|
Đường quê rợp bóng mát ở xã Sơn Định (Chợ lách). |
Xã Sơn Định (Chợ Lách) đang ráo riết tập trung sức lực phấn đấu đến năm 2013 hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí của xã nông thôn mới (NTM). Toàn xã hiện có 8 ấp văn hóa với 3.264 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 9,6%. Đến nay, Sơn Định có 9/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM.
Trong đó, tiêu chí thu nhập đạt bình quân 23 triệu đồng/người/năm. Nguồn thu nhập chính thường xuyên của người dân tại địa phương chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn trái kết hợp sản xuất cây giống và hoa kiểng. Đâu là biện pháp giữ vững tăng thu nhập cho người dân khi giá nông sản phụ thuộc vào sự biến động của thị trường? Phát triển du lịch là hướng đi tiềm năng mà Đảng bộ xã dành nhiều tâm huyết để thực hiện, với mong muốn đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định dựa trên sức mạnh cộng đồng.
Chợ Lách là vùng đất vốn được thiên nhiên ưu đãi, cây cối bốn mùa xanh tươi với bao loại trái cây đẹp mắt trong vườn. Thêm vào đó, bàn tay khéo léo của những nghệ nhân nhiều đời gắn bó với nghề làm cây kiểng đã tạo nên một Chợ Lách có sức cuốn hút lạ kỳ đối với những ai lần đầu mới đến.
Trên bờ kênh Chợ Lách, đoạn chảy qua ấp Sơn Châu - xã Sơn Định, ngày nào cũng có tàu du lịch hiện đại đi qua, trên tàu khi thì khách ta, lúc lại đầy ắp du khách là người nước ngoài. Và bao lần người dân nơi đây tự hỏi, họ đi đâu vậy, tại sao họ chỉ ngắm nhìn mà không dừng lại nghỉ ngơi thăm thú cảnh sông nước miệt vườn Chợ Lách? Theo một cán bộ thuộc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre, một số hãng du lịch lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh muốn đem du khách đến Chợ Lách nhưng nơi đây chưa có khu du lịch được đầu tư đúng mức, bài bản. Từ những thế mạnh sẵn có, Đảng bộ xã Sơn Định xây dựng Dự án khu du lịch sinh thái, kết hợp với làng nghề ấp Sơn Châu - Phụng Châu, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân địa phương, các tỉnh lân cận và đặc biệt là khách du lịch từ các công ty lữ hành. Mục tiêu đầu tư của Dự án là xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng, tiến tới mở rộng thành làng du lịch sinh thái phát triển bền vững, gắn kết các làng nghề truyền thống. Hình thức đầu tư khu du lịch là: Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, từng hộ dân trong khu Dự án tự xây dựng mô hình điểm du lịch theo qui hoạch tổng thể và phân khu chức năng của Dự án. Các hạng mục công trình thuộc Dự án là nhà dân, homestay, nhà hàng, nhà trưng bày các sản vật địa phương, nơi trình diễn cấy ghép cây giống, hoa kiểng và cây, con giống... Phương án khai thác Dự án là: Theo khả năng đầu tư của từng hộ kinh doanh, vừa đầu tư xây dựng vừa khai thác, nâng dần các dịch vụ đạt chuẩn và mở rộng vùng kinh doanh cùng các loại hình du lịch hỗ trợ khác. Xây dựng kế hoạch tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình du lịch sinh thái đã khai thác thành công từ các tỉnh bạn. Tập huấn cho các hộ kinh doanh du lịch về kiến thức xây dựng và khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, sử dụng lao động nông nhàn.
Để làm du lịch, xã phải chuẩn bị nhiều thứ, trong đó mấu chốt vẫn là giao thông vì giao thông trắc trở sẽ làm chùn chân du khách. Bên cạnh đó, là vấn đề đoàn kết, liên kết của cộng đồng dân cư.
Vừa làm du lịch, vừa làm vườn sẽ mang về một nguồn thu nhập rất đáng kể cho người dân, qua đó tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Làm du lịch hứa hẹn mang đến cho người dân Sơn Định một tương lai mới “ăn chắc, mặc bền”. Nhưng để thành công, rất cần sự nỗ lực từ chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của cấp trên và nhất là tính đoàn kết, đồng lòng của người dân.
“Điểm hấp dẫn của khu du lịch sinh thái cộng đồng là du khách có thể cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân địa phương như: tham gia ghép kiểng, tháp cành với người dân bản địa, trải nghiệm và bổ sung nguồn kiến thức về cuộc sống nông thôn”. |