Kế hoạch quy định rõ về thẩm quyền huy động, trình tự huy động lực lượng, phương tiện và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công ty cổ phần Cấp thoát nước, Công ty Điện lực và các chi nhánh điện lực, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện, xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
Theo đó, khi xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý, người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện của các lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại địa phương hoặc đề nghị người có thẩm quyền huy động các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý phương tiện và tài sản đó biết.
Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm điều động lực lượng, phương tiện, tài sản được huy động (xe chở nước, xe cẩu, xe xúc, xe ủi, xe nâng, xe phá dỡ công trình…) kịp thời đến nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn để tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo yêu cầu của người có thẩm quyền.
Kết thúc hoạt động xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn, người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu người có thẩm quyền huy động ban hành quyết định huy động bằng văn bản, đề xuất hoàn thiện các thủ tục và tổ chức hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại về tài sản do việc trưng dụng, huy động để chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
Thanh Đồng