Lá chắn “gia đình” trong phòng chống tệ nạn ma túy

18/04/2018 - 05:50

BDK - Những năm gần đây, tệ nạn ma túy ngày một gia tăng. Ma túy và các chất gây nghiện đã và đang làm phát sinh tội phạm, gây hậu quả nghiêm trọng cho người nghiện và gia đình của họ, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn xã hội. Để góp phần đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy thì không thể thiếu vai trò hết sức quan trọng của gia đình.

Tang vật trong vụ tàng trữ ma túy tại phường Phú Khương (TP. Bến Tre).  Ảnh: V.Thỉnh

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh, số người nghiện và người sử dụng ma túy có trong hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh gia tăng liên tục trong những năm gần đây. Năm 2017 là 2.707 người, tăng 604 người (tăng gần 30%) so với năm 2016; trong 3 tháng đầu năm 2018 tăng gần 200 người. Đáng lo ngại nhất là số người nghiện ở lứa tuổi thanh, thiếu niên đang tăng ở mức độ báo động (chiếm hơn 70%) trong khi trước đây, số người nghiện chủ yếu là người lớn tuổi. Nguy hiểm hơn, hiện nay ma túy còn xâm nhập vào cả học đường, lôi kéo học sinh, sinh viên vào tệ nạn này, đe dọa hủy hoại không chỉ thế hệ hôm nay mà còn hủy hoại đến thế hệ mai sau và là nguyên nhân chính của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác. Trước tình hình trên, đòi hỏi mỗi gia đình cần phải đặc biệt quan tâm, đồng thời có các biện pháp phòng ngừa ma túy cho con em mình một cách hữu hiệu nhất.

Để phát huy vai trò của gia đình trong phòng chống tệ nạn ma túy, trước hết, mỗi gia đình phải hiểu rõ tác hại cũng như cách nhận biết người nghiện ma túy để giáo dục cho con em. Trong đó, tác hại lớn nhất là, đối với bản thân người sử dụng ma túy sẽ bị tổn hại về sức khỏe, dẫn đến suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động. Nghiện ma túy dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma túy mãn tính, người gầy gò, xanh xao, thức đêm, ngủ ngày, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị đột tử. Một khi đã nghiện, người nghiện luôn có xu hướng tăng liều lượng sử dụng, dẫn đến kiệt quệ về sức khỏe và kinh tế…

Gia đình cần phải quản lý chặt chẽ con em mình, dành thời gian quan tâm đến con, nhất là giai đoạn con ở độ tuổi vị thành niên. Đồng thời, gia đình cần kết hợp chặt chẽ với nhà trường và chính quyền địa phương; giữa gia đình với khu dân cư, tạo cho con em mình môi trường học tập, vui chơi lành mạnh. Các bậc ông bà, cha mẹ phải tỏ rõ cho con em mình thấy thái độ kiên quyết đấu tranh và lên án mạnh mẽ những hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong xã hội để con em mình đồng thuận, hưởng ứng.

Trường hợp khi phát hiện con em sử dụng chất ma túy, gia đình không nên hắt hủi, đánh đập, la mắng mà hãy thường xuyên động viên cũng như tạo điều kiện để giúp các em cai nghiện thành công.

Xây dựng Gia đình không ma túy

Thiếu sự quan tâm từ gia đình cộng thêm tính cách đua đòi nên mới 15 tuổi nhưng em N.T.N.  ngụ xã Sơn Đông, TP. Bến Tre đã tập tành sử dụng ma túy đá. N. cho biết, mình bị những người lớn tuổi hơn lôi kéo, dụ dỗ rằng ma túy không gây nghiện, không gây nguy hiểm đến sức khỏe, tò mò nên N. đã sử dụng. Do phát hiện kịp thời nên gia đình đã phối hợp với nhà trường và công an xã tiến hành giáo dục, động viên em từ bỏ ma túy.

 Hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình coi nhẹ việc quản lý, giáo dục con cái; thậm chí khi phát hiện con em mình sử dụng ma túy nhưng vì tự ti, mặc cảm với bạn bè và xã hội nên cố tình bao che, dung túng không thông báo với cơ quan chức năng để có biện pháp cai nghiện phù hợp, từ đó dẫn đến tình trạng nghiện ma túy ngày càng nặng hơn.

N.H.P. sinh năm 1996, ngụ xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Cha mẹ li dị, P. sống chung với cha. Thay vì giáo dục, quan tâm làm gương cho con thì bản thân người cha cũng rượu chè bê tha và sử dụng ma túy. Từ đó dẫn đến năm 2016, P. bắt đầu sử dụng ma túy đá, không có tiền để thỏa mãn cơn nghiện, nên P. đã trộm xe máy và bị bắt ngày 29-9-2017.

Thượng tá Hà Văn Ron - Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh, cho biết: “Gia đình phải dành thời gian chăm sóc, quản lý, giáo dục con em mình dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, không để các em tham gia vào các loại tệ nạn xã hội, nhất là ma túy. Khi phát hiện con em mình sử dụng ma túy thì gia đình phải kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để vận động các em cai nghiện, không để tình trạng nghiện nặng, không còn biện pháp cai nghiện hiệu quả”.             

Phòng chống ma túy là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. Xây dựng một gia đình văn hóa, hạnh phúc, các thành viên quan tâm lẫn nhau sẽ là lá chắn thép ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của ma túy. Vì gia đình là tế bào của xã hội, xã hội trong sạch và không có ma túy chỉ khi từng gia đình không có ma túy.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết
Từ khóa tệ nạn ma túy

BÌNH LUẬN