Khi định hướng việc đổi mới công tác cán bộ, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã nhấn mạnh: Kịp thời phát hiện và có chính sách thu hút, sử dụng, bồi dưỡng nhân tài; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vững mạnh, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Định hướng đó đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy (ngày 20-10-2011) về Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.
Trong Nghị quyết quan trọng này, Tỉnh ủy xác định: “Có chính sách thu hút đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển. Thực hiện thí điểm việc đưa một số cán bộ trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn”.
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy (cuối tháng 10-2011), nhiều đại biểu nhất trí cao với chủ trương đưa cán bộ trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để tạo nguồn sau này, cán bộ được lựa chọn có thể dưới 30 tuổi. Có đại biểu băn khoăn: Cán bộ cấp xã, phường đạt chuẩn về trình độ chính trị và chuyên môn hiện nay mới đạt tỷ lệ 66%/95% chỉ tiêu. Liệu cán bộ trẻ ở tuổi 30 có phấn đấu đạt chuẩn để đưa về làm lãnh đạo xã hay không? Chế độ chính sách cho cán bộ xã, phường hiện tại chưa thỏa đáng, còn nhiều bất cập!
Có ba cách suy nghĩ cần tránh khi qui hoạch đội ngũ cán bộ là những người trẻ tuổi ở độ 30. Thứ nhất, quan niệm “sống lâu lên lão làng” với ý nghĩa chỉ những người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm thì mới xứng đáng được đưa vào hàng “chức sắc”, còn tuổi trẻ thì phải “xếp hàng” và cần nhiều tiêu chuẩn khác. Chúng ta chống chủ nghĩa kinh nghiệm thì không thể để tồn tại quan niệm lỗi thời này. Nếu kinh nghiệm sống và công tác của người lớn tuổi được “chuyển giao” sớm cho lớp trẻ nhiệt tình thì hay biết bao nhiêu. Người nhiều tuổi được tôn trọng, tri ân; người trẻ tuổi kế thừa kinh nghiệm tiếp nối dòng lịch sử. Ai cũng có công mà lớp trẻ được tạo nhiều cơ hội, điều kiện cống hiến tài năng cho xã hội.
Thứ hai, lại có quan niệm “tuổi trẻ nông nổi” không lo được việc lớn. Người xưa có câu “Tam thập nhi lập”, tức là ý nói nam giới đến tuổi 30 là đã ở tuổi trưởng thành, đã phải biết lập ngôn, lập chí, lập nghiệp để báo trung với nước, báo hiếu với mẹ cha. Ngày nay, hệ thống giáo dục quốc dân đã được mở rộng và ngày càng phát triển. Các chương trình phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được cả xã hội quan tâm và đạt nhiều thành tựu, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tại địa phương, việc cán bộ có trình độ thạc sĩ trước tuổi 30 giờ đã nhiều và có nhiều cán bộ đang vươn lên đạt trình độ tiến sĩ- trình độ cao nhất của thang học vị hiện nay. Ngày xưa, trong kháng chiến, các bậc cha anh khi ở độ tuổi đôi mươi đã “dấn thân” vào con đường tranh đấu đánh đuổi thực dân, đế quốc, thống nhất nước nhà. Anh dũng, sáng tạo, đồng tâm hiệp lực, sẵn sàng xả thân vì nước là những phẩm chất tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, là những giá trị được thế hệ trẻ hôm nay noi gương, kế thừa và tiếp tục phát triển gắn với nhiệm vụ trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ ba, hiện nay tâm lý xã hội, nhất là ở địa bàn nông thôn, còn chưa quen với hệ thống quản lý mà người lãnh đạo tuổi đời thuộc “hàng con, cháu”. Đây là một trở ngại và áp lực lớn đối với đa số cán bộ trẻ. Dẫu biết rằng “nhập gia tùy tục”, những luật tục trong đời sống làng, xã truyền thống đã được định hình qua thời gian, khó có thể một sớm, một chiều thay đổi được. Ngược lại, nhiều cán bộ trẻ chưa đủ bản lĩnh khẳng định vai trò lãnh đạo, quản lý của mình. Vì sao có hiện tượng như vậy? Không ai sinh ra đã biết làm quản lý và lãnh đạo. Năng lực của người điều hành, lãnh đạo chỉ có được khi tham gia các khóa đào tạo và rèn luyện trong thực tiễn. Lãnh đạo, quản lý có qui luật riêng của nó. Trước hết, hoạt động quản lý chịu sự tác động của của nhiều yếu tố: điều kiện tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, qui luật của bản thân công tác tổ chức, lãnh đạo, điều hành. Lâu nay, có một bộ phận cán bộ trẻ thường đi theo “lối mòn” cho an toàn là người trước làm sao thì mình làm vậy, không dám quyết đoán đổi mới công tác quản lý, điều hành theo chủ trương mới, chính sách mới của Đảng, của Nhà nước. 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới cho chúng ta bài học quí báu: đổi mới là để phát triển và muốn phát triển thì phải đổi mới, phải đổi mới từ tư duy lý luận đến công tác lãnh đạo, quản lý; đổi mới từ công tác qui hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ đến đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách lãnh đạo.
Cán bộ xã, phường có vị trí rất quan trọng trong hệ thống chính trị và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tại địa bàn cơ sở. Để có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tuổi 30, tất yếu có nhiều công việc phải làm. Bên cạnh việc lựa chọn, qui hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ thì bản thân cán bộ trẻ luôn phải có ý chí trau dồi, rèn luyện phẩm chất và năng lực của người làm lãnh đạo, quản lý. Cụ thể là: kiên định lập trường, có khả năng tự hoàn thiện, tự đánh giá công việc của bản thân và người thuộc quyền quản lý, tạo được uy tín và sức lôi cuốn đối với mọi người; am hiểu chuyên môn của lĩnh vực quản lý, lãnh đạo; có khả năng xác định mục tiêu, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch để đạt mục tiêu đề ra. Người quản lý còn cần phải biết xử lý tốt các mối quan hệ công tác đối nội và đối ngoại, sử dụng và phát huy tài năng sở trường, sở đoản của từng người trong hệ thống tổ chức mình có trách nhiệm điều hành, lãnh đạo.
Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy (ngày 22-9-2006) về Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2006- 2010 và định hướng đến năm 2015 đã xác định: Các chức danh chủ chốt và cán bộ chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn 100% có trình độ trung, cao cấp chính trị và có ít nhất 40% có trình độ đại học chuyên môn, trên 30% có trình độ B ngoại ngữ và tin học.
Đầu năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 170 phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học về các xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước để làm Phó Chủ tịch UBND xã. Đây là cơ hội để các trí thức trẻ tôi luyện, khẳng định mình. Ba mục tiêu Dự án được xác định là: Tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển, tạo nguồn cán bộ trẻ, tức là tạo cơ hội cho thanh niên rèn luyện, cống hiến; góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ. Dự án đặt thời gian thực hiện cụ thể từ 2011-2017 phát hiện, sử dụng tài năng, sự cống hiến, nhiệt huyết của trí thức trẻ để phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn còn nhiều khó khăn. Tiêu chuẩn Đội viên Dự án bao gồm đã tốt nghiệp đại học, có tuổi đời dưới 30, là đoàn viên hoặc đảng viên, có đủ sức khỏe và thực sự có tinh thần xung kích, tình nguyện đến phục vụ tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trước khi lên đường nhận trọng trách tại xã nghèo, Đội viên của Dự án được bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về quản lý Nhà nước và kinh tế - xã hội ở xã, những kỹ năng cần thiết đối với Phó Chủ tịch UBND xã trong 8 tuần và đi thực tế tại các xã thuộc huyện nghèo 4 tuần. Các cơ quan chức năng đề nghị việc các Đội viên Dự án khi nhận công tác được hưởng chế độ như công chức, xem xét cộng nối thời gian công tác khi họ được tuyển dụng công chức chính thức…
“Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” là phương châm sống của tuổi trẻ cả nước. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang kỳ vọng vào lớp trẻ trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chắc chắn, sẽ ngày càng có nhiều sinh viên Bến Tre sau khi tốt nghiệp đại học tình nguyện đến công tác tại địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, trở thành Đội viên của Dự án, tôi luyện trong thực tiễn công tác để có thêm nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo tuổi 30.