Lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống

04/09/2020 - 07:08

BDK - Nhắc đến nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là nhắc đến một cuộc đời đã thể hiện đầy đủ những giá trị cao đẹp của nền văn hóa (VH) Việt Nam. Đạo lý về nhân cách làm người “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ” mà cụ để lại có giá trị mãi về sau. Từ năm 1992, tỉnh đã chọn ngày 1-7 là Ngày hội truyền thống VH tỉnh. Ngày hội được duy trì tổ chức hàng năm và ngày càng mở rộng quy mô hơn.

Biểu diễn trích đoạn truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Giá trị văn hóa

Ngày hội truyền thống VH tỉnh gắn liền với kỷ niệm ngày sinh (1-7-1822) và ngày mất (3-7-1888) của nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Qua nhiều năm tổ chức, đến nay, ngày hội được mở rộng quy mô toàn tỉnh, với nhiều hoạt động tập trung tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri), diễn ra từ ngày 1 đến 3-7 hàng năm, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp xã hội.

Từ các hoạt động, ngày hội đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về nhân cách và tinh thần yêu nước của nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã có hơn ¼ thế kỷ sống và gắn bó với mảnh đất Ba Tri. Thời điểm năm 1859, giặc Pháp chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Pháp chiếm Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu về tị địa tại Ba Tri (Bến Tre). Biết cụ là người được nhân dân kính trọng và yêu mến, thực dân Pháp dùng mọi cách để mua chuộc. Cụ cương quyết không hợp tác với giặc mà chọn cuộc sống thanh bần và dùng thơ văn để làm vũ khí chống giặc.

Bên cạnh công tác tuyên truyền cổ động trực quan với các nội dung như: “Nguyễn Đình Chiểu - Tấm gương sáng về đạo đức làm người, nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc tiêu biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng” hay “Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng ngời của mọi thời đại”… các hoạt động Ngày hội truyền thống VH tỉnh còn tập trung tuyên truyền về cuộc đời, đức độ của cụ Đồ Chiểu, những loại hình nghệ thuật văn hóa, sinh hoạt văn hóa của Bến Tre.

Hàng năm, có hàng ngàn lượt người đến viếng, thắp hương, tham quan tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của cụ tại di tích, nhất là trong dịp Bến Tre tổ chức Ngày hội truyền thống VH tỉnh. Ngoài cán bộ và nhân dân trong tỉnh, còn có nhiều đoàn khách của các tỉnh bạn như: Cần Thơ, Bình Phước, An Giang, Đồng Nai, Long An, TP. Hồ Chí Minh… đến viếng.

Ngày hội vui tươi, ý nghĩa

Đến nay, Ngày hội truyền thống VH tỉnh đã dần trở nên quen thuộc không chỉ người dân trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh. Cứ “đến hẹn lại lên”, vào dịp 1-7, dòng người khắp nơi đổ về Ba Tri để viếng, thắp hương cụ Đồ Chiểu và tham gia các hoạt động tại đây. Những năm gần đây, ngày hội đã lan tỏa sâu rộng toàn tỉnh, với nhiều hoạt động VH, văn nghệ vui tươi, ý nghĩa, cùng tuyên truyền trong nhân dân về cuộc đời và nhân cách của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Riêng tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu hàng năm đều có nhiều hoạt động sôi nổi như: Liên hoan Đờn ca tài tử và Nói thơ Vân tiên; hội thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ; gian hàng ẩm thực Bến Tre; triển lãm ảnh; trưng bày, xếp sách nghệ thuật; các cuộc tọa đàm, hội thảo về cụ Nguyễn Đình Chiểu…

Một trong những hoạt động VH thu hút lực lượng toàn tỉnh tham dự được duy trì thường niên trong mỗi kỳ tổ chức ngày hội là Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) tỉnh Bến Tre. Đây không chỉ là sân chơi cho các tài tử trong toàn tỉnh mà còn là hoạt động cụ thể hóa Đề án Bảo vệ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Bến Tre. Đồng thời là cơ hội để tìm kiếm những hạt nhân hướng đến việc bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu làm đội ngũ kế thừa trong hoạt động trình diễn và nghiên cứu ĐCTT tỉnh thời gian tới. Còn Liên hoan Nói thơ Vân Tiên được tổ chức với mục đích ca ngợi gương sáng tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, đạo đức làm người của nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, nhất là sự kế thừa, phát huy những giá trị của nghệ thuật diễn xướng Nói thơ Vân Tiên.

Không khí sôi nổi, vui tươi là điều dễ dàng nhận thấy ở các kỳ tổ chức Ngày hội truyền thống VH tỉnh. Đặc biệt, các thế hệ đương thời đã có dịp hiểu thêm về một danh nhân Bến Tre nói riêng, đất Việt nói chung. Đó là cụ Nguyễn Đình Chiểu. Một cuộc đời với những trang thơ yêu nước, người thầy giáo mẫu mực đức độ và là người thầy thuốc có tâm, có tài; một khí khái bất phục trước gian tà “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Hôm nay, ngày 4-9-2020, Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học về Hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách tổ chức kỷ niệm vào năm 2022 nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 1-7-2022). Tham dự có nhiều nhà nghiên cứu khoa học đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mục đích hội thảo nhằm tiếp tục làm sáng tỏ những giá trị cống hiến của cụ Nguyễn Đình Chiểu, ghi nhận làm cơ sở cho việc xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ chính thức, phiên dịch sang tiếng Anh trình UNESCO đảm bảo thời gian quy định (tháng 11-2020).

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN