Nâng cao tay nghề giúp người lao động dễ có việc làm ổn định hơn.
Theo đó, UBND tỉnh khuyến khích người sử dụng lao động chủ động rà soát các điều kiện, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng phương án, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tích cực phối hợp, tuyên truyền thực hiện chính sách hỗ trợ.
Các địa phương thực hiện theo phương châm: Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, tập trung phòng, chống dịch thì hướng dẫn người sử dụng lao động chuẩn bị hồ sơ, xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng triển khai đào tạo khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Đối với các địa phương đã kiểm soát được dịch hoặc ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ và có phương án triển khai thực hiện ngay. Tổ chức việc đào tạo linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất và phòng chống dịch Covid-19, kết hợp giữa đào tạo và tổ chức sản xuất.
UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thật cụ thể, chi tiết triển khai các nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, việc người sử dụng lao động, người lao động tham gia chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg) không chỉ góp phần giúp người sử dụng lao động khôi phục sản xuất kinh doanh mà còn góp phần thực hiện quyền lợi của người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của lao động địa phương.
Tin, ảnh: Thạch Thảo