Đồng chí Huỳnh Tấn Phát qua lời kể của người thân, bài 2:

Kiến trúc sư tài năng, sáng tạo

15/02/2023 - 05:38

BDK - Nguồn thông tin từ kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, hiện là Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Kiến Trúc Việt Nam), đã giúp chúng tôi có thêm nhiều hiểu biết về KTS tài ba Huỳnh Tấn Phát, cũng như chiêm ngưỡng được vẻ đẹp trong nhân cách khiêm nhường và liêm chính của Cụ Huỳnh.

Nhà hát Hòa Bình - Quận 10, TP. Hồ Chí Minh do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tham gia thiết kế.

Thủ khoa kiến trúc

Trong bài viết “Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Nhà cách mạng, nhà văn hóa” của KTS Phạm Thanh Tùng, có đề cập chân dung đồng chí Huỳnh Tấn Phát trước khi trở thành nhà cách mạng - cụ là một trí thức, một KTS nổi tiếng từ những năm 40 của thế kỷ trước.

Năm 25 tuổi, Huỳnh Tấn Phát tốt nghiệp thủ khoa kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương - một trường nghệ thuật danh giá bậc nhất thời bấy giờ và trở thành KTS. Trở về Sài Gòn, KTS Huỳnh Tấn Phát bắt đầu tập sự hành nghề kiến trúc và sớm khẳng định tài năng của mình. Năm 1940, ông mở văn phòng thiết kế riêng tại số 68 - 70 đường Mayer (đường Võ Thị Sáu) và đoạt giải Nhất cuộc thi thiết kế kiến trúc Hội chợ Triển lãm Đông Dương ở Vườn Ông Thượng (nay là vườn hoa Tao Đàn) do Toàn quyền Đông Dương Decoux tổ chức. Trong thời gian từ năm 1938 - 1943, KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế nhiều công trình được xây dựng tại Sài Gòn, Gia Định và nhiều nơi khác ở miền Nam như: Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt…

CLB Thủy quân - nay là Văn phòng II Phủ Thủ tướng (số 7, Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tham gia thiết kế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh do các Kiến trúc sư Liên Xô thiết kế được xây dựng với góp ý quý giá của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.

Các công trình kiến trúc của ông đều thể hiện một tư duy sâu sắc về văn hóa Á Đông, về năng lực sáng tạo thể hiện qua những hình khối kiến trúc được bố cục chặt chẽ, hiện đại nhưng khoáng đạt, cởi mở và hài hòa với cảnh quan nhiệt đới phương Nam. Đó là các tác phẩm: Câu lạc bộ Thủy quân cao 5 tầng với một tầng hầm (trên đường Lê Duẩn, TP. Hồ Chí Minh hiện nay), công trình này về sau được chính quyền Sài Gòn dùng làm Dinh Thủ tướng và bây giờ là Văn phòng 2 - Văn phòng Chính phủ; các biệt thự như biệt thự số 40/40 Lò Heo (Phường 4, quận Bình Thạnh); biệt thự số 6 Nguyễn Huy Lượng (quận Bình Thạnh); biệt thự 150 Nguyễn Đình Chiểu (nay là Lãnh sự quán Nhật, Quận 3)...

Những công trình do KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế lúc bấy giờ đã gây sự chú ý đặc biệt trong giới trí thức miền Nam và cả sự ngưỡng mộ của người Pháp. Sau Hội nghị Genève, năm 1954, theo sự phân công của Đảng, ông trở lại Sài Gòn hoạt động và làm việc tại Văn phòng thiết kế của KTS Nguyễn Hữu Thiện. Năm 1955, đồ án dự thi thiết kế Nhà Văn hóa của ông, dự kiến được xây dựng trên khuôn viên Khám Lớn Sài Gòn do nhà cầm quyền tổ chức, đạt giải Nhì (không có giải Nhất). Mặc dù bị nhà cầm quyền kiểm soát gắt gao, nhưng KTS Huỳnh Tấn Phát vẫn khéo léo tạo vỏ bọc vừa hành nghề kiến trúc vừa thực hiện nhiệm vụ của tổ chức giao.

Trong kháng chiến chống Mỹ, mặc dù hoàn cảnh vô vàn khó khăn, bom đạn ác liệt và trách nhiệm lãnh đạo rất nặng nề, nhưng KTS Huỳnh Tấn Phát vẫn dành thời gian hiếm hoi để thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình trong chiến khu, trong đó nổi bật là Hội trường Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I. Công trình tuy chỉ xây cất bằng tre, gỗ, nứa, lá nhưng rộng rãi, khang trang, nằm ẩn mình kín đáo dưới vòm xanh của rừng già chiến khu, đã làm xúc động các đại biểu về dự đại hội.

Sau này, khi ông mất, bà Bùi Thị Nga - phu nhân của ông đã tập hợp được hơn 60 bản vẽ do chính ông phác thảo các công trình kiến trúc, quy hoạch, dự định sẽ xây dựng tại Lộc Ninh, thủ phủ kháng chiến của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Các phác thảo của KTS Huỳnh Tấn Phát trong chiến tranh ác liệt đã thể hiện tầm nhìn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của một nhà lãnh đạo, khả năng sáng tạo dồi dào của một KTS tài năng, một nhà văn hóa lớn.

Những đóng góp lớn

Cuộc đời KTS Huỳnh Tấn Phát gắn liền với nền kiến trúc nước nhà từ những năm 30 với tư cách là một KTS thuộc thế hệ đầu tiên được đào tạo trước Cách mạng Tháng Tám cho đến sau này khi đất nước thống nhất. Ông từng là Trưởng ban Chỉ đạo Quy hoạch Thủ đô và trực tiếp là Chủ nhiệm Đồ án quy hoạch xây dựng Hà Nội. Trong đồ án quan trọng này, KTS Huỳnh Tấn Phát đã vạch ra những nét cơ bản cho sự phát triển Thủ đô sau này. Ông cũng đã chỉ đạo và đóng góp ý kiến cho nhiều đồ án quy hoạch đô thị trong cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn… Ông cũng là người trực tiếp cầm bút phác thảo đồ án kiến trúc Nhà hát Hòa Bình (Quận 10, TP. Hồ Chí Minh) hay góp ý cho đồ án thiết kế Nhà ga hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Cung Thiếu nhi Trung ương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh…

Năm 1983, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội KTS Việt Nam lần thứ III, đại hội đầu tiên của giới KTS Việt Nam thống nhất, KTS Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch hội. Trên cương vị này, ông có điều kiện để gần gũi, quan tâm hơn đến hoạt động của giới KTS cả nước, chỉ ra đường hướng phát triển của hội sau chiến tranh, mà trước hết là phải thật sự đoàn kết, động viên KTS các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là các KTS đã làm việc dưới chế độ cũ, để họ yên tâm góp sức vào công cuộc kiến thiết. Ông rất trăn trở và quan tâm đến phát triển nhà ở cho người nghèo đô thị, nông thôn và nhà ở cho công nhân. Dù bận rộn với trọng trách của Chính phủ, của MTTQ Việt Nam, nhưng ông vẫn dành thời gian cho hoạt động của giới kiến trúc. Ông đã từng đi xuống mỏ than Mạo Khê làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo một cuộc thi tìm ra mẫu nhà ở thích hợp với điều kiện kinh tế, tiện dụng để xây dựng cho công nhân vùng mỏ.

Sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, tháng 3-1982, KTS Huỳnh Tấn Phát đã lên Lạng Sơn làm việc với Tỉnh ủy và gặp gỡ các KTS của Viện Quy hoạch để nắm bắt tình hình quy hoạch tái thiết thị xã. KTS Phạm Thanh Tùng cho biết: “Tôi đã vinh dự được tháp tùng KTS Huỳnh Tấn Phát trong chuyến thị sát đó. Ngay bên những mảng tường nhà đổ nát, chi chít lỗ đạn của thị xã biên giới đang vào mùa hoa lê, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Huỳnh Tấn Phát đã căn dặn lãnh đạo tỉnh, động viên các KTS Lạng Sơn phải khẩn trương vượt qua khó khăn, lập quy hoạch xây dựng để phục vụ công cuộc tái thiết, ổn định đời sống nhân dân các dân tộc miền núi, phục hồi kinh tế của tỉnh. Và ông đã trực tiếp cầm bút vạch những nét phác thảo lên tấm bản đồ quy hoạch (được treo tạm lên một bức tường nham nhở vết đạn) các khu vực như quảng trường, chợ, nhà ở, trường học, trụ sở Ủy ban Hành chính... Chuyến đi của ông đã để lại ấn tượng sâu đậm, trở thành kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi và các đồng nghiệp ở Lạng Sơn khi ấy. Nhiều thập niên sau, mỗi khi có dịp gặp nhau, chúng tôi vẫn bồi hồi nhớ về ông, về những lời dặn dò của ông trong những ngày gian khó đó”.

Theo lời của KTS Phạm Thanh Tùng, KTS Huỳnh Tấn Phát là người mẫn tiệp và giàu kinh nghiệm trong nghề nghiệp, nên khi làm Chủ tịch các Hội đồng tuyển chọn đồ án của KTS Việt Nam gửi tham dự các cuộc thi kiến trúc quốc tế, KTS Huỳnh Tấn Phát đã phát hiện ra nhiều tài năng trẻ của nước nhà. Để rồi, trong số đồ án gửi dự thi đó có nhiều đồ án đã đạt giải Nhất, giải Vàng, đem vinh quang về cho giới KTS Việt Nam, như: đồ án “Nhà ở làng hoa Ngọc Hà - Hà Nội”, “Không gian Alibaba”, “Tồn tại hay không tồn tại”…

Trong căn phòng truyền thống của Hội KTS Việt Nam tại số 40, Tăng Bạt Hổ - Hà Nội, bức chân dung Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát được treo ở vị trí trang trọng cùng với ảnh 3 vị lãnh đạo hội tiền nhiệm, là những người bạn học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, những đồng nghiệp thân thiết của ông lúc sinh thời, đó là KTS Hoàng Linh, KTS Hoàng Như Tiếp và KTS Trần Hữu Tiềm (đều đã mất).

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết
Từ khóa Huỳnh Tấn Phát

BÌNH LUẬN