Kiện toàn phát triển 8 chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh

07/10/2022 - 05:42

BDK - Theo đánh giá của Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh mới đây, qua hơn 5 năm xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, với những kết quả bước đầu đạt được có tác động tích cực đến kinh tế nông nghiệp - thủy sản của tỉnh.

Tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn chỉnh chuỗi giá trị con tôm. Ảnh: C. Trúc

Một số tồn tại và nguyên nhân

Nhiều mô hình liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, sản xuất theo hướng sạch có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường đã được hình thành. 3 chuỗi sản phẩm: dừa, chôm chôm và bưởi da xanh hình thành khá rõ nét. Đặc biệt, chuỗi sản phẩm dừa, khoảng 30% sản phẩm dừa của tỉnh được chế biến sâu để xuất khẩu. Dừa Bến Tre trở thành thương hiệu dừa Việt Nam (Vietcoco) được các thị trường lớn như: Trung Quốc, châu Âu, Mỹ rất quan tâm. Mô hình liên kết, sản xuất theo phương thức chuỗi giá trị, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm và mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp - thủy sản Bến Tre.

Việc tổ chức xây dựng, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế, bất cập: Tiến độ xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh chậm. Còn 5/8 sản phẩm (tôm biển, nhãn, heo, bò và hoa kiểng) chỉ đạt mức độ chuỗi cung ứng ngắn, liên kết đầu vào, đầu ra kém bền vững. Quy mô diện tích, sản lượng tham gia chuỗi các sản phẩm chủ lực còn nhỏ so với yêu cầu, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Nguyêm nhân hạn chế, bất cập là thành phần kinh tế tập thể chậm phát triển, yếu kém nhiều mặt, chưa đảm nhận tốt vai trò tổ chức lại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sản xuất sạch và liên kết tiêu thụ sản phẩm; chưa tạo dịch vụ và lợi ích tốt cho xã viên nên chưa thu hút tốt lực lượng nông dân tham gia để phát triển hợp tác xã (HTX). Các chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn nhỏ lẻ, phân tán, thực hiện lồng ghép từ nhiều nguồn chi…

Lực lượng doanh nghiệp tham gia liên kết trong nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh, hạn chế năng lực đầu tư và chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp - thủy sản, còn nhiều yếu thế trong tiếp cận, thâm nhập thị trường, đặc biệt là thị trường ngoài nước, ngành công nghiệp chế biến nông - thủy sản của tỉnh yếu kém trong khi đó việc thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất sạch.

Mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp kém bền vững do hai bên chưa gặp nhau và chưa đạt đến điểm tương đồng về lợi ích nên còn xảy ra việc nông dân và doanh nghiệp bội tín với nhau qua hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hợp đồng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp thực chất là hợp đồng kinh tế nhưng trong thực tế chưa được áp dụng chế tài.

Quy mô vùng nguyên liệu sạch quá nhỏ, việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn tương đương như: mã code vùng trồng, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý vùng trồng… ban đầu được Nhà nước đầu tư kinh phí hỗ trợ xây dựng, công nhận nhưng trong thực tế người sản xuất không hưởng lợi từ các chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương. Do vậy, nông dân không mặn mà tham gia thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất sạch. Từ đó, việc xã hội hóa xây dựng, tái công nhận các tiêu chuẩn sản xuất sạch cho vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn...

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới, đoàn khảo sát đã kiến nghị, phát triển mạnh hơn nữa chuỗi giá trị sản phẩm dừa. Củng cố mở rộng phát triển có chiều sâu và tạo thương hiệu mạnh cho các chuỗi sản phẩm tôm biển, bưởi da xanh, chôm chôm và một số sản phẩm đặc sản khác. Tiếp tục xây dựng phát triển các mô hình liên kết tiêu thụ các sản phẩm heo, bò, nhãn và cây giống - hoa kiểng lên thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh. Tạo giá trị tăng thêm cho các chuỗi sản phẩm cao hơn. Cụ thể, giá trị chuỗi dừa và tôm biển đều đạt 1 tỷ USD; chuỗi bò và cây giống - hoa kiểng đều đạt 500 triệu USD vào năm 2025.

UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối phối hợp, huy động các ngành chức năng, địa phương thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trong xây dựng phát triển chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu sạch từ các khâu: quy hoạch vùng nguyên liệu, củng cố phát triển HTX, liên hiệp HTX, huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng, quản lý sản xuất, môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ, kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tài chính tín dụng, xúc tiến thị trường...

Ngành Tư pháp nghiên cứu hướng dẫn HTX nội dung ký kết hợp đồng liên kết đầu vào và hợp đồng liên kết đầu ra cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa HTX và doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch, công bằng, công khai đúng quy định pháp luật về hợp đồng kinh tế, hợp đồng phải có chế tài áp dụng nhằm đảm bảo hiệu lực hợp đồng liên kết.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN