế công nhận tại Libya và Ankara.
Ngày 19-6-2020, Phó tổng Thư ký AL Hossam Zaki thông báo tổ chức này đang phối hợp với nước chủ tịch hiện tại (Oman) nhằm xác định thời điểm tổ chức cuộc họp cấp ngoại trưởng AL về tình hình Libya.
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. GNA được LHQ công nhận hiện hoạt động ở thủ đô Tripoli, được các nhóm vũ trang và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, trong khi lực lượng tự xưng LNA trung thành với Tướng Khalifa Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông và được UAE, Nga, Ai Cập hỗ trợ.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức