Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm

11/07/2018 - 06:06

BDK - Kiểm tra (KT) tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là nhiệm vụ trọng tâm của ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp.

Thông qua KT tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm sẽ giúp tổ chức đảng, đảng viên nhận rõ ưu điểm để phát huy, khuyết điểm, vi phạm để có biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Mục đích của việc KT này là giúp ngăn chặn kịp thời, không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng, vi phạm của một người trở thành vi phạm của nhiều người và của tổ chức; đồng thời, có tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm xảy ra; giúp tổ chức đảng quản lý đảng viên thấy rõ trách nhiệm của mình, rút ra bài học trong việc quản lý, giáo dục và KT, giám sát đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Qua thực hiện cho thấy, một số tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên nhận thức đúng, chấp hành tốt khi được KT; thực hiện tốt tự phê bình với thái độ thẳng thắn, trung thực, cầu thị, nhận rõ khuyết điểm, vi phạm; tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân của vi phạm, khắc phục hậu quả gây ra và phấn đấu vươn lên. Tuy nhiên vẫn còn không ít đối tượng KT khi có dấu hiệu vi phạm có biểu hiện thiếu thiện chí, thiếu hợp tác, gây khó khăn, trở ngại cho quá trình KT.

Nguyên nhân là do đối tượng KT khi có dấu hiệu vi phạm còn có nhận thức lệch lạc hoặc nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, mục đích của KT khi có dấu hiệu vi phạm, chưa phân biệt rõ dấu hiệu vi phạm với vi phạm. Một số trường hợp có tâm lý sợ KT sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thành tích, lợi ích của tập thể và cá nhân dẫn đến thiếu hợp tác, gây trở ngại cho công tác KT. Một số cấp ủy chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho UBKT các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ KT khi có dấu hiệu vi phạm.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc KT tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, cấp ủy, UBKT các cấp cần làm tốt một số việc sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp và cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của việc KT tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Thường xuyên quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác KT, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, đặc biệt là công tác KT khi có dấu hiệu vi phạm. 

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với UBKT trong việc thực hiện nhiệm vụ KT khi có dấu hiệu vi phạm. Phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ KT phụ trách địa bàn, lĩnh vực phải thường xuyên bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chủ động theo dõi, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, đề xuất tổ chức KT đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là cấp ủy viên và diện cán bộ cấp ủy cấp mình quản lý khi có dấu hiệu vi phạm.

Ba là, tăng cường công tác giám sát của cấp ủy, UBKT đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm. Tiếp tục thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa UBKT với các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình tổ chức đảng và đảng viên, nhất là thông tin về dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, nắm vững quy trình, phương pháp KT tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; trong đó, cần đổi mới phương pháp tiếp cận và phát hiện dấu hiệu vi phạm theo hướng mở rộng và thu thập thông tin từ các nguồn để xem xét sàng lọc nguồn thông tin, xây dựng kế hoạch, quyết định tiến hành KT khi có dấu hiệu vi phạm cho phù hợp.

Năm là, phương pháp làm việc của chủ thể KT phải linh hoạt, mềm dẻo; động viên, thuyết phục đối tượng KT nêu cao tính tự giác, vai trò, trách nhiệm của mình để chủ động phối hợp thực hiện những yêu cầu của chủ thể KT và kế hoạch KT. Chủ thể KT phải chủ động kiên trì giải thích, thuyết phục, động viên, cảm hóa đối tượng được KT có nhận thức đúng, xác định rõ trách nhiệm của mình, thay đổi thái độ, tâm lý, chấp hành nghiêm túc trong quá trình KT, giúp việc KT đạt kết quả tốt.

Sáu là, quá trình KT phải công tâm, khách quan, toàn diện, chính xác, coi trọng chứng cứ, không chủ quan, suy diễn, bảo đảm kết luận KT đúng người, đúng lỗi. Các trường hợp kết luận có vi phạm đến mức thi hành kỷ luật phải kiên quyết xử lý nghiêm minh, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Ngọc Phấn (UBKT Tỉnh ủy)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN