Muối có mặt thường nhật trong đời sống của chúng ta, là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của mọi nhà. Nhưng với nghề làm muối và đời người, đời muối thì còn lắm thăng trầm, lao đao...
Cánh đồng muối Bảo Thạnh.
Mặn lòng với muối…
Do mưa trái mùa và nắng ít, vụ muối năm nay thất bát nặng, sản lượng chỉ đạt khoảng 20% so với mọi năm. Lúc trúng mùa thì thương lái ép giá, đong thùng to, diêm dân cũng bị thiệt thòi. Anh Trịnh Hoàng Be - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh (Ba Tri), cho biết: Chính quyền địa phương có can thiệp vài lần, sau đó thương lái không chịu mua muối nữa, dân bán không được phải “kêu trời”. Vụ muối thường bắt đầu từ giữa tháng 10 đến hết tháng 3 âl. Gặp thời tiết thuận lợi, một héc-ta ruộng muối, bà con thu hoạch từ 1.700 đến 2.200 giạ, nhưng năm nay chỉ thu từ 200 đến 300 giạ/ha. Giá muối hiện tại dao động từ 50 đến 55 ngàn đồng/giạ (45kg/giạ). Với giá này, bà con diêm dân sống được, nhưng hiện tại muối trong dân không còn nhiều. Nhiều hộ ngay từ đầu vụ đã bán hết để lo cái ăn, cái mặc hàng ngày. Khi hết vụ là hết muối. Hết muối, bà con diêm dân phải kiếm sống bằng đủ nghề khác nhau, đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Anh Huỳnh Văn Tiếp, sinh năm 1975, ngụ tại ấp Phước Bình, xã Thạnh Phước (Bình Đại) tâm sự: Giá muối đang cao vậy chớ muốn bán cũng không được, ghe mua muối đậu ở xa, hết muối rồi mới vào sâu bên trong này. Muối vựa lại thì cứ 100 giạ, sau vài tháng là “nhót” mất đi 20 giạ.
Anh Trịnh Hoàng Be - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh - một xã có diện tích muối lớn nhất huyện Ba Tri, với 603ha (810 hộ), cho biết: Cái nghề này lạ lắm, nắng thì ra làm, trời mát mới được nghỉ. Khi muối kết tinh thì diêm dân mừng lắm. Có khi muối chuẩn bị thu hoạch thì mưa tới, diêm dân dở khóc, dở cười. Bao công sức, mồ hôi hàng tháng trời như bỏ biển. Nghề “cha truyền, con nối” đã tự bao đời, bỏ đi không đành. Theo chân anh Nguyễn Văn Lừa - Trưởng ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, tôi tìm đến nhà anh Lê Văn Đèo. Căn nhà lá trống trơn nằm cạnh ruộng muối 3 công, hộ anh là hộ nghèo của xã, gia đình có hai con nhỏ. Đứa con lớn đã bỏ dở việc học từ lâu để lo làm phụ giúp gia đình. Anh Đèo tâm sự: Năm nay, gia đình tôi rất khó khăn, bán hết trăm giạ muối rồi, phần còn lại không đủ bán để chi tiêu vài tháng tới. Chỉ lo cái ăn, cái mặc đã gặp khó, những lúc ốm đau bất thình lình thì càng khổ hơn. Anh Lừa cho biết thêm: Ấp còn nhiều hộ có hoàn cảnh như anh Đèo lắm. Sống nghề muối mà đất ít thì rất khó. À! Ảnh bị tàn tật vậy chớ rất giỏi, quạt nước rất cừ. Vậy còn chị làm gì hàng ngày? - tôi hỏi. “Chị đi gánh muối mướn, làm đủ nghề, ai kêu gì, làm nấy. Dân làm muối mà, hết vụ phải biết bươn chải kiếm sống chứ” - anh Lừa trả lời. Còn ruộng muối để làm gì? - Thả cá phi kiếm cái ăn hàng ngày, vậy thôi. Ngay như hoàn cảnh gia đình anh Lừa cũng khá chật vật, anh vừa có đất ruộng lúa, vừa có đất muối, có nghề xay bột, nạo dừa. Vậy mà gia đình anh cũng chỉ tạm đủ sống.
“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” là vậy, nhưng đời sống của diêm dân vẫn nghèo lại hoàn nghèo. Anh Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch UBND xã Thới Thuận (Bình Đại) cho biết: Để chuyển đổi đất muối sang nuôi tôm không phải dễ với người diêm dân, vốn là một lẽ, cái quan trọng là phải làm đồng loạt. Chứ một chỗ muối, một chỗ tôm thì rất khó làm. Nuôi tôm rồi mà chuyển lại làm muối thì tiền công cải tạo đất không phải ít. Làm muối, vốn ít, chủ yếu là bỏ công để lăn nền, vỗ bờ, sang nước. Nền ruộng phải chắc, phẳng; bờ đảm bảo không có lỗ mộỉi, nứt; nước phải thường xuyên sang qua, sớt lại cho đủ độ mặn thì mới có muối. Anh Tiếp cho biết thêm: Vào vụ, mọi người ở ngoài đồng suốt ngày. Cái ống lăn mà anh thấy, ai không quen kéo không nổi đâu (khoảng 60-70kg). Ngoài đồng, phần lớn là đàn ông, chỉ có số ít đàn bà (chủ yếu là phụ sang nước), nhưng vẫn có nữ làm công việc kéo ống lăn. Gia đình ít người thì thuê gánh muối, tùy vào xa gần mà giá cả cũng khác. Chị Đoàn Thị Kim Loan ở ấp Thới An, xã Thới Thuận, chuyên gánh muối mướn, chỉ tay ra đồng muối: Tiền công gánh từ chòi này qua chòi kia (khoảng 3 - 5 mét) là mỗi giạ 1.000 đồng, còn xa hơn thì từ 2.500 - 5.000 đồng/giạ. Mỗi ngày gánh thuê, một người cũng kiếm được 200.000 đồng. “Gánh muối là một nghề - phải có kỹ thuật đổ, đong sao cho có lợi cho chủ ruộng hoặc chủ ghe. Họ làm công cho chủ ruộng, cho chủ ghe khi có muối” - anh Minh Hùng cho biết. Tôi nhớ hoài lời nói của anh Lừa: Đời muối, đời người. Hồi xưa, làm muối để đổi gạo ăn. Ngày nay cũng không khác. Được mùa, diêm dân sống tạm được, mất mùa thì coi như… Với hộ nghèo, cuộc sống túng thiếu đủ bề khi hết muối…
Cần có sự quan tâm…
Anh Nguyễn Thanh Tùng - cán bộ kinh tế - kế hoạch xã Bảo Thuận, cho biết: Diện tích muối hàng năm đều giảm, năm nay đã giảm hơn 50ha (chỉ còn 189ha, với 315hộ, so với năm 2011, diện tích là gần 240ha. Mấy năm trước, địa phương có hơn 500ha muối). Nhất là khi xã có chủ trương chuyển muối sang tôm. Nhiều diện tích đất muối, trong năm nay hoặc năm tới, bà con cũng sẽ chuyển hết. Xã Bảo Thạnh có diện tích muối lớn nhất huyện, vài năm trước có cả ngàn héc-ta muối. Năm 2008, xã được công nhận làng nghề truyền thống (nhưng chỉ mới thành lập Ban quản lý). Trong năm nay, diện tích cũng giảm gần 60ha. Trên địa bàn huyện Bình Đại, hai xã Thạnh Phước và Thới Thuận cũng là địa phương có diện tích muối khá cao, nhưng những năm gần đây, có xã, có ấp không còn diện tích muối. Nguyên nhân bởi thời tiết ngày càng phức tạp, giá muối thì bấp bênh. Diêm dân khó có thể lấy muối để đảm bảo cuộc sống. Anh Trịnh Hoàng Be - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh nói: Nhà nước cần có chế độ ưu đãi với diêm dân (trước đây, không thu thuế đất diêm nghiệp), cụ thể hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, vốn vay, mở lớp dạy nghề để khi hết vụ muối, bà con diêm dân còn có nghề khác để sống, để họ còn tha thiết với nghề muối này. Anh dẫn chứng, lúa thì được bình ổn giá, vậy cũng nên hỗ trợ giá muối? Anh Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch UBND xã Thới Thuận cho rằng: Cần phải gìn giữ nghề làm muối. Trong xây dựng nông thôn mới, địa phương cũng đã có qui hoạch chi tiết vùng đất sản xuất muối. Tôi nghĩ, với lợi thế của một vùng biển, ngoài các mũi nhọn kinh tế khác, địa phương cũng cần tính đến lợi ích kinh tế từ muối. Cần có chế độ ưu đãi cho bà con diêm dân. Nếu không, theo cái đà này, vài năm tới, tỉnh ta chắc không còn muối…
“Bác sĩ Trần Văn Lớn - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết: Muối có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể của chúng ta, nó giúp cơ thể giữ được nước (trường hợp cơ thể mất nước do sốt, đổ mồ hôi nhiều). Nếu mất muối quá nhiều sẽ gây lối loạn điện giải trong cơ thể, sẽ bị suy nhược cơ thể (trường hợp bị tiêu chảy, mất máu, ói). Muối i-ốt có tác dụng ngăn ngừa bệnh bướu cổ. Trong y học, nước biển có độ mặn 9%o thường được dùng để truyền cho bệnh nhân, giúp cơ thể mau bình phục sau bệnh”. |