Kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch

31/05/2021 - 06:17

BDK - Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh đã xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Người dân trong tỉnh giao lưu đi lại với các địa phương này rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch cao. Trước tình hình đó, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn tối đa phòng chống dịch.

Cán bộ y tế Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu diễn tập xét nghiệm Covid-19.

Ưu tiên phòng dịch

Nhằm kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn tối đa phòng chống dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung đã chỉ đạo tại Công văn 2569/UBND-KGVX ngày 13-5-2021. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt một số công việc sau: tạm dừng thêm các loại hình hoạt động tại các Trung tâm Ngoại ngữ, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; dừng dạy thêm, học thêm từ 0 giờ ngày 31-5-2021 cho đến khi có chỉ đạo mới.

Không tập trung trên 40 người đối với sự kiện, tiệc (cưới, hỏi, liên hoan…), đám tang. Không tập trung trên 20 người đối với các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời. Việc tổ chức đại hội, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ, giao lưu, đối thoại... chỉ tổ chức khi thật sự cần thiết, hạn chế tối đa số lượng khách mời và giữ khoảng cách giữa người với người là 2m.

Đối với nhà hàng trong khách sạn: Phải bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa các bàn từ 2m trở lên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.

UBND tỉnh giao cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm soát địa bàn, kiểm tra trực tiếp đối với loại hình kinh doanh dịch vụ đang tạm ngừng, thực hiện hình thức phạt nguội trên cơ sở hình ảnh thu thập được qua hệ thống camera giám sát trên địa bàn và các nguồn thông tin khác, áp dụng hình thức rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở cố tình vi phạm quy định phòng chống dịch.

Các hoạt động khác vẫn tiếp tục hoạt động và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo “5K”. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở của mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động. Trường hợp không bảo đảm yêu cầu an toàn phòng chống dịch thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng chống dịch tại các cơ sở.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt các bệnh viện tuyến tỉnh cảnh giác cao nhất đối với dịch bệnh; siết chặt quy trình sàng lọc, phân loại, phân luồng triệt để người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh; rà soát bố trí khoa phòng, quy trình khám bệnh, chữa bệnh; triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh, khuyến cáo người dân không nên đến quá sớm trước lịch hẹn; giám đốc các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng chống và thực hiện nghiêm “5K”.

Đối với hoạt động giao thông vận tải: Hoạt động vận tải khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, trung chuyển, xe buýt và tuyến cố định, hoạt động vận tải đi liên tỉnh và các thành phố về tỉnh: tất cả các chuyến xe đều đảm bảo hành khách buộc phải mang khẩu trang, ngồi xen kẽ, cách ghế. Trên xe có trang bị dung dịch khử khuẩn phục vụ cho hành khách. Thực hiện lập danh sách tất cả các hành khách trên xe: họ và tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, lưu lại tối thiểu 21 ngày.

Siết chặt sàng lọc

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, Sở Y tế cho phép các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên địa bàn tỉnh triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2. Đến nay, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện đa khoa khu vực Ba Tri đã triển khai test nhanh kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2, nhằm tầm soát những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vào viện mà có yếu tố nghi ngờ nhiễm Covid-19.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Ba Tri Phạm Trúc Thanh cho biết, triển khai test nhanh kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2 để đáp ứng công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Qua đó, nâng cao năng lực KCB của đơn vị cũng như đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế của người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện đã cảnh giác cao nhất đối với dịch bệnh. Công tác sàng lọc, phân loại, phân luồng được siết chặt hơn. Tất cả trường hợp ra vào các cơ sở y tế đều khai báo y tế, sàng lọc Covid-19 trước khi vào khu khám bệnh hoặc khu điều trị nội trú trong trường hợp cần thiết.

Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức triển khai xét nghiệm cho các đối tượng: nhân viên y tế, người chăm sóc, nhân viên phục vụ tại các cơ sở cách ly có người cách ly; người thuộc diện F2; người làm việc trong lĩnh vực y tế thiết yếu; người làm việc trong các khu công nghiệp…

Đối với lĩnh vực vận tải khách, các nhà xe trên địa bàn TP. Bến Tre đã thực hiện lập danh sách các hành khách trên xe: họ và tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Trên xe có trang bị dung dịch khử khuẩn phục vụ cho hành khách. Tất cả các chuyến xe đều đảm bảo hành khách buộc phải mang khẩu trang. Nhằm chủ động ngăn Covid-19 xâm nhập sau khi TP. Hồ Chí Minh xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải chủ động theo dõi tình hình và đề xuất quyết định ngưng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cho phù hợp với tình hình thực tế. Sở Công Thương chủ động rà soát, bảo đảm cung ứng hàng hóa, hàng hóa thiết yếu cho người dân; kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các biện pháp chống dịch tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại,…

Thành lập quỹ vắc-xin

Tỉnh đã triển khai tiêm vắc-xin phòng chống dịch đợt 1 an toàn, với 11.709 người  (tiêm mũi 1), chiếm 94% tổng số đối tượng ưu tiên nhóm 1 theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ. Trong đợt 2, tỉnh được phân bổ 20 ngàn liều vắc-xin để tiêm cho những người đã tiêm đợt 1 và bổ sung thêm các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên theo thứ tự trong Nghị quyết số 21/NQ-CP. Thời gian thực hiện đến cuối tháng 7-2021 sẽ hoàn thành số liều tiêm chủng theo phân bổ.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Nguyễn Hữu Định cho biết: Để tỷ lệ tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng, phải có 95% dân số trong đối tượng từ 18 tuổi trở lên tiêm chủng. Nếu tỉnh có trên 980 ngàn người (2 liều/người) thì cần trên 2,1 triệu liều vắc-xin (tính hao phí vắc-xin). Ước tính tổng số tiền tương ứng vận động mua vắc-xin đạt độ bao phủ toàn dân gần 259 tỷ đồng (120 ngàn đồng/liều). “Chủ trương thực hiện quỹ vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 của địa phương là phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người dân trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay. Bên cạnh việc xác định đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP, tỉnh phải ban hành quy chế rõ ràng, xác định đối tượng ưu tiên tiêm trong nguồn quỹ vắc-xin vận động”, Giám đốc CDC Nguyễn Hữu Định nêu.

Thực hiện biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới “5K + vắc-xin” và để đảm bảo triển khai tốt công tác tiêm chủng cho các đối tượng ngoài quy định của Nghị quyết số 21/NQ-CP, tỉnh thống nhất thành lập quỹ vắc-xin phòng chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh vào chiều 28-5-2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, sau các nhóm đối tượng tiêm chủng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh sẽ tiêm đại trà cho toàn dân. Trong đó, tùy nguồn kinh phí vận động, thứ tự ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng người bệnh mạn tính (nguy cơ nhiễm bệnh cao), gia đình chính sách, phóng viên báo, đài trong tỉnh, công nhân tại các khu công nghiệp. UBND tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu các phương án thành lập quỹ để UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN