Ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch

16/12/2019 - 06:51

BDK - Việc ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch (DL) của TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2020 - 2025 được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng đối với sự hợp tác phát triển DL của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vực. Qua đó, sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên DL của các đơn vị liên quan, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển DL liên vùng.

Các đại biểu tham quan các gian hàng giới thiệu du lịch của các tỉnh, thành.

Cơ hội phát triển

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, mặc dù có tiềm năng rất đa dạng và phong phú, nhưng nhìn chung DL toàn vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển; thiếu các trung tâm và điểm đến DL có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế, sản phẩm DL kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng; thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết DL để tạo ra chuỗi toàn vùng.

Theo thống kê, năm 2019, lượng du khách đến ĐBSCL ước đạt 47 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động DL ước chỉ đạt 30 ngàn tỷ đồng. Dù đã có rất nhiều cố gắng của các địa phương nhưng do còn thiếu các cơ chế, thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết nên kết quả vẫn còn rất khiêm tốn so với các vùng trọng điểm của cả nước.

“Hội nghị này sẽ là cơ hội để các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn, cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực DL gặp gỡ, trao đổi và bàn các giải pháp nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ, hợp tác trong liên kết phát triển DL của liên vùng; thống nhất các thể chế, cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa tiềm năng và sản phẩm DL cho từng tiểu vùng và từng địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nói.

Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng đã nêu một số lợi thế DL Bến Tre và các vấn đề liên kết vùng. Bên cạnh việc phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh thực hiện những nội dung theo kế hoạch, tỉnh sẽ phấn đấu thực hiện có hiệu quả một số công việc. Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển DL đến năm 2030, tầm nhìn 2045, chú trọng liên kết, hợp tác chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong phát triển DL.

Bến Tre cũng sẽ chú trọng phát triển sản phẩm DL như tổ chức đoàn famtrip đến khảo sát và xúc tiến thương mại DL, gắn kết giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm DL của tỉnh và các tỉnh trong khu vực để thu hút khách DL; phối hợp các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phác thảo các chương trình tour, tuyến DL dự kiến kết nối TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL… Phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh (trước tiên là di tích Đồng Khởi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Định, Bảo tàng Bến Tre)…

“Bến Tre không ngừng nỗ lực cải thiện điều kiện phát triển DL, xây dựng dịch vụ DL thông minh. Đẩy mạnh liên kết trong thực hiện quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa lịch sử, khai thác tốt tài nguyên bản địa trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá DL, đặc biệt là chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm DL đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển DL bền vững. Tăng cường liên kết, phát triển sản phẩm DL theo hướng chuyên nghiệp và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ DL chất lượng; nâng cao hiệu quả và tác phong chuyên nghiệp trong hoạt động DL, tạo ấn tượng và tình cảm tốt đẹp với du khách, góp phần xây dựng hình ảnh DL miền Tây Nam Bộ hiện đại, chất lượng, thân thiện và an toàn” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết.

Những vấn đề quan tâm

Tại hội nghị ký kết, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã thông qua dự thảo Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển DL TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025. Nội dung chính gồm: trao đổi thông tin về tình hình phát triển DL; phát triển sản phẩm DL; quảng bá xúc tiến DL; phát triển nguồn nhân lực DL; kêu gọi đầu tư phát triển DL. Thỏa thuận liên kết này có hiệu lực từ năm 2020 đến năm 2025. Trong quá trình phối hợp, triển khai, các địa phương có thể đề xuất, góp ý các nội dung, nhiệm vụ thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận định: Các địa phương vừa có điểm chung, vừa có sự khác biệt. Do đó, cần hình thành nên một thương hiệu DL chung toàn vùng và tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của kinh tế và ổn định xã hội của vùng. Trên nguyên tắc hợp tác và mục tiêu đặt ra như trên, những giải pháp và chương trình hành động của các địa phương, doanh nghiệp đã được trao đổi tại hội nghị lần thứ nhất sẽ góp phần nâng tầm và chất sự liên kết phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, hướng đến những kết quả cụ thể trong thời gian sắp tới.

Nói về tinh thần hợp tác và các vấn đề cần lưu tâm khi ký kết hợp tác, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, liên kết hợp tác phát triển DL phải trên tinh thần tự chủ của các địa phương, cần bám sát chiến lược của quốc gia dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phải chú ý đến nhu cầu của du khách trong việc giải quyết mục tiêu liên kết phát triển DL TP. Hồ Chí Minh có lợi thế về mua sắm thì ĐBSCL lại đa dạng về DL văn hóa; tài nguyên văn hóa của ĐBSCL rất quan trọng, do đó, các địa phương cần duy trì và phát huy hơn nữa nguồn tài nguyên này. Riêng vấn đề đào tạo lại nguồn nhân lực làm công tác DL thì TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò là đầu mối, là nơi thí điểm để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế; bên cạnh, gắn liền với phát triển doanh nghiệp DL vì muốn phát triển DL tất yếu phải có doanh nghiệp về DL.

“Trên cơ sở thỏa thuận, cần xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác cụ thể cho nội dung hợp tác đã xác định, từ đó đề ra kế hoạch liên kết hợp tác hàng năm. Các địa phương trong vùng phải thực sự chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm DL, tăng cường quản lý điểm đến, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, xây dựng môi trường DL văn minh, thân thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của DL” - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nêu định hướng tới cho sự liên kết hiệu quả để phát triển như mong muốn.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN