BDK - Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) thân thiện với môi trường là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với các nhiệm vụ và giải pháp trọng yếu. Những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của tỉnh để triển khai thực hiện đồng bộ, đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Đóng gói trái cây tại nhà máy Công ty Vina T&T, huyện Châu Thành. Ảnh: Phương Thảo
Phát triển kinh tế tuần hoàn
KTTH là mô hình kinh tế mà các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ đều hướng đến giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Thời gian qua, công tác triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTTH đã được tỉnh nghiên cứu, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển trên từng ngành, lĩnh vực.
Cụ thể, tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, trong đó chú trọng các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trên lĩnh vực năng lượng, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư, hỗ trợ để phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Đến nay có 6 dự án năng lượng sạch đi vào hoạt động toàn bộ, 2 dự án đi vào hoạt động một phần, 12 dự án chưa triển khai thi công. Lũy kế tổng công suất đóng điện hòa lưới là 250,75MW.
Đặc biệt, nền nông nghiệp của tỉnh đang được phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, áp dụng các mô hình tuần hoàn trong chăn nuôi, trồng trọt, phát triển hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp đang dần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường liên kết ngang - liên kết dọc, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn GAP, ASC, MSC, hữu cơ, cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như dừa, bưởi, tôm, lúa, nghêu, cây ăn trái.
Đến nay, tỉnh đã phát triển được 3.509/4.000ha nuôi tôm công nghệ cao; phát triển 62 vùng trồng cây ăn trái với 152 mã số, diện tích 1.955ha; 133 vùng trồng dừa và phát triển 20.401ha dừa hữu cơ; chuyển đổi sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ (PGS) 10ha; ứng dụng nguyên tắc sản xuất nông nghiệp tuần hoàn vào xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị dừa với quy mô 10ha và đã chuyển giao mô hình tiến bộ kỹ thuật vào canh tác dừa theo hướng tuần hoàn; hoàn thành chứng nhận MSC đối với con nghêu đạt 4.200ha.
Công tác quản lý về môi trường được quan tâm thực hiện, tập trung xử lý các điểm nóng về rác thải, ô nhiễm môi trường theo mô hình tuần hoàn sử dụng năng lượng từ rác thải. Bên cạnh đó, tỉnh đang thực hiện đầu tư 6 trạm quan trắc nhằm quản lý, cải thiện môi trường nước biển ven bờ nhằm giám sát, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, tác động của môi trường đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản.
Để đảm bảo phát triển theo hướng xanh, bền vững, UBND tỉnh cũng đã ban hành các bộ tiêu chí để làm cơ sở thẩm định, xét duyệt các dự án đầu tư vào tỉnh, trong đó có yếu tố về “doanh nghiệp xanh”, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Tăng cường khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; tranh thủ các cơ chế chính sách tạo thuận lợi thương mại, công nhận lẫn nhau cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ từ mô hình KTTH để thúc đẩy, khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối theo mô hình KTTH…
Hướng đến phát triển bền vững
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, việc lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTTH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên tỉnh cũng gặp không ít khó khăn về nguồn lực thực hiện, một số văn bản pháp lý để áp dụng, vận hành các mô hình KTTH và các kỹ thuật chuyên ngành khác chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Tỉnh đang hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh.
Bến Tre là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, do đó hoạt động của một số doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng chưa có nhiều nguồn lực để hỗ trợ; đặc biệt là các doanh nghiệp về du lịch, chế biến…
Từ thực tế trên, để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển KTTH trong thời gian tới, tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan quan tâm thể chế hóa KTTH thành các hướng dẫn, chương trình hành động cụ thể và hướng tới thực hiện KTTH trong phạm vi ngành, lĩnh vực cụ thể. Trong đó sớm hoàn thành nghị định hướng dẫn về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH; xây dựng, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ sở dữ liệu về KTTH, gắn liền việc thực hiện và phát triển KTTH với ứng dụng công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, xây dựng cổng thông tin điện tử về các vấn đề phát triển KTTH, kinh tế số, góp phần tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho các nghiên cứu, giải pháp triển khai đối với môi trường doanh nghiệp.
“Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục theo dõi các văn bản hướng dẫn, quy định của Trung ương về KTTH để triển khai thực hiện trong thời gian tới”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)