Kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4

18/04/2022 - 05:53

BDK - Từ năm 2009 đến nay, Chính phủ đã chọn ngày 19-4 hàng năm là Ngày Văn hóa (VH) các dân tộc Việt Nam, nhằm tôn vinh các giá trị VH của 54 dân tộc anh em, tăng cường sức mạnh đoàn kết, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nhân ái, thủy chung, lòng tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tại Bến Tre, ngoài dân tộc Kinh còn có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Theo định hướng, chăm lo của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc anh em phát huy tinh thần đoàn kết trong xây dựng và phát triển quê hương, trong đó có chung tay phòng chống dịch Covid-19.

Biểu diễn văn nghệ giới thiệu văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Các dân tộc được quan tâm

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh, ngoài dân tộc Kinh còn có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, với tổng số hơn 6,2 ngàn người. Đông nhất là dân tộc Hoa, với hơn 5,1 ngàn người. Dân tộc Khmer hơn 770 người. Còn lại các dân tộc có số lượng ít từ vài người đến vài chục người như: Chơro, Thượng, BaNa, XơĐăng… Các dân tộc trên địa bàn tỉnh định cư lâu đời nhất có dân tộc Hoa và dân tộc Khmer. Các dân tộc còn lại chủ yếu là thông qua hôn nhân theo vợ, theo chồng về Bến Tre sinh sống.

Ông Lưu Quốc Minh - Trưởng ban Hoa vận TP. Bến Tre chia sẻ: Toàn TP. Bến Tre có hơn 520 hộ người Hoa, với hơn 1,7 ngàn nhân khẩu, cư ngụ tại 13 xã, phường. Phần đông, đồng bào người Hoa sống bằng nghề kinh doanh thương mại, dịch vụ mua bán. Mối quan hệ giữa người Hoa với cộng đồng ở địa bàn dân cư gắn bó trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Người Hoa được hưởng mọi quyền lợi như mọi công dân và được quan tâm tạo điều kiện làm việc, học tập nâng cao trình độ, tham gia vào hoạt động đoàn thể. Người Hoa hiện có trên 100 người có trình độ cao đẳng, đại học, có 1 người có trình độ thạc sĩ, hơn 25 người được kết nạp Đảng viên.

Bản thân ông Lưu Quốc Minh cũng là người tích cực tham gia công tác xã hội. Ông có hơn 20 năm đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Hoa vận TP. Bến Tre. Ông được cộng đồng người Hoa và chính quyền địa phương tín nhiệm. Qua đó, giúp cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Bến Tre cùng các cơ quan liên quan nắm bắt thêm tình hình sinh sống, tâm tư tình cảm của người Hoa để kịp thời có những định hướng phù hợp. Ông đã nhận kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” do Bộ Công an trao tặng, huy chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” do Ủy ban MTTQ Việt Nam trao tặng cùng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh trong hoạt động xã hội.

Hay như chị Thạch Thị Ngọc Yến (dân tộc Khmer) hiện là giáo viên tại Trường THPT Phan Văn Trị (Giồng Trôm), chị không chỉ đã đạt trình độ thạc sĩ (ngành Công nghệ Sinh học) mà hiện đã hoàn thành luận án Tiến sĩ ngành Vi sinh vật. Chị cho biết, rời quê hương Sóc Trăng, chị về “làm dâu” Bến Tre và tham gia công tác giảng dạy tại từ năm 2003 đến nay. Sinh sống và làm việc tại Bến Tre, chị đã nhận được sự quan tâm từ địa phương. Đặc biệt, nơi đang công tác đã tạo điều kiện thuận lợi cho chị trong việc học tập và nâng cao trình độ và trong công việc.

Biểu diễn văn nghệ giới thiệu văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ngày Văn hóa các dân tộc

Kỷ niệm Ngày VH các dân tộc Việt Nam 19-4 hàng năm là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm thể hiện sự quan tâm hơn nữa không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, quyền lợi, sự bình đẳng mà còn quan tâm đến đời sống tinh thần, bản sắc VH của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị VH toàn quốc (diễn ra vào cuối năm 2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, điểm ưu việt của Đảng ta là không chỉ quan tâm phát triển VH, mà còn đặc biệt chú trọng phát triển VH quần chúng, xây dựng nền VH tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đảng, chính quyền cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách dân tộc, nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực để phát triển, duy trì các giá trị VH dân tộc Việt Nam.  Kỷ niệm Ngày VH các dân tộc Việt Nam, hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức họp mặt đại biểu các tôn giáo, dân tộc. Buổi họp mặt năm 2022, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19-4-2022.

Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh hiện nay đều hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, không có sự phân biệt đối xử. Tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân trong đó có đồng bào các dân tộc được giải quyết đầy đủ và bình đẳng. Ngoài ra, một bộ phận còn được thụ hưởng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều cá nhân tiêu biểu, ưu tú trong đồng bào các dân tộc được kết nạp vào Đảng; tham gia công tác trong các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội các cấp. Nhiều con em đồng bào các dân tộc được học hành và thành đạt.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN