Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Bến Tre.
Tại điểm cầu tỉnh Bến Tre, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Trúc Sơn tham dự.
Tại cuộc họp, đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề còn vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung đối với Hiệp định tài trợ cho dự án CSAT tại 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh như: Các khoản vay, thuế, thời gian bố trí vốn, tác động môi trường, khí hậu; mua sắm hàng hóa, đầu tư xây dựng công trình; thời gian thực hiện dự án, sổ tay thực hiện dự án,…
Mục tiêu tổng thể của dự án CSAT là hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre. Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh trên cơ sở liên kết vùng, tiểu vùng, gắn với thị trường, cải thiện thu nhập, giảm thiểu rủi ro cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Các nhóm mục tiêu được dự án xác định gồm: Các hộ nghèo và cận nghèo; các hộ dễ bị tổn thương; nông dân có thu nhập trung bình và khá; phụ nữ nông thôn và các hộ do phụ nữ làm chủ; thanh niên nông thôn. Dự án gồm 3 hợp phần: Lập kế hoạch phát triển chuỗi giá trị trong khuôn khổ kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư phát triển chuỗi giá trị; quản lý dự án. Dự án do UBND tỉnh Bến Tre là cơ quan chủ quản. Tổng giá trị tài trợ cho dự án là 17 triệu USD.
Tại buổi đàm phán, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cơ bản thống nhất với các nội dung của Hiệp định. Đồng thời khẳng định sự cần thiết của Sổ tay thực hiện dự án nhằm cụ thể hóa, giúp cán bộ quản lý dự án hiểu được những thủ tục, quy trình để thực hiện theo đúng quy định pháp luật Việt Nam và cam kết với IFAD.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng cho rằng, thời gian thực hiện dự án cần đúng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong 5 năm (2022 - 2026) và sẽ có đánh giá giữa kỳ để đảm bảo hoàn thành được các mục tiêu dự án đã đề ra.
Tin, ảnh: Phương Thảo