Kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú tiếp tục phục hồi tích cực
14/10/2024 - 06:46
BDK - Năm 2024 là năm huyện Thạnh Phú tăng tốc, bứt phá trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện giai đoạn 2021 - 2025. Với sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn của chính quyền các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của huyện 9 tháng năm 2024 tiếp tục phục hồi tích cực.
Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình biểu dương các cá nhân thi đua xây dựng xã Thới Thạnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: M. Mừng
Những kết quả nổi bật
Sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định ở mức khá. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản 9 tháng năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010), ước 2.750 tỷ đồng, đạt 62,9% kế hoạch, tăng trên 4% so với cùng kỳ. Nổi bật, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, với tổng diện tích nuôi thủy sản ước hơn 17.700ha; trong đó, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) ước đạt 1.333/1.500ha, đạt 88,86% so với nghị quyết nhiệm kỳ. Để tạo liên kết và làm nòng cốt trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển 1.500ha tôm CNC, huyện Thạnh Phú đang chuẩn bị các bước thành lập hợp tác xã nuôi tôm CNC trên địa bàn huyện.
Huyện có 8.255ha đất trồng dừa. Sản lượng thu hoạch ước trên 62,8 triệu trái, tăng 20,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, huyện còn có vùng sản xuất ổn định như: vùng trồng lúa theo mô hình canh tác lúa - tôm, vùng trồng màu, cây ăn trái tập trung chủ yếu ở các xã tiểu vùng 2 và 3 của huyện.
Tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện 17,2/22,5%, đạt 76,4% so với chỉ tiêu nghị quyết. Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thạnh Phú giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã trình Sở Xây dựng thẩm định phê duyệt.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được quan tâm triển khai thực hiện. Toàn huyện có 38 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 35 sản phẩm đạt 3 sao. Dự kiến đến cuối năm 2024, huyện sẽ phát triển thêm 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Năng lượng điện gió tiếp tục được quan tâm chú trọng từ khâu quy hoạch đến khâu triển khai thực hiện để hướng đến mục tiêu đưa Thạnh Phú trở thành “Trung tâm năng lượng sạch của tỉnh vào năm 2030”. Hiện toàn huyện có 9 nhà máy điện gió được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, với tổng công suất khoảng 725MW. Đến nay, Nhà máy điện gió số 5 - Tân Hoàn Cầu đã hoàn thành giai đoạn 2, với công suất 80MW, đang chờ hòa lưới. Dự án Nhà máy điện gió Thanh Phong đã hoàn thành và hòa lưới, với công suất 29,7MW. Dự án Điện gió Nexif Energy Bến Tre đã lựa chọn và ký kết hợp đồng với tổng thầu EPC để thực hiện thiết kế, mua sắm và xây dựng dự án. Hiện huyện đang phối hợp với tỉnh lập Quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Khu công nghiệp An Nhơn và xúc tiến các thủ tục đầu tư đối với Cụm công nghiệp C2.
Các hoạt động an sinh xã hội được đảm bảo. Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm, kịp thời tạo điều kiện cho các hộ yếu thế vươn lên trong cuộc sống.
Nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2024
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Mai Văn Hùng, dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong 3 tháng cuối năm 2024 còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa bão diễn biến phức tạp, giá cả nông, thủy sản không ổn định. Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, UBND huyện tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, bổ sung từng ngành, lĩnh vực trong 3 tháng cuối năm 2024.
Huyện tập trung triển khai công tác thủy lợi nhằm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng và chủ động phòng tránh, giảm nhẹ tác hại của thiên tai. Triển khai các giải pháp hữu hiệu để phòng trị và ngăn chặn sâu đầu đen gây hại trên cây dừa. Khuyến cáo kịp thời cho nhân dân phòng chống các dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả việc thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn huyện năm 2024. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép Chương trình OCOP với việc hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ trình công nhận.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi tín dụng về hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã. Tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là các hộ đăng ký thoát nghèo bền vững được tiếp cận nguồn vốn vay và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, huyện tích cực huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các nguồn trong dân cư và doanh nghiệp. Phấn đấu tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt chỉ tiêu nghị quyết. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm. Khẩn trương triển khai và hoàn thành các thủ tục pháp lý có liên quan đối với các dự án khởi công mới trong năm và các công trình xã NTM. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển. Củng cố, phát triển mạnh mẽ các loại hình kinh tế hợp tác, đa dạng các hình thức góp vốn và tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai quyết liệt và có nhiều tiến bộ rõ nét. Trong 9 tháng năm 2024, có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (An Thuận, Bình Thạnh, Mỹ Hưng, An Qui, An Thạnh và Thạnh Hải), 2 xã NTM kiểu mẫu (Đại Điền, Thới Thạnh), 1 xã NTM nâng cao (Tân Phong), nâng tổng số toàn huyện có 15 xã NTM, 5 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Huyện đang tập trung chỉ đạo xã Mỹ An đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tiêu chí NTM, các xã Phú Khánh và Thạnh Phong xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao; phấn đấu đạt chuẩn trong quý IV-2024. Đến nay, huyện tự đánh giá đạt 5/9 tiêu chí (26/36 chỉ tiêu thành phần) và 1/3 điều kiện theo tiêu chí huyện NTM thuộc Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025.