Vợ chồng anh Đến - chị Thúy Bắc, con trai út và các chiến sĩ tình nguyện Trường Đại học Bách Khoa.
Họ đã phải lòng nhau
Giờ rồi mà hai anh chị còn “kính nhau như tân”. Hôm trước gọi điện hẹn gặp nhau, anh Đến (Mai Văn Đến, hiện là Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) nói với tôi rằng để điện hỏi lại “bà xã” cái đã. Rồi anh điện cho tôi và nói “Lập ơi! Anh đang bận công chuyện, hay anh cho số điện thoại của chị, em liên hệ dùm anh nhé”.
Hôm sau, như lời hứa với chị Thúy Bắc (Bùi Thị Thúy Bắc, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện), tôi tìm về “tổ ấm” của anh chị ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thành. Khi tới nhà, anh còn đang tưới hoa kiểng ngoài sau vườn. “Là Lập hả? Hôm qua chị về có nói nay em qua”. Rồi anh cười tươi. Thật ra ngay từ đầu, anh và chị cũng không muốn câu chuyện của mình lên mặt báo. Tôi bảo, đã gần 20 năm rồi, đã có một con gái học lớp 12, một con trai vào lớp 3 rồi mà còn e ngại gì nữa. Tôi đùa, bộ chị sợ ảnh bị “phê bình” hả. Thiệt ra là “vi phạm nghiêm trọng” nội quy, quy chế của chiến dịch. Ai đời, Phó bí thư Xã đoàn mà lại dám “gù” thành viên Ban Chỉ huy chiến dịch chứ!. Chị cười và rằng, thì quân số tăng lên chứ có hao hụt gì đâu nào. Tôi và chị cùng cười.
Chị Bắc bảo, cũng là duyên nợ thôi. Ngay từ năm 1994, chị đã tham gia chiến dịch do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh phát động với tên gọi “Ánh sáng văn hóa hè” ở Bình Chánh. Các năm sau đó cũng tham gia nhiều mặt trận ở nhiều địa phương khác nhau, ấy vậy mà… “dính lại luôn” ở Bến Tre.
Từ năm 2000, chiến sĩ Trường Đại học Tự nhiên đã về Bến Tre, ở mặt trận huyện Thạnh Phú. Bấy giờ, chị Thuý Bắc là Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường, cũng là Ban Cán sự Đoàn Đại học Quốc gia. Chị được mời đi tiền trạm tại mặt trận huyện Chợ Lách, về xã Tân Thiềng. Rồi khi anh Lê Quốc Phong bận việc đi nước ngoài và ủy quyền cho chị về phụ trách chính mặt trận này. Mà bấy giờ thì Ban Chỉ huy chiến dịch đặt tại xã Vĩnh Thành, anh Đến lại là thành viên Ban Chỉ đạo chiến dịch của xã. Anh chị đã gặp nhau, qua tiếp xúc với công việc và họ đã phải lòng nhau từ lúc nào không hay biết…
“Đâu có, hồi đó định về quê công tác luôn rồi (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông). Không tự dưng gặp ảnh. Vậy nên ở lại Bến Tre tới giờ nè” - chị Thúy Bắc cười nói. “Mấy năm thì cưới” - tôi hỏi. “Bốn tháng sau khi Chiến dịch kết thúc chứ mấy năm gì”...
Nhiệt huyết với tuổi trẻ
Anh Nguyễn Phúc Linh cho rằng, điều đáng trân trọng với anh Đến và chị Thúy Bắc là đến tận bây giờ thì nhiệt huyết thanh niên tình nguyện vẫn luôn cháy bỏng trong “con người” của cả hai anh chị. Mấy chục mùa chiến dịch đi qua, không biết bao nhiêu nữa, cứ hễ có chiến sĩ về xã Vĩnh Thành là anh chị đều đăng ký nuôi quân. Như hôm tôi đến, nhà anh đã có rất đông chiến sĩ Trường Đại học Bách Khoa có mặt. Anh Đến bảo, năm nào về xã mà ở ấp này thì anh chị xem như em trong nhà vậy. Nhớ một thuở ấy mà. Hiện nay, chiến sĩ Trường Đại học Bách Khoa đang có mặt tại ấp Hòa Khánh để hỗ trợ người dân bê-tông hóa hai tuyến đường liên xóm, ấp dài gần 1km.
Trong lúc trò chuyện cùng anh chị, chị Thúy Bắc còn cho tôi biết nhiều thông tin rất hay. “Những năm sau đó, tại mặt trận Chợ Lách này cũng có nhiều đôi uyên ương nên vợ chồng và họ sống thật hạnh phúc. Như cặp anh Tâm - chị Châu ở xã Vĩnh Hòa vào năm 2012, cặp anh Trung - chị Phượng hiện đang sống tại tỉnh Đồng Nai, cũng yêu nhau và cưới nhau sau mỗi mùa Chiến dịch” - chị Thúy Bắc bộc bạch thêm.
Bài, ảnh: Thành Lập