Khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học
03/01/2025 - 05:26
BDK - Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật (KH&KT) trong giáo dục ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc rèn luyện tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và năng lực hội nhập cho thế hệ trẻ. Các cuộc thi nghiên cứu KH&KT dành cho học sinh (HS) không chỉ là sân chơi bổ ích để các em phát huy khả năng sáng tạo, mà còn là cơ hội để khẳng định bản thân trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế.
Khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật.
Khuyến khích học sinh tham gia
Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Bé Hai, trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc khuyến khích HS tham gia các cuộc thi nghiên cứu KH&KT. Một số trường học đã gặt hái được thành tích đáng kể ở cấp tỉnh, cấp quốc gia. Cụ thể, năm học 2023 - 2024, số lượng HS tham gia các cuộc thi nghiên cứu KH&KT cấp trường là 7.152 HS, tăng 2.062 HS (năm học 2022 - 2023 là 5.090 HS); cấp huyện là 2.800 HS, tăng 724 HS (năm học 2022 - 2023 là 2.076 HS); cấp tỉnh là 445 HS (năm học 2022 - 2023 là 469 HS); cấp quốc gia 6 HS (năm học 2022 - 2023 là 10 HS).
Số lượng HS tham gia các cuộc thi cấp tỉnh và cấp quốc gia giảm là do quy định số lượng HS tham gia/dự án của cuộc thi có sự thay đổi ở mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ HS tham gia các cuộc thi này vẫn còn thấp so với tiềm năng. Trước hết, nhận thức về nghiên cứu KH&KT ở một số trường vẫn chưa đầy đủ. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên hướng dẫn mặc dù nhiệt tình, nhưng vẫn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm chuyên sâu để hỗ trợ HS phát triển ý tưởng sáng tạo. Thêm vào đó, điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu KH&KT tại nhiều trường học còn hạn chế. Một số trường thiếu phòng thí nghiệm, thiết bị hiện đại hoặc không có nguồn tài trợ phù hợp để triển khai các dự án nghiên cứu. Điều này khiến HS khó tiếp cận thực tế và giảm động lực tham gia.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, gồm: Sự thiếu kết nối giữa nhà trường và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, tài trợ và định hướng nghiên cứu. Chương trình học tập còn nặng lý thuyết, ít tạo không gian cho HS thực hành, sáng tạo. Sự thiếu đồng bộ trong công tác tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa và lợi ích của nghiên cứu KH&KT.
Đồng bộ các giải pháp
Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Bé Hai, để khắc phục những hạn chế trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của nghiên cứu KH&KT thông qua các buổi hội thảo, tập huấn, và các phương tiện truyền thông. HS và phụ huynh cần hiểu rằng nghiên cứu KH&KT không chỉ giúp phát triển tư duy mà còn là cơ hội để các em hội nhập quốc tế. Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo chuyên đề, nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho giáo viên trong việc hướng dẫn HS thực hiện các dự án nghiên cứu KH&KT.
Đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm sáng tạo tại trường học. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và quỹ tài trợ để bảo đảm kinh phí cho các dự án nghiên cứu.
Thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, nhằm định hướng và hỗ trợ HS trong quá trình nghiên cứu. Lồng ghép các nội dung có liên quan đến hoạt động nghiên cứu KH&KT vào chương trình giảng dạy, tạo không gian cho HS thực hành, khám phá và sáng tạo. Khen thưởng và động viên: Tổ chức vinh danh, khen thưởng HS và giáo viên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu KH&KT nhằm tạo được động lực cho HS và giáo viên tăng cường hoạt động nghiên cứu KH&KT.
“Việc thúc đẩy HS tham gia các cuộc thi nghiên cứu KH&KT không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Bằng những giải pháp thiết thực và đồng bộ, tin rằng tỷ lệ HS tham gia nghiên cứu KH&KT tại tỉnh sẽ tăng lên đáng kể, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh trong tương lai”.
(Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Bé Hai)