Kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững

30/12/2022 - 05:35

BDK - Kinh tế tuần hoàn (KTTH) hiện nay được xem là “chìa khóa”, giải pháp tiềm năng để sử dụng tốt hơn các nguồn lực, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường theo hướng “thuận thiên”, hướng tới một mô hình kinh tế bền vững, một nền kinh tế xanh và phúc lợi cho xã hội. Đây là chủ trương của Nhà nước, hướng đến phát triển bền vững. Tại tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước đầu đã xuất hiện nhiều mô hình KTTH.

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đang xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến sử dụng các sản phẩm dừa, tạo chuỗi giá trị tăng thêm từ dừa.

Mô hình kinh tế tuần hoàn

 Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTH hướng đến phát triển bền vững đã được khẳng định tại Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam); chú trọng chuyển đổi sang nền KTTH với nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới về chính sách. Nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội đối với KTTH ngày càng gia tăng, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng đã có những chuyển biến sang sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm lãng phí tài nguyên.

Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KTTH, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, giải pháp phát triển KTTH ĐBSCL là tiếp tục phát triển các công nghệ chế biến, tạo các sản phẩm cấp cao hơn như thực phẩm, mỹ phẩm. Hỗ trợ phát triển các DN khởi nghiệp các sản phẩm mới gắn với mô hình KTTH. Nâng cao năng lực, phát huy vai trò các hợp tác xã kết nối nông dân để thu hút sự quan tâm, đầu tư của các DN lớn. Thúc đẩy phát triển vai trò công nghệ 4.0 trong việc giám sát tài nguyên môi trường, truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu chi phí sản xuất, vận chuyển…

Nhận thức được yêu cầu phát triển bền vững, Bến Tre đã sớm triển khai nhiều giải pháp, trong đó phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản xuất công nghiệp ít phát thải gắn với bảo vệ môi trường hướng đến xây dựng Bến Tre xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW (ngày 11-2-2020) của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy KTTH và phát triển bền vững; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng xác định tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung, chú trọng sản xuất sạch, nông nghiệp ứng dụng mô hình KTTH.

Ngày 23-9-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6033/KH-UBND thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg nhằm quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nội dung với mục tiêu tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, DN và người dân về phát triển KTTH. Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế, các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, thực hiện tốt hệ thống tiêu chí về KTTH.

Kinh tế tuần hoàn ngành dừa

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết: Những năm gần đây, tỉnh có nhiều DN ngành dừa đã và đang thực hiện một số mô hình KTTH. Trong một số lĩnh vực khác cũng có sự hiện diện của mô hình KTTH như lĩnh vực xây dựng, du lịch... Hiện tỉnh đang xây dựng kế hoạch phát triển KTTH nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên nền tảng đổi mới, sáng tạo.

Sản xuất nước uống từ dừa xuất khẩu tại Công ty cổ phần đầu tư dừa Bến Tre BEINCO- sản phẩm mới giúp gia tăng giá trị sản phẩm dừa.

Có thể kể đến các DN ngành dừa đang xây dựng mô hình KTTH như: Công ty TNHH Vĩnh Tiến sử dụng xác cơm dừa tạo ra sản phẩm bánh hoa dừa cho giá trị cao để xuất khẩu; Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long đã sáng chế ra khoảng 22 sản phẩm mới, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: mặt nạ dừa, giấy dừa, ống hút dừa, đã thu hút sự quan tâm của các nước châu Âu và Mỹ.

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã thay đổi công nghệ sản xuất cũ bằng giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tận dụng khai thác tối đa nguồn nguyên liệu đầu vào, sử dụng phụ phẩm của mặt hàng sữa dừa để làm ra sản phẩm khác là nước dừa giải khát đã giúp DN từ một đơn vị có quy mô nhỏ đã đạt mục tiêu vươn tới DN “ngàn tỷ đồng”, trở thành một trong những DN dẫn đầu ngành dừa tỉnh.

Ngoài ra, trong lĩnh vực khởi nghiệp, Công ty TNHH đất sạch Phú Hưng Thịnh, TP. Bến Tre, đã nghiên cứu thành công biến phế thải mụn dừa, các loại phân heo, bò, gà… trở thành đất sạch, có giá trị dinh dưỡng cao cho cây trồng.

Trong một số lĩnh vực khác cũng có sự hiện diện của mô hình KTTH, chẳng hạn lĩnh vực xây dựng với hơn 100 sản phẩm đồ gỗ bằng dừa được chế biến từ thân cây dừa để làm vật liệu xây dựng. Lĩnh vực du lịch nhờ có các thiết bị tiên tiến đã giúp cho các nghệ nhân chế tác và sản xuất hàng loạt sản phẩm gia dụng bằng gỗ dừa và gáo dừa thay thế đồ dùng bằng vật liệu nhựa, túi nylon trong du lịch, nhất là các sản phẩm đồ dùng trong nhà...

KTTH gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình, đòi hỏi phải có chuyên gia giỏi, giải quyết được từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng là tái sử dụng, tái chế chất thải, nhưng phần lớn các DN của tỉnh và ở ĐBSCL là các DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. KTTH đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, trong khi đó ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân chưa được hình thành…

Để góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, với quan điểm từng bước chuyển từ kinh tế truyền thống sang KTTH, nhằm để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương ABCD Mekong và của vùng ĐBSCL, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho rằng: “Chúng ta cần phải đi cùng nhau, hợp tác để tận dụng thế mạnh của nhau, cùng phối hợp triển khai các mô hình KTTH điển hình, thành công, tiêu biểu; cùng giải một bài toán chung không chỉ cho Bến Tre mà còn cả vùng ĐBSCL”.

“Lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chương trình, kế hoạch tại địa phương, quốc gia nhằm thu hút và phát huy các nguồn lực khác nhau như chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi nông nghiệp, tiêu dùng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế hỗ trợ kinh tế tuần hoàn như kinh tế chia sẻ, kinh tế số nhằm giảm thiểu, tối ưu các chi phí. Vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, sự liên kết các nhà là hết sức quan trọng”.

(PGS, TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN