Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh ngày càng thu hút các bạn tham gia.
Tạo sân chơi bổ ích
Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp tỉnh năm học 2020-2021 vừa kết thúc. Cuộc thi đạt yêu cầu đề ra, đã phát huy khả năng sáng tạo và tạo được sân chơi bổ ích, trí tuệ, khoa học cho HS. Lê Đăng Quang - HS Trường THPT Che Guevara (Mỏ Cày Nam) 3 lần tham dự cuộc thi KHKT. Đăng Quang luôn bị cuốn hút bởi các cuộc thi mang tính khoa học ứng dụng.
“Được tham gia vào các hoạt động NC, sáng tạo KHKT là cơ hội để chúng em tự khẳng định mình và chinh phục những ước mơ sáng tạo KHKT. Tham gia cuộc thi KHKT năm nay, em và các bạn thực hiện DA đều có sự đầu tư về thời gian, sức lực, trí tuệ để tìm các phương án xây dựng DA. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn của giáo viên, nhóm đã xác định đúng mục tiêu và phương pháp NC. Sau đó, tự lập báo cáo, lập poster trình bày quy trình NC khoa học về DA”, Đăng Quang cho hay.
Cuộc thi năm nay có hơn 150 HS tham gia, với 79 DA. Trước khi diễn ra cuộc thi KHKT cấp tỉnh, cấp trường đã tổ chức cuộc thi nhằm chọn ra DA tiêu biểu, xuất sắc nhất tham gia cấp huyện, tỉnh. Hầu hết các trường từ THCS đến THPT ngày càng có nhiều HS tham gia NC KHKT, đưa hoạt động phát triển rộng khắp trong trường học. Nhiều HS đã có được sự thay đổi trong nhận thức về cách học. Nguyễn Tố Nguyên, HS lớp 12A5, Trường THPT Phan Văn Trị (Giồng Trôm) có DA đạt giải nhì tại cuộc thi năm nay. Nguyên chia sẻ: Khi tham gia NC DA, bản thân em hứng thú hơn trong học tập. Từ đó, có sự đam mê, tìm hiểu và đào sâu NC.
Năm nay, số lượng và chất lượng DA tham gia cao hơn các năm trước. Các DA phong phú, đa dạng hơn về lĩnh vực, thể hiện sự đầu tư nghiêm túc. Nhiều DA thể hiện được hàm lượng khoa học cao, có thực hiện quy trình khảo sát, phân tích dữ liệu để đi đến các kết luận có tính thuyết phục. Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Cao Minh Sơn - Phó trưởng ban tổ chức cuộc thi nhận xét: “Qua thẩm định, phỏng vấn các DA, Ban giám khảo đánh giá cao khả năng sáng tạo, tìm kiếm những ý tưởng khoa học. Những sáng kiến và giải pháp cụ thể, thiết thực phản ánh việc gắn kết giữa kiến thức được học tập trong nhà trường với những vấn đề thực tiễn cuộc sống, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của địa phương”.
Phát triển các dự án tốt
Trong suốt 7 năm liền, ngành GD&ĐT đã liên tục tổ chức cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học. Qua mỗi cuộc thi, sự sáng tạo đổi mới, quy trình nghiên cứu DA của HS ngày càng tốt hơn. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong cuộc sống, các em vận dụng kiến thức đã học kết hợp với tư vấn của giáo viên để đào sâu các lĩnh vực: kỹ thuật cơ khí, hệ thống nhúng, kỹ thuật môi trường, khoa học động vật, khoa học thực vật, khoa học xã hội (KHXH) và hành vi…
Năm nay, lĩnh lực KHXH và hành vi có nhiều DA tham gia hơn so với các năm trước. Nội dung NC đi vào các vấn đề đang được xã hội và HS quan tâm, như: định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông, vấn đề bạo lực học đường, sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, việc học lịch sử địa phương… Các DA có quy trình tiến hành NC chặt chẽ, dựa trên cơ sở NC thực tiễn, khảo sát qua phiếu hỏi, phỏng vấn, phân tích số liệu thống kê. Các DA được đánh giá cao được tham gia vào các cuộc thi cấp quốc gia thường là DA liên quan đến giải quyết các vấn đề về môi trường, hoạt động sản xuất mang đặc thù của địa phương, như: nông nghiệp, thủy sản, sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa để phát triển sản phẩm phục vụ cho đời sống.
Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến, để hoạt động NC KHKT trong HS lan tỏa rộng khắp tạo thành phong trào thật sự hiệu quả, các trường cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học, sinh hoạt tổ bộ môn đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Trong đó, quan tâm triển khai các hình thức tổ chức giáo dục Stem, các câu lạc bộ KHKT, nhằm tạo môi trường cho HS NC, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng. Từ đó, góp phần rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho hoạt động NC, học tập và trong cuộc sống. Đồng thời, tích cực, linh hoạt trong vận động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan NC, nhà khoa học… để giúp cho HS có nhiều ý tưởng mới, phát triển được DA tốt.
“Đặc biệt khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên, chú trọng giáo viên có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học… để khơi gợi, định hướng cho học sinh phát triển ý tưởng thành kế hoạch nghiên cứu một dự án cụ thể. Trường phải có chế độ khuyến khích, khen thưởng giáo viên có đóng góp tích cực trong hướng dẫn học sinh NC khoa học và có học sinh đạt giải trong cuộc thi KHKT”, ông Võ Văn Luyến lưu ý.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tiếp tục thu được hiệu quả thiết thực. Khẳng định hiệu quả của sự đổi mới về phương pháp giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Nổi bật là học sinh biết vận dụng kiến thức đã học, biết chủ động tìm ý tưởng dự án, quan tâm giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Cuộc thi đã tạo môi trường, điều kiện tốt cho học sinh thể hiện ý tưởng, sáng tạo góp phần làm tiền đề phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp của các em sau này.
(Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Luyến)
|
Bài, ảnh: Ph. Hân