|
Doanh nghiệp tư nhân Thành Kiều đầu tư Công ty may mặc ở xã Bảo Thạnh (Ba Tri), thu hút nhiều lao động. |
Lập kế hoạch kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường, có sự tham gia của cộng đồng (SEDP) là một trong những nội dung chính của các dự án do IFAD tài trợ Việt Nam.
11 tỉnh được tài trợ, mỗi tỉnh có cách gọi khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung “lấy ý kiến từ người dân, doanh nghiệp” làm cơ sở trong lập kế hoạch SEDP ở cấp xã. Dù chỉ mới thực hiện phương pháp này được 2 năm, nhưng theo ông Phan Thành Biển - Giám đốc Dự án Cải thiện sự tham gia thị trường của người nghèo Hà Tĩnh khẳng định: “Đây thật sự là cuộc cách mạng trong định hướng và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh”.
Lập kế hoạch SEDP ở cấp xã là việc làm thường niên, song từ trước đến nay, công việc thường được giao cho cán bộ làm công tác kế hoạch. Theo cách làm mới, việc lập kế hoạch phải theo định hướng thị trường và phải được lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, đoàn thể từ ấp. Theo ông Biển, yếu tố quan trọng quyết định thành công cho Hà Tĩnh là chủ trương này được thống nhất ngay từ đầu trong cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở. “Một kế hoạch cho nhiều kế hoạch” là phương châm, nên ngay từ lúc khởi xướng, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện ở UBND 6 xã điểm, sau đó là 50 xã và tiếp theo là nhân rộng ra toàn tỉnh.
Mục tiêu mà Hà Tĩnh đưa ra trong lập kế hoạch SEDP ở cấp xã là thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân, các bộ phận chuyên môn, các tổ chức đoàn thể xã hội và của các doanh nghiệp trên địa bàn. Kế hoạch được xây dựng hướng tới thị trường nên được dựa trên thông tin thị trường, cơ hội thị trường, đồng thời đảm bảo ưu tiên mục tiêu giảm nghèo. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp và nhóm hợp tác phải tham gia một cách tự nguyện trong quá trình lập kế hoạch SEDP. Hà Tĩnh đã ứng dụng công cụ phân tích chuỗi giá trị vào quá trình lập kế hoạch một cách nhẹ nhàng đảm bảo mục tiêu đa dạng hóa nguồn lực, đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển của cộng đồng trong bối cảnh nền kinh tế thị trường; đồng thời thúc đẩy hợp tác liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Ông Phan Thành Biển cho biết: “Dù chỉ có trên 50% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm đến hoạt động này, nhưng đó là bước thành công hơn mong đợi”.
Từ bước thử nghiệm ban đầu, đến nay, Hà Tĩnh đã ban hành Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch SEDP áp dụng cho tất cả các xã, phường, thị trấn. Công tác này cũng đi vào nề nếp, quy trình hóa, tiêu chuẩn hóa theo hướng phù hợp với thực tiễn. Hà Tĩnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và 262 tổ công tác cấp xã, 2.718 tổ công tác cấp thôn với 119.732 người được nâng cao năng lực. Đây là đội ngũ quan trọng nhằm đảm bảo việc lập kế hoạch SEDP.
Nền kinh tế chuyển đổi theo hướng hội nhập thị trường, xu hướng dân chủ hóa ở cấp cơ sở đã và đang đi vào thực tiễn, sự phát triển nông nghiệp, nông thôn đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi những phương thức tiếp cận mới... là những lý do đòi hỏi phải có sự đổi mới công tác lập kế hoạch các cấp, trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cấp xã. Dù việc lập kế hoạch SEDP đang còn ở giai đoạn thử nghiệm, song thực tế đã chứng minh, đây là yêu cầu tất yếu của quy luật phát triển theo định hướng thị trường.
Các xã Dự án DBRP Bến Tre triển khai việc lập kế hoạch SEDP từ năm 2009. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những nội dung Dự án nên nhiều xã vẫn còn cho rằng kế hoạch này là của Dự án chứ không phải của chính quyền xã. Vì vậy, có nhiều xã khi trình kế hoạch ra HĐND hay báo cáo chính thức gửi về UBND huyện thì lại là một kế hoạch khác làm theo cách cũ. Từ năm 2012, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và triển khai lập kế hoạch SEDP bắt buộc tại 50 xã Dự án và tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ ở các xã còn lại. Dự kiến các xã này sẽ triển khai từ năm 2013. |