Kỳ họp HĐND bước vào phiên chất vấn

06/12/2019 - 19:03

BDK.VN - Ngày làm việc thứ 2 (6-12-219) Kỳ họp HĐND lần thứ 14, đại biểu vào phiên chất vấn. Các sở, ngành liên quan trả lời chất vấn.

Tiêu chí nông thôn mới

Đại biểu Đặng Ngọc Anh đặt vấn đề, đến thời điểm này, toàn tỉnh đạt 49 xã nông thôn mới (NTM). Đối với 25 xã hiện mới đạt 5-9 tiêu chí thì các tiêu chí “cứng” về thu nhập (số 10), giao thông nông thôn (số 2), môi trường (số 17), an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội (số 19) đã đạt hết chưa, đảm bảo đến cuối năm có đạt 10 tiêu chí không?

Giám đốc sở NN&PTNT Bùi Văn Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: Hữu Hiệp

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm cho biết, tính đến tháng 9-2019, toàn tỉnh có 25 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí nông thôn mới (NTM), trong đó theo đánh giá của Ban chỉ đạo cấp huyện không có xã nào đạt cả 4 tiêu chí “cứng”.

 Điển hình, như: tiêu chí số 2 có 1 xã đạt là xã Phong Mỹ (Giồng Trôm); tiêu chí số 10 có 7 xã đạt là Tiên Thủy (Châu Thành), Hưng Lễ, Sơn Phú (Giồng Trôm), Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc), Bình Thới, Bình Thắng, Long Hòa (Bình Đại); tiêu chí số 17 chưa có xã nào đạt; tiêu chí số 19 có 16 xã đạt: Tiên Thủy (Châu Thành), Phong Mỹ, Phước Long, Sơn Phú, Tân Hào, Thạnh Phú Đông, Bình Hòa, Long Mỹ, Hưng Nhượng (Giồng Trôm). Có 4 xã chưa đạt cả 4 tiêu chí: Định Trung, Vang Quới Đông, Phú Vang và Thạnh Trị (Bình Đại).

“Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc với quyết tâm cao; tập trung đẩy mạnh, đồng bộ các giải pháp, bao gồm tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó có thực hiện Ngày Chủ nhật NTM; huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện; tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp. Đặc biệt, cấp xã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và gắn với thực hiện đề án làng văn hóa du lịch”, ông Bùi Văn Lâm nêu giải pháp.

Theo đề án 3333 về xây dựng giao thông nông thôn giai đoạn 2018 - 2020 có góp phần giải quyết đạt tiêu chí về giao thông nông thôn của 25 xã này hay không? Trả lời vấn đề này, ông Bùi Văn Lâm cho biết, không chỉ các xã đạt dưới 10 tiêu chí mà đối với các xã chưa đăng ký đạt chuẩn NTM nói chung đều có thể đăng ký thực hiện đề án này nếu địa phương chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu, điều kiện và thuộc phạm vi đề án.

UBND tỉnh cho chủ trương triển khai các danh mục công trình thực hiện theo đề án. Đến nay, có 55 công trình, với kinh phí tỉnh hỗ trợ đầu tư 102,508 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu 147 xã trên địa bàn tỉnh xây dựng cơ bản đạt tiêu chí số 2 về giao thông vào năm 2020 thì còn 42 xã phải tiếp tục đăng ký danh mục công trình thực hiện năm 2020.

Thực hiện Đề án 3333 đến năm 2020, tiêu chí giao thông cơ bản đạt tại các xã chưa đạt chuẩn NTM, trong đó có 25 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí cần tập trung tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện các công trình có chủ trương triển khai thực hiện năm 2019; đề nghị 22 xã đăng ký danh mục công trình triển khai năm 2020 tranh thủ huy động kinh phí xây dựng nền hạ đạt chuẩn theo quy định. Đối với 20 xã chưa đăng ký danh mục công trình tiếp tục rà soát đăng ký danh mục triển khai thực hiện năm 2020. Sau năm 2020, cần rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Trả lời chất vấn về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, ông Bùi Văn Lâm cho rằng, đây là một trong số các tiêu chí khó đạt nhất trong bộ tiêu chí xã NTM. Khó khăn nhất là tập quán sử dụng cầu tiêu ao cá, việc an táng người thân vào nghĩa trang nhân dân chưa thay đổi, nhận thức về bảo vệ môi trường một số đảng viên, hội viên, người dân chưa cao.

 Giải pháp trong thời gian tới là cần sự tập trung cao của các ngành, các cấp từ tỉnh đến xã, ấp trong công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành, đặc biệt trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng NTM. Dịp này, ông Bùi Văn Lâm cũng trình bày các giải pháp cụ thể đối với việc thực hiện từng chỉ tiêu từ 17.1 - 17.8.

Về chỉ tiêu huyện Chợ Lách cơ bản đạt tiêu chí NTM, ông Bùi Văn Lâm cho rằng, đến thời điểm hiện tại huyện Chợ Lách tự đánh giá cơ bản đạt 8/9 tiêu chí huyện NTM gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, sản xuất, an ninh trật tự xã hội và chỉ đạo xây dựng NTM. Tiêu chí môi trường đạt 80%. Hiện tại, huyện cần đầu tư 2 xe chuyên dụng vào 1 lò đốt rác là cơ bản hoàn thành tiêu chí về môi trường. Huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ tự đánh giá để thẩm tra. Dự kiến, huyện Chợ Lách đạt chuẩn huyện NTM mới và tổ chức lễ công bố đạt huyện NTM trước tháng 6-2020.

Khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận chậm

 Đại biểu Cao Văn Bé Tư chất vấn về trách nhiệm chỉ đạo Ban quản lý dự án phát triển hạ tầng các khu công nghiệp triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư phục vụ KCN Phú Thuận.

Ông Đoàn Viết Hồng - Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh cho biết, Đồ án quy hoạch chi tiết khu tái định cư và nhà ở công nhân ban đầu có diện tích 45ha, quy mô 11.500 người, tại xã Phú Thuận. Qua nhiều lần trình và điều chỉnh, đến tháng 7-2019, UBND tỉnh phê duyệt dự án, với diện tích trên 48ha, gồm giai đoạn 1 có 770 nền tái định cư, diện tích 120m2/nền; còn lại khoảng 239 nền bố trí tái định cư và các khu nhà ở công nhân trong giai đoạn 2.

Sau khi được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư và chậm lắm quý II-2020 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Cũng theo ông Hồng, trong giai đoạn 1, việc giải phóng mặt bằng sẽ có thuận lợi do phần đất này chủ yếu là diện tích đất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng giải trình ý kiến đại biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Về vấn đề này, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Qua tiếp xúc cử tri ngày 3-12-2019, vấn đề nêu ra là việc thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ chưa nhiều, đặc biệt là vấn đề tái định cư. Về nguyên nhân chậm tiến độ như đã nêu trên là do rút kinh nghiệm thực hiện các KCN trước, việc thực hiện dự án KCN Phú Thuận được thận trọng, chặt chẽ hơn vì theo quy định mới là phải sắp xếp dân cư, khu xử lý nước thải. Về việc bố trí tái định cư theo nhu cầu của người dân khi giải tỏa, tỉnh sẽ sắp xếp vị trí nền ở tạm thời cho người dân tại Khu tái định KCN Giao Long, Khu tái định cư khu vực sạt lở xã Long Hòa, vì hiện các nơi đây còn gần 200 nền. Về vốn đầu tư, tỉnh dự kiến có nhiều nguồn để đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư thứ cấp.

Đổi mới phương tiện xe buýt trên địa bàn tỉnh

Đại biểu Lê Văn Trung đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: Hữu Hiệp

Đại biểu Lê Văn Trung đặt vấn đề, thời gian gần đây hàng trăm hộ dân hành nghề kinh doanh dịch vụ vận tải công cộng rất bức xúc trước chủ trương về lộ trình chuyển đổi phương tiện xe buýt của UBND tỉnh. Cử tri gửi đơn kêu cứu rất nhiều nơi rất đáng quan tâm là một số báo chí và phương tiện truyền thông đã phản ánh, phân tích, bình luận việc này với nhiều vấn đề: trong khi xe hiện thời còn niên hạn sử dụng, thậm chí có những phương tiện niên hạn sử dụng còn đến hơn 10 năm nhưng phải bắt buộc chuyển đổi. Các văn bản pháp quy của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Giao thông vận tải không có điều, khoản, mục nào bắt buộc các nhà đầu tư hay chỗ phương tiện phải đột ngột buông bỏ những xe còn đủ điều kiện lưu hành để mua xe mới, tại sao phải mua xe buýt mới của hãng Samco theo chỉ định của Sở Giao thông vận tải.

Với nhiệm vụ là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Hoàng giải thích: Trên cơ sở chủ trương quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, qua khảo sát và trực tiếp kiểm tra 109 xe buýt đang hoạt động trên 6 tuyến xe buýt. Mặc dù phương tiện đủ điều kiện hoạt động nhưng do tần suất hoạt động cao liên tục, công tác bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài dẫn đến chất lượng phương tiện xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách nên thực hiện nâng cao chất lượng vận tải bằng xe buýt là thật sự cần thiết.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Hoàng trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Hữu Hiệp

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản trả lời các cơ quan truyền thông báo chí và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nêu rõ việc nâng chất xe buýt.

 Quá trình tổ chức thực hiện theo đúng quy định và đều có lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Các đơn vị khai thác tuyến xe buýt có lộ trình phù hợp và được sự đồng thuận trước khi thực hiện. Từ khi triển khai đến khi thực hiện 3 năm 4 tháng đối với tuyến xe buýt có số lượng hành khách đông, tần suất hoạt động cao như tuyến xe buýt số 2, 4 và các tuyến 1, 5, 7, 8 là 4 năm.

Theo báo cáo của các hợp tác xã, các thành viên hợp tác xã tự tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng dịch vụ để tiếp tục hoạt động. Hiện tại, các thành viên đã đăng ký mua 53/55 xe, đạt 96,4%, đưa vào hoạt động trước ngày 31-12-2019 đủ đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân trên tuyến xe buýt số 2 và 4.

Riêng việc đầu tư lựa chọn nhãn hiệu phương tiện, ông Hoàng khẳng định: do tự các thành viên hợp tác xã có nhu cầu tham gia khai thác các tuyến xe buýt thực hiện. Sở Giao thông vận tải không tham gia chỉ đạo hay chỉ định gợi ý đối với các xe buýt hiện đang hoạt động trên tuyến còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ. Sở Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản chỉ đạo các hợp tác xã nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi cải tạo nâng cấp phương tiện và đề xuất chuyển đổi sang loại hình hoạt động kinh doanh vận tải phù hợp, xây dựng phương án kinh doanh phù hợp hiệu quả đảm bảo lợi nhuận cho các thành viên tham gia khai thác tuyến.

“Mong rằng, Sở Giao thông vận tải kết hợp chặt chẽ với các đơn vị vận tải giao thông thủy bộ để thông tin rộng rãi với những chủ xe buýt còn niên hạn để họ được triển khai cụ thể, phù hợp thực tế và đảm bảo lợi ích chính đáng”, đại biểu Lê Văn Trung nêu.

Định giá tài sản

Đại biểu Nguyễn Minh Triều đặt câu hỏi tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14. Ảnh: Thanh Đồng

Đại biểu Nguyễn Minh Triều, chất vấn:Qua công tác giám sát của Ban pháp chể, HĐND và báo cáo của Công an tỉnh trong thời gian vừa qua còn nhiều vụ việc Hội đồng định giá một số huyện từ chối định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan điều tra công an huyện. Cụ thể các hành vi xâm hại sở hữu như: Tài sản bị trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không thu hồi được nhưng có hồ sơ, giấy tờ, thông tin thu thập chứng minh làm căn cứ định giá theo quy định của pháp luật, vấn đề này ảnh hưởng khá lớn đến quả trình xác minh, điều tra, xử lý vụ việc cũng như giải quyết tin báo, tố giác tội phạm (kể cả hành chính và hình sự) đặc biệt là lòng tin của nhân dân.

Giám đốc Sở Tài chính Võ Văn Phú cho rằng: Hiện nay, việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 30 của Chính phủ ngày 7-3-2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự và Thông tư số 43 của Bộ Tài chính ngày 7-5-2018 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 7-3-2018.

Theo các quy định nêu trên, thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá tài sản cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập. Hội đồng định giá cấp huyện hoạt động theo cơ chế tập thể, thực hiện định giá theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định và có quyền từ chối thực hiện định giá tài sản trong trường hợp: Thời gian không đủ để tiến hành định giá; không đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành định giá; các tài liệu cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để định giá; nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiêu biết chuyên môn của mình. Hội đồng định giá cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về hoạt động của Hội đồng.

Thời gian qua, Sở Tài chính không nắm được thông tin Hội đồng định giá một số huyện từ chối định giá tài sản, lý do từ chối định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan điều tra công an huyện.

Sở Tài chính sẽ phối hợp với UBND các huyện yêu cầu Hội đồng định giá tài sản cấp huyện báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng trong thời gian qua, đặc biệt làm rõ lý do từ chối định giá tài sản theo yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng để có sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.

 Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, hướng tới Sở sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính sớm ban hành Nghị định, Thông tư sửa đổi bổ sung Nghị định số 30 của Chính phủ và Thông tư số 43 của Bộ Tài chính. Đề nghị UBND các huyện quan tâm, chỉ đạo Hội đồng định giá các huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện định giá, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị trao đổi kịp thời với cơ quan yêu cầu định giá và Sở Tài chính để thống nhất thực hiện. Đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thu thập đầy đủ, chi tiết thông tin về tài sản của vụ án và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc định giá của Hội đồng định giá tài sản. Sở Tài chính sẽ trình UBND tỉnh chủ trương tố chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về định giá tài sản cho những người làm công tác định giá. Đào tạo, bổ sung giám định viên về vàng bạc, đá quý do trong thời gian qua một số vụ án có liên quan đến vàng bạc việc định giá kéo dài thời gian do phải thuê các giám định viên ngoài tỉnh hoặc không thực hiện định giá do không đủ chi phí thuê giám định.

Chỉ tiêu tạo việc làm mới

Đại biểu Nguyễn Văn Huỳnh chất vấn, chỉ tiêu về tạo việc làm mới trong năm 2020 không được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng theo đà phát triển của tỉnh từng năm mà lại thấp hơn so với thực tế làm được và thấp hơn so với nhiệm kỳ trước.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Bé Mười trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Đồng

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bé Mười - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc đề xuất số liệu tạo việc làm mới dựa trên kết quả điều tra thông tin thị trường lao động (cung - cầu lao động hàng năm). Đây là cơ sở dữ liệu nguồn lao động để đưa vào kế hoạch giải quyết việc làm khu vực chính thức. Việc chênh lệch số lao động dự nguồn là phụ thuộc vào thị trường lao động bên ngoài. Một số lao động chuyển sang khu vực lao động phi chính thức và từ khu vực phi chính thức (không tham gia hoạt động kinh tế) chuyển sang có việc làm mới để có thu nhập và số lao động này thường hay biến động, không ổn định nên không thể đưa và dự báo chính thức để đề xuất cụ thể.

Đối với chỉ tiêu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng không được đề xuất tăng lên, mà giữ nguyên 1.200 lao động/năm. Bà Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, những năm qua việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thực hiện theo chiều rộng và theo nhu cầu của người lao động, giải quyết nhu cầu thoát nghèo tăng thu nhập. Phần lớn, người lao động chọn những ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông, lao động giản đơn nên khi về nước chưa phát triển được ngành nghề đã làm việc ở nước ngoài.

Hiện nay, xu hướng người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang chuyển dịch sang những thị trường chất lượng, hiệu quả. Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó chú trọng lựa chọn các doanh nghiệp ở nước ngoài có uy tín, chi phí và thời gian đào tạo hợp lý, có trách nhiệm trong xử lý rủi ro để phối hợp tổ chức đào tạo cho người lao động, góp phần giảm bớt chi phí cho người lao động.

Cùng với đó, tỉnh có chủ trương “đi học nghề về làm chủ, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bắt đầu khởi nghiệp” nên tập trung tư vấn cho các nhóm lao động trở về nước để phát huy năng lực, kỹ năng lao động để khởi nghiệp. Vì vậy, chỉ tiêu đưa 1.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2020 là phù hợp, để tập trung thực hiện, đảm bảo đạt chất lượng và hiệu quả.

Quản lý quy hoạch đất đai

 Đại biểu Phạm Thanh Hùng chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về giải pháp khắc phục tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép. Thực trạng hiện nay, người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép xảy ra khá nhiều, chủ yếu là tự chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất ở để xây dựng nhà ở làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Chinh trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Đồng

Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do nhận thức, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất của một bộ phận người dân chưa cao, công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ.

Để khắc phục, ngành đề ra các giải pháp: tập trung chấn chỉnh công tác chuyển mục đích sử dụng đất, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức địa chính, xây dựng và đô thị, chủ tịch UBND cấp xã nếu để xảy ra tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà trái phép trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm và buộc khôi phục hiện trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP (từ ngày 5-1-2020 sẽ thực hiện theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm...); rà soát, kiểm tra để xử lý kịp thời, ngăn chặn hành vi vi phạm. Đồng thời, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách mới để người dân hiểu và thực hiện đúng pháp luật.

Đối với tình trạng phân lô bán nền theo chất vấn của đại biểu, ông Nguyễn Văn Chinh cho biết thêm, tình trạng này diễn ra trong giai đoạn 2014 - 2017 là giai đoạn Luật Đất đai chưa quy định diện tích tối thiểu đất nông nghiệp, kiểm soát chưa chặt chẽ. Hiện tại, tình trạng phân lô bán nền được ngành chức năng kiểm soát và thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Hôn nhân, gia đình

Đại biểu Nguyễn Minh Triều chất vấn về thực trạng án hôn nhân gia đình trên địa bàn tỉnh liên tục tăng và chiếm tỷ lệ rất cao trên 50% trong tổng số án dân sự thụ lý tại tòa án hai cấp. Điều này báo động tình trạng bất ổn trong xây dựng gia đình bền vững, tác động lớn đến chất lượng cuộc sống gia đình và gây ra hệ lụy cho xã hội.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức trả lời chất vấn. Ảnh: Thanh Đồng

Trả lời vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức cho biết, qua phân tích sơ bộ về tình trạng ly hôn cho thấy, độ tuổi bình quân trong ly hôn ở tỉnh phổ biến từ 20 - 40 tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa (dưới 30 tuổi). Trên 2/3 số vụ ly hôn do người phụ nữ đề nghị và ly hôn sau những năm đầu chung sống 1 - 5 năm khoảng 60% án ly hôn.

Nguyên nhân chủ yếu do: vấn đề tình cảm giữa các cặp vợ chồng, tình trạng không thủy chung, thiếu tôn trọng, tin tưởng nhau và có xu hướng tìm hạnh phúc khác; mâu thuẫn trong lối sống. Các đôi vợ chồng trẻ chưa trang bị đủ tâm lý cho đời sống gia đình, chưa đủ kiến thức để xử lý mâu thuẫn phát sinh. Điều kiện kinh tế không đảm bảo, xem trọng vật chất nên phát sinh mâu thuẫn. Sự xem nhẹ các giá trị truyền thống, thiếu sự vun đắp cho hạnh phúc gia đình...

Để hạn chế tình trạng này, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế, chăm lo hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình chuẩn mực, xây dựng con người phát triển toàn diện. Vấn đề cốt lõi là ở nhận thức và thái độ của thanh niên trong kết hôn và ly hôn nên các ngành chức năng cũng như các đoàn thể cần chú trọng xây dựng đạo đức, lối sống và trang bị kỹ năng, kiến thức cho thanh niên về hôn nhân và gia đình.

C.Trúc - P. Tuyết -T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN