Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Hồ Tuyết Minh. Ảnh: Hữu Hiệp
Đại biểu Hồ Thị Tuyết Minh Tổ đại biểu huyện Giồng Trôm chất vấn Giám đốc Sở Tư pháp Võ Minh Thưởng về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại địa phương. Đại biểu Hồ Thị Tuyết Minh cho rằng: Trong thời gian qua, Sở Tư pháp và các sở, ngành đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện khá tốt việc đề nghị xây dựng nghị quyết (NQ) của HĐND tỉnh để cụ thể hóa, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và ban hành chính sách đặc thù ở địa phương. Chất lượng các NQ từng bước được nâng lên, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, một số ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo NQ trình HĐND tỉnh chưa tốt. Nhiều NQ đã đăng ký thông qua tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh nhưng tiến độ thực hiện chậm phải xin gia hạn. Đặc biệt, hiện nay các NQ liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Nghị định 38/2023/NĐ-CP vẫn chưa trình HĐND tỉnh thông qua nên các địa phương chưa giải ngân được nguồn vốn trong năm 2023. Những hạn chế trên ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Sở Tư pháp với tư cách là cơ quan tham mưu UBND tỉnh trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó có nhiệm vụ xây dựng VBQPPL như quy định tại khoản 4 Điều 2 của Thông tư 07/2020/TT-BTP, đại biểu Tuyết Minh đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cho biết trách nhiệm của Sở Tư pháp đối với những hạn chế nêu trên và cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.
Trả lới chất vấn của Giám đốc Sở Tư Pháp Võ Minh Thưởng. Ảnh: Hữu Hiệp
Trả lời phần chất vấn của đại biểu Hồ Thị Tuyết Minh, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Minh Thưởng cảm ơn sự quan tâm của đại biểu đến công tác xây dựng VBQPPL của địa phương trong thời gian qua. Giải trình nội dung này, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Theo điểm a khoản 3 Điều 28 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định “Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định trình Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định danh mục NQ của HĐND cấp tỉnh quy định chi tiết luật, NQ của Quốc hội, pháp lệnh, NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước”. Qua rà soát, trong năm 2023, không có nội dung được giao theo quy định nêu trên.
Về công tác góp ý, thẩm định NQ của HĐND tỉnh trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh và sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp; sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình góp ý, thẩm định ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thẩm định, góp ý, rà soát NQ của HĐND tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác xây dựng VBQPPL trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Minh Thưởng đề xuất các cơ quan, đơn vị phải triệt để tuân thủ đúng Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành VBQPPL và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Công văn số 181/HĐND-VP ngày 10-5-2022 của HĐND tỉnh thống nhất thực hiện quy trình xây dựng, ban hành NQ của HĐND tỉnh; Công văn số 671/UBND-NC ngày 13-2-2023 của UBND tỉnh về chấn chỉnh nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng và ban hành VBQPPL của HĐND và UBND tỉnh; Công văn số 2671/UBND-TH ngày 9-5-2023 của UBND tỉnh về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính và tham mưu hồ sơ trình thành viên UBND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh.
Chủ động tham mưu xây dựng VBQPPL theo chương trình đã đăng ký, tránh trường hợp gần tới kỳ họp mới tham mưu thực hiện sẽ dẫn đến bị động cho các cơ quan, đơn vị có liên quan khi thực hiện góp ý, phản biện, thẩm định, thẩm tra VBQPPL. Hồ sơ gửi thẩm định VBQPPL phải đáp ứng được nội dung và hình thức định tại khoản 2 Điều 121 (sửa đổi bởi khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 130 của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020). Chủ động trong tham mưu xây dựng đối với các NQ quy định chính sách đặc thù tại địa phương theo khoản 4 Điều 27 của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy trình chính sách trước quy trình soạn thảo VBQPPL theo quy định từ Điều 112 đến Điều 116 của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.
Các cơ quan, đơn vị phải xem công tác tham mưu xây dựng VBQPPL, trong đó có xây dựng NQ của HĐND tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên quán triệt cho đội ngũ làm công tác văn bản về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng VBQPPL. Việc soạn thảo, ban hành VBQPPL phải được giao cho cán bộ, công chức đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn và có kỹ năng soạn thảo văn bản. Đảm bảo tính công khai, minh bạch cho các VBQPPL của HĐND tỉnh trong quá trình soạn thảo, ban hành.
Hồ sơ đề nghị Sở Tư pháp thẩm định phải đảm bảo đúng thời hạn và thành phần theo quy định. Dự thảo VBQPPL gửi thẩm định phải là văn bản hoàn chỉnh sau khi đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, đối với văn bản có quy định về thủ tục hành chính phải có bản đánh giá tác động về thủ tục hành chính. Thường xuyên rà soát NQ của HĐND tỉnh thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý, phát hiện kịp thời những văn bản, những quy định trái pháp luật, bị chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, để kịp thời tham mưu ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ.
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng
Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thúy chất vấn. Ảnh: Hữu Hiệp
Chất vấn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy - Tổ đại biểu huyện Châu Thành cho rằng: Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là hoạt động hành nghề công chứng có những sai sót, vi phạm. Với vai trò tham mưu UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp làm rõ thêm nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên. Giải pháp nào để tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua, đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật về công chứng trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Tư pháp Võ Minh Thưởng cảm ơn ý kiến quan tâm của đại biểu đến hoạt động quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Giải trình nội dung này, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Minh Thưởng cho rằng: Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện đúng và đầy đủ các nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định tại Điều 70 Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong đó, chú trọng thực hiện công tác tổ chức thi hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng, chính sách phát triển nghề công chứng và bồi dưỡng nghiệp vụ đối với công chứng viên; phối hợp với Hội công chứng viên tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên tổ chức tại địa phương và theo dõi, kiểm tra việc công chứng viên thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm của công chứng viên; tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động công chứng, xây dựng cơ chế phối hợp; ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động...
Xây dựng Quy chế phối hợp với Cục Thi hành án dân sự, Hội công chứng viên, Tòa án nhân dân tỉnh; tham mưu UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố phối hợp trong các hoạt động quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp cũng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Dự thảo “Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương”, xác định nội dung và trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành tỉnh, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
Tham mưu UBND tỉnh xây dựng “Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu công chứng”được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng theo quy định tại Điều 62 của Luật Công chứng. Chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng “Phần mềm quản lý hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch” tại Phòng Tư pháp và UBND cấp xã có chức năng tích hợp với Cơ sở dữ liệu công chứng để kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu về tài sản liên quan đến các hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực, góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Đối với ý kiến “việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng chưa toàn diện, chưa có tính liên thông, chưa bắt kịp tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh kinh tế đang chuyển đổi số…” Hiện nay, thủ tục hành chính liên quan đến các tổ chức hành nghề công chứng đã được bãi bỏ theo Quyết định số 991/QĐ-BTP ngày 11/6/2021 Bộ Trưởng Bộ Tư pháp. Thủ tục công chứng tại các văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua công tác quản lý nhà nước, Sở Tư pháp tổng hợp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật chưa phù hợp hoặc không phù hợp.
Về giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tư pháp đề xuất: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định pháp luật về công chứng và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng và quy định pháp luật có liên quan, các chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động công chứng.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện “Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương” để thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về công chứng. Tiếp tục phối hợp với Hội công chứng viên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên. Tiếp tục kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực dùng chung trên phạm vi toàn quốc. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể việc chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động công chứng để đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động hụi
Chất vấn của Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Văn Tân. Ảnh: Hữu Hiệp
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Văn Tân cho rằng: Thời gian qua hoạt động hụi diễn ra phổ biến ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nhiều dây hụi được tổ chức với quy mô lớn về số hụi viên tham gia và số tiền huy động. Một số đối tượng lợi dụng lòng tin của người tham gia hụi để huy động, chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, khi xảy ra các vụ vỡ hụi gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các hụi viên. Nhiều vụ vỡ hụi liên quan đến hàng chục, hàng trăm hụi viên; số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng; nạn nhân là những người buôn bán nhỏ, nội trợ, cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu,.. nhiều trường hợp nạn nhân bị chiếm đoạt gần hết số tiền lao động cả đời mới dành dụm được, gây bức xúc trong Nhân dân. Công tác giải quyết một số vụ vỡ hụi gặp nhiều khó khăn, người tham gia hụi không đồng tình kết quả giải quyết của cơ quan chức năng, gửi đơn khiếu nại, tố cáo gây áp lực làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương…
Đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá về trách nhiệm của Sở và người đứng đầu của Sở đối với những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về hụi trong thời gian qua. Giải pháp khắc phục những hạn chế trong quản lý nhà nước về hụi trong thời gian tới, để hoạt động hụi đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Minh Thưởng cảm ơn sự quan tâm của đại biểu đến hoạt động hụi diễn ra trong thời gian qua tại địa phương. Bên cạnh những ưu điểm mang tính tương trợ, gắn kết cộng đồng, hoạt động hụi ít nhiều đã và đang ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương khi có vỡ hụi xảy ra. Về nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên, như đại biểu đã đề cập, Giám đốc Sở Tư pháp nhận thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau, khách quan lẫn chủ quan, có cả trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp (nhất là cấp cơ sở) và từ phía người dân.
Về phía Sở Tư pháp cũng như vai trò của người đứng đầu đơn vị, Giám đốc Sở Tư pháp xin nhận phần trách nhiệm về những hạn chế có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hoạt động hụi nêu trên.
Về công tác chỉ đạo, điều hành, từ năm 2019 đến nay, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 5 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động hụi. Nội dung tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động hụi. UBND cấp huyện, xã thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, bảo đảm hoạt động hụi diễn ra lành mạnh, hiệu quả, an toàn, theo đúng quy định pháp luật. Kịp thời phát hiện, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định hoặc chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
UBND cấp huyện, xã tăng cường phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp nắm bắt dư luận và giám sát hoạt động hụi. Vận động người tham gia hoạt động hụi, nhất là chủ hụi thực hiện thông báo khi tổ chức dây hụi theo đúng quy định. Khi có vụ việc vỡ hụi xảy ra, UBND cấp xã cần vào cuộc ngay, thành lập tổ xử lý ban đầu do Công an chủ trì, phối hợp cùng Tư pháp, MTTQ Việt Nam xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trưởng ấp, khu phố... thực hiện lập danh sách, thống kê đối tượng, số lượng tham gia; xác định tính chất, mức độ vi phạm trong vụ việc để kịp thời hướng dẫn người dân liên hệ các cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết; tránh để người dân tự thực hiện riêng lẻ, gửi đơn khiếu nại, tố cáo nhiều nơi gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác thụ lý, giải quyết.
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 11 người trong 11 vụ án tranh chấp hụi; thực hiện 15 cuộc truyền thông trợ giúp pháp lý tại 15 xã có lồng ghép báo cáo chuyên đề hụi, Nghị định 19/2019/NĐ-CP và một số quy định liên quan đến tín dụng đen với gần 700 người dân tham dự.
Nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Minh Thưởng cho biết sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra chuyên đề, thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động hụi. Vận động người tham gia chơi hụi, nhất là chủ hụi thực hiện thông báo khi tổ chức dây hụi. Tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bến Tre chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình huy động vốn, cho vay, các sản phẩm dịch vụ với thủ tục nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân.
Tiếp tục đề nghị Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp, xử lý kịp thời các tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố, truy tố các vụ việc liên quan đến hoạt động hụi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Phối hợp, giải quyết nhanh các tranh chấp dân sự, thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động hụi, kịp thời áp dụng các biện pháp bảo đảm trong tố tụng dân sự nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia hoạt động hụi theo quy định.
Quản lý, xây dựng, trùng tu, tôn tạo các công trình tượng đài, di tích lịch sử
Phát biểu chất vấn của Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Văn Cuộn. Ảnh: Hữu Hiệp
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Trung đã trả lời các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Huỳnh Văn Cuộn - Trưởng ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh về tiến độ triển khai thực hiện phần tượng đài của các công trình Tượng đài chiến thắng Giá Thẻ (huyện Thạnh Phú), Tượng đài đánh tàu trên sông Giồng Trôm, Tượng đài chiến thắng Lộ Thơ (huyện Châu Thành). Công trình Khu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển không được bảo trì, sửa chữa dẫn đến xuống cấp và xảy ra sự cố, thuộc trách nhiệm của cơ quan nào (Sở VVTT&DL hay UBND huyện Thạnh Phú). Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm của Sở trong công tác bàn giao, phối hợp với địa phương quản lý, khai thác và sử dụng công trình này. Giải pháp tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trùng tu, tôn tạo các công trình, tượng đài, bia, di tích lịch sử do tỉnh quản lý, lập dự án tổ chức thực hiện và kế hoạch khắc phục, sửa chữa khu vực dâng hương của công trình Khu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển để phục vụ các đoàn đến viếng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024.
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Trung trả lời chất vấn. Ảnh: Trần Quốc.
Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Văn Trung cho biết: Công trình chuyển đổi chất liệu phần mỹ thuật Tượng đài chiến thắng Lộ Thơ, Tượng đài chiến thắng Giá Thẻ và Tượng đài đánh tàu trên sông Giồng Trôm, có tổng mức đầu tư 13,775 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian thực hiện công trình năm 2022-2024.
Tiến độ và kế hoạch triển khai thực hiện: Ngày 19-10-2022, Hội đồng nghệ thuật thông qua mẫu phác thảo 3 tượng đài, tỷ lệ 1,3m (chất liệu đất sét) UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 2555/QĐ-UBND ngày 3-11-2022, hoàn thiện mẫu phác thảo để trình Sở Xây dựng phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Ngày 30-9-2023, Hội đồng nghệ thuật thông qua phác thảo 3 tượng đài, tỷ lệ 1,3m, phù điêu và sa bàn tượng (chất liệu composite) UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 2389/QĐ-UBND ngày 17-10-2023, để chuyển giai đoạn phác thảo 3 tượng đài tỷ lệ 1/1 (chất liệu đất sét). Dự kiến đến tháng 12-2023, Hội đồng nghệ thuật thông qua bước phác thảo tượng, tỷ lệ 1/1 (chất liệu đất sét, composite). Dự kiến đến tháng 4-2024: Triển khai thi công phần xây dựng chỉnh trang khuôn viên tượng, ốp đá granite, sơn mới lại công trình; hoàn thiện công tác đục đá chuyển chất liệu 3 tượng đài. Tháng 5-2024, Hội đồng nghệ thuật tổ chức nghiệm thu phần mỹ thuật sau khi chuyển chất liệu và chuyển sang thi công lắp đặt tượng đài. Tháng 8-2024: Tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình và bàn giao đưa công trình vào sử dụng.
Về công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển được phê duyệt dự án năm 2012. Hoàn thành và bàn giao cho UBND huyện Thạnh Phú quản lý, khai thác và sử dụng vào tháng 12-2020. Trước khi đưa vào khai thác, sử dụng, Sở VHTT&DL đã phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn quản lý dự án và giám sát, đơn vị thi công đã tổ chức kiểm tra hiện trường lần 1 (ngày 17-9-2020), lần 2 (ngày 28-10-2020), lần 3 (ngày 10-11-2020) và đã được Sở Xây dựng chấp nhận nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Vào lúc 8 giờ 30, ngày 29-10-2023, tại Đài tưởng niệm khu di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, Trung tâm Văn hoá, Thể thao, Truyền Thanh và Du lịch huyện Thạnh Phú có đón đoàn của trường THPT Lê Hoài Đôn gồm 1 giáo viên và 15 học sinh đến để viếng và thắp hương. Sau khi viên chức của trung tâm hướng dẫn làm lễ dâng hương xong, đoàn vừa di chuyển sang một bên để tập trung nghe thuyết minh về ý nghĩa xây dựng di tích thì bất ngờ một viên gạch đá phía trên trụ đài cao 13,6m rớt xuống ngay vị trí dâng hương. May mắn là không có em nào trong đoàn bị thương.
Đây là một sự cố rất đáng tiếc và cho thấy công tác bảo trì, sữa chữa công trình công trình này chưa được quan tâm đúng mức. Việc không được bảo trì, sửa chữa dẫn đến xuống cấp và xảy ra sự cố vừa nêu là thuộc trách nhiệm của Sở VHTT&DL, nhất là chưa thường xuyên phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú để đề xuất với UBND tỉnh cho chủ trương kịp thời sửa chữa, bảo trì công trình này khi có biểu hiện hư hỏng.
Đối với trách nhiệm của Sở VHTT&DL trên cơ sở kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng của Sở Xây dựng, Sở đã tổ chức bàn giao công trình Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển cho UBND huyện Thạnh Phú. Tuy nhiên, trong quá trình bàn giao, cũng như biên bản bàn giao chưa thể hiện rõ trách nhiệm của UBND huyện Thạnh Phú, Sở VHTT&DL đối với kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng khi công trình có biểu hiện xuống cấp, hư hỏng. Do vậy, công trình có biểu hiện hư hỏng nhưng chưa được tham mưu, đề xuất kinh phí sửa chữa kịp thời.
Sau khi nhận bàn giao từ Sở VHTT&DL, UBND huyện Thạnh Phú đã giao cho Ban Quản lý khu du lịch di tích đường Hồ Chí Minh trên biển để khai thác, quản lý và sử dụng. Đến năm 2022, Ban quản lý khu du lịch di tích đường Hồ Chí Minh trên biển nhập lại với Trung tâm Văn hoá, Thể thao, Truyền thanh và Du lịch huyện Thạnh Phú. Hiện nay, huyện Thạnh Phú sử dụng biên chế quản lý du lịch để quản lý công trình di tích. Về thuyết minh, Bảo Tàng tỉnh bố trí 1 biên chế và 1 biên chế du lịch của huyện để hỗ trợ. Hiện nay, nhân sự của huyện đang gặp khó khăn nên chưa đảm bảo phục vụ tốt việc khai thác và quản lý khu di tích. Mặc khác, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở VHTT&DL với UBND huyện Thạnh Phú trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như hướng dẫn, định hướng trong việc quản lý, khai thác, duy tu, bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển. Sở VHTT&DL xin nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc các nội dung nêu trên với đại biểu nhân HĐND tỉnh, với cử tri và với đại biểu Huỳnh Văn Cuộn đã có ý kiến đặt ra.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Sở VHTT&DL sẽ tập trung phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt 2 Đề án: “Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, “Đề án xây dựng, trùng tu, tôn tạo hệ thống tượng, tượng đài, bia trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050”. Sau khi đề án được ban hành, công tác quản lý nhà nước cũng như định hướng xây dựng, trùng tu, tôn tạo, khai thác các công trình, tượng đài, bia, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh sẽ được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các địa phương, rà soát, đánh giá hiện trạng các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh để đề xuất xin chủ trương, nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn lực khác để trùng tu, tôn tạo và bảo tồn. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2021 - 2025, tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư công trình di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri); Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng Bưng Lạc Địa (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri); Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Tuyên Linh (xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam), đền thờ Huỳnh Tấn Phát; khu di tích căn cứ Khu uỷ Sài Gòn - Gia định (khu di tích Y4) và đang triển khai thi công công trình Chuyển đổi chất liệu phần mỹ thuật Tượng đài chiến thắng Lộ Thơ, Tượng đài chiến thắng Giá Thẻ và Tượng đài đánh tàu trên sông Giồng Trôm, dự kiến hoàn thành năm 2024; công trình chỉnh trang, nâng cấp một số hạng mục tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định; hoàn thành lập quy hoạch 2 khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu; Khu di tích Đồng Khởi.
Đề xuất xin chủ trương UBND tỉnh nguồn kinh phí để thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa cấp thiết công trình di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển để phục vụ các đoàn đến viếng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Hiện Sở phối hợp lập dự toán và dự án chỉnh sửa tổng thể. Đồng thời, phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú rà soát, phân cấp và thống nhất việc phối hợp quản lý, khai thác di tích lịch sử Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam và công trình Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre trong thời gian sớm nhất, để trình UBND tỉnh xem xét cho ý kiến.
P. Tuyết - H. Hiệp - Tr. Quốc