Kiểm định chất lượng đầu vào của công chức

02/07/2020 - 20:24

BDK - Để tăng hiệu quả trong việc tuyển dụng công chức, thời gian tới, khi muốn thi tuyển vào công chức, người dự thi phải qua kiểm định chất lượng đầu vào.

Về việc đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ, Nghị quyết số 26-NQ/TW nhấn mạnh: “Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực”.

Để cụ thể hóa tinh thần của nghị quyết này, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã bổ sung quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Cụ thể, tại Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi nêu rõ: “Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả”.

Cũng theo quy định tại Luật sửa đổi, những trường hợp sau đây sẽ không phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào:

Các đối tượng được xét tuyển vào công chức: Người cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; người học theo chế độ cử tuyển sau đó về công tác tại địa phương cử đi học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc; nhà khoa học trẻ tài năng.

Các trường hợp tuyển dụng đặc biệt: Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong quân đội, công an, cơ yếu nhưng không phải công chức… (theo Khoản 5 Điều 1 sửa đổi Điều 27 Luật Cán bộ, công chức năm 2008).

Như vậy, có thể thấy, trừ những người được xét tuyển hoặc tuyển dụng đặc biệt vào công chức thì các đối tượng thi tuyển vào công chức từ 1-7-2020 - thời điểm Luật sửa đổi năm 2019 chính thức có hiệu lực đều phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào.

Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN