Kỳ công sản xuất kiểng thú

03/02/2013 - 13:44
Anh Xuyên chăm sóc kiểng lân trước khi giao cho Khu du lịch Cồn Phụng.

Dọc Quốc lộ 57, đoạn thuộc xã Hưng Khánh Trung A (Mỏ Cày Bắc) và Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách) có khoảng 10 cơ sở sản xuất kiểng thú. Trong đó, cơ sở sản xuất kiểng thú Bửu Xuyên (Hưng Khánh Trung B) mỗi năm sản xuất hơn 15 ngàn sản phẩm kiểng các loại từ cây si.

Tất cả sản phẩm: kiểng thú, nhà mát, bình, tách trà, quả địa cầu, chữ, hình khối… được anh Xuyên (chủ cơ sở kiểng thú Bửu Xuyên) làm toàn bằng cây si. Từ năm 2008 đến nay, số lượng đơn đặt hàng tại cơ sở sản xuất kiểng thú Bửu Xuyên ngày càng tăng. Mỗi năm, cơ sở xuất vào thị trường hơn 15 ngàn sản phẩm, nhiều nhất là kiểng thú và nhà mát. “Kiểng thú và nhà mát được tiêu thụ nhiều nhất ở Hà Nội và Huế. Tôi phải đến tận nơi để lắp ráp nhà mát và hướng dẫn cho khách hàng chăm sóc” - anh Xuyên cho biết.

Để có đủ nguồn nguyên liệu, anh Xuyên phải trồng 2ha cây si tại Chợ Lách, 5ha cây si tại xã Long Hòa (Châu Thành - Trà Vinh) và mỗi năm mua thêm gần 6 ngàn nhánh si tại Cai Lậy (Tiền Giang). “Cây si phải trồng hai năm mới uốn kiểng được, vì lúc đó nó cao 4,5m. Chiết nhánh bằng cách bầu một tháng cho cây si ra rễ, sau đó tách ra khỏi thân mẹ cho vào bịch chăm sóc, sau 7 ngày mới uốn kiểng” - anh Xuyên chia sẻ kinh nghiệm. Để trồng được cây si đúng theo ý muốn, anh Xuyên cho biết thêm, nên trồng bằng hạt. Đất gieo hạt si phải nhỏ mịn, thoát nước tốt, có nhiều mùn. Gieo hạt cách nhau 5cm x 5cm, khi cây ra 4 - 5 lá thì bứng khỏi luống để trồng sang luống khác, cây cách cây 20cm x 20cm. Sau hai năm thì chiết nhánh để sản xuất kiểng thú, nhà mát… Còn lại phần gốc cây si sau nhiều năm chiết cành cho ra bộ rễ khá đẹp, ta bứng cả gốc lẫn rễ để làm kiểng bonsai. Kiểng bonsai này có giá bán khá cao.

Để sản xuất được kiểng thú, anh Xuyên nhờ người bác ruột là nghệ nhân Năm Công truyền nghề và học hỏi thêm ở internet. Theo anh Xuyên, cái khó nhất trong việc sản xuất kiểng thú là tạo khung, sườn con vật. Cái khó tiếp theo là con vật ấy phải có hồn sau khi tác phẩm hoàn thành. Mới đây, anh đã giao bộ kiểng tứ linh (long, lân, qui, phụng) cho Khu du lịch Cồn Phụng (xã Tân Thạch - Châu Thành) với giá 20 triệu đồng. Bộ kiểng tứ linh này anh Xuyên phải làm trong 12 tháng rưỡi, tốn hết 100kg sắt, kẽm, gần 700 nhánh si. Con rồng dài 5m, thân có đường kính 45cm; lân dài 3,5m, chỗ đường kính nhỏ nhất 70cm; qui dài 3m, trên thân chỗ rộng nhất 150cm; phụng cao 2m, sải cánh gần 3m. Được biết, năm 2011, anh Xuyên bán cặp rồng dài 80m cho Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai) với giá 65 triệu đồng.

Nhà mát làm bằng cây si hình lục giác thường có diện tích 7 - 8m2. Nhà mát hình chữ nhật có khi lên đến 30m2 (do có chiều dài). Nhà mát hình lục giác khoảng 4,5 triệu đồng/nhà. Nhà mát hình chữ nhật cứ 1m chiều dài là 1,5 triệu đồng. Còn con rồng cứ 1m chiều dài là 600 ngàn đồng. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở kiểng thú Bửu Xuyên đã có mặt ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Cơ sở sản xuất kiểng thú Bửu Xuyên đã đào tạo được 20 nghệ nhân sản xuất kiểng thú. Những năm gần đây, cơ sở thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN