Kỷ luật Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW 4

15/07/2012 - 16:44

Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị. Đảng mạnh là nhờ chính nghĩa và dựa vào niềm tin của nhân dân, huy động được toàn dân tộc làm cách mạng, mỗi đảng viên là một cán bộ ưu tú, nêu gương và tiên phong trong các phong trào yêu nước.

Đảng mạnh còn vì có tổ chức chặt chẽ, thống nhất, đoàn kết và giữ gìn kỷ luật nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật”. Điều lệ Đảng (khóa XI) khi nêu những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng đã nhấn mạnh: Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết và gắn bó mật thiết với nhân dân. Hồ Chủ tịch đã căn dặn: “Mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng”. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hơn 25 năm qua gặt hái nhiều thành tựu chính là nhờ kỷ luật nghiêm, không ngừng sáng tạo và phát huy trí tuệ, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc.

Tuy nhiên, Đảng ta đã thẳng thắn tự phê bình trong Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW4): một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí sa vào chủ nghĩa cá nhân, chạy theo danh lợi, tiền tài dẫn đến tham nhũng, làm việc sai nguyên tắc làm giảm uy tín của cơ quan, đơn vị và niềm tin của nhân dân. Trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh nguyên tắc tập trung dân chủ bị coi nhẹ, có nguyên nhân từ việc thiếu tu dưỡng rèn luyện của cán bộ, đảng viên, nhiều nơi kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, thiếu tính chế tài cụ thể kiên quyết xử lý người vi phạm hoặc không kịp thời thay thế cán bộ năng lực yếu kém, uy tín giảm sút, việc đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, thậm chí né tránh, ngại va chạm. Quyền lực của tổ chức Đảng nói chung và vai trò kỷ luật Đảng không được tôn trọng. Việc kiểm điểm, kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm chưa đủ sức răn đe và tính giáo dục, ngăn ngừa chưa cao.

Ngay từ đầu năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Qui định số 55 về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Theo đó, các cấp ủy đảng tại địa phương vừa thường xuyên quan tâm công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, đồng thời tăng cường vai trò công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời ngăn ngừa sai phạm. Trong nhiều nội dung kiểm tra cán bộ, đảng viên tập trung kiểm tra về hiệu quả tu dưỡng rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt là kiên quyết chống các hiện tượng suy thoái về tư tưởng, lối sống như: dao động về tư tưởng chính trị, tham nhũng, lãng phí, dối trá, hối lộ, nói không đi đôi với làm, chạy theo lợi ích cá nhân thuần túy, lạm dụng quyền lực. Đối tượng cần tập trung kiểm tra trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm, tiêu cực, tham nhũng như việc quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng; y tế, giáo dục….

Với tinh thần nhìn thẳng thắn, khách quan, trung thực không nể nang, né tránh, tại địa phương các cấp ủy đã quan tâm sâu sắc đến việc kiểm tra đảng viên theo tinh thần NQ TW 4 và Qui định số 55 của Đảng, qui định về những điều đảng viên không được làm. Phương châm thực hiện là kết hợp "chống và xây", "xây và chống", tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, gây dư luận xấu trong quần chúng. Với tinh thần cẩn trọng và quyết liệt, Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2012 đã tiến hành kiểm tra 7 tổ chức đảng cơ sở có dấu hiệu vi phạm, qua đó kết luận các tổ chức đảng đều vi phạm ở những mức độ khác nhau, nội dung sai phạm tập trung vào lỗi: không thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước và nguyên tắc tập trung dân chủ. Bên cạnh đó, qua kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đã kết luận và kỷ luật 141 đảng viên, tăng 41% so với cùng thời gian này năm trước. Hình thức kỷ luật đối với đảng viên sai phạm là cách chức 10 đảng viên, khai trừ đảng 14 người, số đảng viên vi phạm còn lại bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo. Điều quan tâm là không chỉ số lượng đảng viên bị kỷ luật tăng mà trong số đảng viên sai phạm đến mức kỷ luật có cả huyện ủy viên, đảng ủy viên có chức vụ quản lý, lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước. Nội dung vi phạm tập trung vào lỗi thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và vi phạm đạo đức, lối sống. Rõ ràng, trong thực tế, việc một số tổ chức đảng suy giảm ý chí chiến đấu dẫn đến kỷ luật đảng không nghiêm, trong đó có cả tình trạng xảy ra lỗi của tập thể cấp ủy. Vì quyền lợi nhóm hay vì nương nhẹ trong đấu tranh, tự phê bình và phê bình trong nội bộ mà sai phạm kéo dài, qua kiểm tra mới bị phát hiện và xử lý? Kết quả như trên chính là thực hiện nghiêm theo phương châm, quan điểm chỉ đạo từ NQTW 4.           

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện kỷ luật trong Đảng và sự tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên, NQTW4 đòi hỏi từng tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, thực chất, khi nhận thức ra hạn chế, khuyết điểm phải kiên quyết sửa chữa. Tinh thần đó đúng như Hồ Chủ tịch đã từng căn dặn “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, thì bệnh sẽ ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN