Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng lần đầu tiên trong 3 năm

31/07/2020 - 18:18

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 31-7-2020 cho biết nền kinh tế của Triều Tiên năm 2019 đã đạt tăng trưởng lần đầu tiên trong 3 năm qua nhờ các điều kiện thời tiết thuận lợi hơn cho mùa vụ, song các trừng phạt quốc tế vẫn đang khiến sản lượng công nghiệp yếu.


Người dân tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 1-4-2020. Nguồn: Yonhap/TTXVN

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên trong năm ngoái đã tăng 0,4% so với năm 2018, thời điểm nền kinh tế này chứng kiến mức suy thoái lớn nhất trong vòng 21 năm (4,1%) do hạn hán và các lệnh trừng phạt.

Lần gần đây nhất GDP tăng trưởng là vào năm 2016, với mức 3,9%, mức cao nhất trong vòng 17 năm.

Cụ thể, GDP năm 2019 đạt 35.600 tỷ won (29,9 tỷ USD), tương đương 1,8% của Hàn Quốc.

GDP tính theo đầu người ở Triều Tiên đạt 1.408 triệu won (1.184 USD) năm 2019, tương đương khoảng 3,8% của Hàn Quốc.

BOK thường đưa ra ước tính tăng trưởng ở Triều Tiên dựa trên các số liệu hầu hết mang tính ước lượng.

Kinh tế Triều Tiên đã không ghi nhận tăng trưởng từ đầu những năm 1960 và hiếm khi công bố bất kỳ số liệu kinh tế nào cho các cơ quan quốc tế, kể cả Liên hợp quốc.

Theo BOK, mức tăng trưởng trên nhờ xuất khẩu tăng bất chấp các trừng phạt đang hạn chế các trao đổi ngoại thương.

Xuất khẩu ước đạt 280 triệu USD trong năm 2019 (tăng 14,4%), trong khi nhập khẩu tăng 14,1%, đạt 2,97 tỷ USD. Riêng xuất khẩu các mặt hàng không bị cấm vận, như giày dép, mũ và tóc giả đã tăng 43%.

Xuất khẩu đồng hồ và linh kiện trong ngành công nghiệp phụ trợ tăng 57,9%. Nhập khẩu hàng dệt may tăng 23,6%, trong khi các mặt hàng nhựa và da tăng 21,3%. Sản lượng nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp (chiếm 1/5 nền kinh tế) tăng 1,4%.

Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp giảm 0,9%, sau khi đã giảm 12,3% trong năm 2018. Lĩnh vực khai mỏ cũng giảm 0,7%.

Trong những năm 1950, kinh tế Triều Tiên đã từng đạt tăng trưởng hằng năm ở mức 13,7%.

Từ năm 2006, Triều Tiên phải đối mặt với các trừng phạt của Liên hợp quốc liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Bên cạnh các thiết bị và vật liệu có thể được sử dụng vào mục đích xây dựng, các trừng phạt cũng cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá, vốn là một nguồn thu quan trọng của nước này.

Tuy nhiên, theo một quan chức BOK, "từ cuối năm 2017, các trừng phạt đã không được siết chặt hơn, cộng với các điều kiện thời tiết thuận lợi hơn đã giúp sản lượng nông nghiệp được cải thiện."

Mặc dù vậy, theo quan chức trên, "hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng nền kinh tế Triều Tiên đang phục hồi," vì kim ngạch thương mại trong những năm gần đây chỉ bằng một nửa mức đã đạt được trước khi các trừng phạt quốc tế được thực thi.

BOK dự báo kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên sẽ giảm đáng kể trong năm nay vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ảnh hưởng tới các đơn hàng đi Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ năm 2018 đã cam kết chuyển trọng tâm từ phát triển kho vũ khí hạt nhân sang phát triển kinh tế, trước khi tiến hành hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau 3 lần, song vẫn chưa tìm ra một đồng thuận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN