Kinh tế tuần hoàn - xu hướng phát triển kinh tế bền vững trong thế kỷ XXI

20/09/2023 - 07:14

BDK - Kinh tế tuyến tính là mô hình kinh tế một chiều, trong đó, vòng đời cơ bản của một hàng hóa gồm 3 giai đoạn, đó là nguyên liệu - sản xuất - thải bỏ. Ở giai đoạn 1, các nguyên liệu thô cần thiết được khai thác thu thập. Sang giai đoạn 2, nguyên liệu thô được chế biến thành sản phẩm. Cuối cùng, ở giai đoạn 3, sau quá trình sử dụng, sản phẩm sẽ bị coi là phế thải và vứt bỏ ra môi trường. Đẩy mạnh kinh tế tuyến tính chính là đẩy mạnh quá trình khai thác tài nguyên và tạo ra chất thải, tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn (KTTH) hướng tới việc kết nối điểm cuối của quy trình trở lại với điểm đầu, trở thành một vòng tuần hoàn của vật chất.

Ảnh: vneconomy.vn

Xu thế tất yếu

KTTH đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt, do đó, việc phát triển KTTH trở nên cấp thiết bởi vấn đề ô nhiễm môi trường, sự nóng lên toàn cầu đang đe dọa hành tinh Trái đất.

Phát triển KTTH đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế, trong đó có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái, nên việc áp dụng mô hình KTTH tại Việt Nam là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Đại hội XIII của Đảng đã đặt nhiệm vụ trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng nhấn mạnh: Khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu tư của quá trình sản xuất.

Để thực hiện chủ trương trên, ngày 7-6-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam với mục tiêu chung là tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế...

Tỉnh tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn

Bến Tre đã có một số mô hình thể hiện cách tiếp cận của KTTH ở một số lĩnh vực. Trong nông nghiệp phổ biến như mô hình VAC (Vườn - Ao - Chuồng) đã được áp dụng rộng rãi ở nông thôn; mô hình tận dụng phụ phẩm, phế phẩm từ mụn - xơ - mảnh dừa được khai thác từ vỏ trái dừa để làm giá thể; từ xác bã thực vật, vỏ trái cây, phân chuồng trong chăn nuôi, tro trấu, vỏ trấu… để sản xuất ra các sản phẩm đất sạch, phân hữu cơ, phân vi sinh; sử dụng lại các phụ phẩm như hạt trái cây tạo ra nguồn cung cấp gốc ghép và cành nhánh để làm mắc ghép sản xuất cây giống và hoa kiểng. Đây là những mô hình KTTH khép kín hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, vừa tận dụng, khai thác triệt để chất thải, phụ phẩm trong sản xuất, đảm bảo kinh tế, vừa giải quyết vấn đề môi trường trong nông nghiệp.

Trong công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, KTTH được ứng dụng trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào phát triển năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh có 9 dự án điện gió đã triển khai lắp đặt hoàn thành các tua-bin với công suất khoảng 365,9MW.

Mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất nâng cao chuỗi giá trị dừa được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp: với công nghệ hiện đại và phương thức tách chiết dầu dừa đã được sử dụng cho các ngành liên quan khác như mỹ phẩm, y học. Cùng với sự phát triển của các dây chuyền chế biến sử dụng cơm dừa làm nguyên liệu, nước dừa được thu hồi để trở thành nguyên liệu chính cho các cơ sở sản xuất thạch dừa, nước màu dừa. Cơm dừa nâu tưởng bỏ đi, đã tạo ra sản phẩm dầu dừa thô, là nguyên liệu chính trong sản xuất dầu dừa tinh luyện cho ra sản phẩm mang giá trị kinh tế cao. Gáo dừa, chỉ xơ dừa được ứng dụng làm hàng thủ công mỹ nghệ…

Trong tiêu dùng, nhiều mô hình tiêu dùng xanh ra đời theo hướng sử dụng sản phẩm có khả năng tái tạo, tiết kiệm năng lượng như dùng ống hút dừa, không sử dụng túi nylon, thiết kế nhà xanh…

Ngày 10-6-2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh về triển khai dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam. Hydro được nghiên cứu, sử dụng là một nguồn năng lượng được đánh giá là nhiên liệu lý tưởng thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng trong tương lai gần, là chìa khóa cho chiến lược chuyển đổi năng lượng của thế giới theo xu hướng bền vững và thân thiện với môi trường, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch cũng như cắt giảm tác động của khí thải các-bon.

Minh Kha

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN