Ông Trần Văn Kha - Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội chăm sóc mai vàng phục vụ thị trường Tết.
Tổ liên kết sản xuất mai vàng khi mới thành lập với 16 thành viên, có sự hỗ trợ của Dự án IFAC. Trong 16 thành viên có 10 hộ nghèo. Đến năm 2015, Tổ tăng lên 33 thành viên, trong đó 10 hộ đã thoát nghèo tương đối bền vững. Diện tích sản xuất tăng lên 22.000m2, sản lượng trên 17 ngàn sản phẩm/năm. Tổng doanh thu hơn 8 tỷ đồng/năm. Năm 2016, Hội Nông dân xã thực hiện Nghị định số 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ đổi tên Tổ liên kết sản xuất mai vàng thành Tổ hội nghề nghiệp mai vàng; hiện nay mang tên Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội, với 43 thành viên, diện tích sản xuất tăng lên gần 45.000m2.
Ông Trần Văn Kha - Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu, bằng cách 43 thành viên cùng tâm huyết vào nghề sản xuất mai vàng. Ngày càng nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng mai vàng của chi hội thì thương hiệu chi hội ngày càng bền vững. Theo đó, thu nhập từ mai vàng của 43 thành viên cũng tăng lên”.
Ông Đỗ Văn Lâm là thành viên trong chi hội có thu nhập cao nhất. Năm qua, ông Lâm sản xuất trên 1.200 cây mai vàng, giá bán từ 1,5 - 3 triệu đồng/cây. Tết 2020, chỉ trong 2 tuần, ông bán hết 1.200 cây mai tại vườn, tổng thu về khoảng 2,4 tỷ đồng. Tết 2021, ông Lâm có khoảng 1.300 cây mai vàng để bán tại nhà.
Nhiều người trong chi hội có thu nhập cao từ mai vàng. Trong năm 2020, hộ bán ít nhất cũng được 200 triệu đồng nên tổng thu của chi hội trên 40 tỷ đồng. Cũng theo ông Trần Văn Kha, mai vàng trong chi hội có nhiều loại: mai dão Thủ Đức, bạch mai, mai huỳnh tỷ, mai vàng Phú Tân, cúc mai, mai thơm, mai quắn, mai Đại Lộc, mai cúc Thọ Hương, mai cúc VIP…
“Hiện nay, giống mai mới là mai cúc Thọ Hương và mai cúc VIP. Hầu hết khách hàng ưa chuộng mai vàng bông to có đường kính khoảng 5cm và lâu tàn. Những năm gần đây, các thành viên trong chi hội tập trung sản xuất mai tàng với dáng tự nhiên (chiếm khoảng 80% sản lượng). Vì mai tàng cho nhiều cành, nhiều bông, không cần gốc đẹp. 20% còn lại là làm mai ghép. Nhìn chung, giá bán cũng vừa túi tiền khách hàng, từ 100 ngàn đồng đến 5 triệu đồng/cây tùy theo lớn nhỏ. Mai vàng càng lâu năm thì giá càng cao. Năm nay, tôi bán 200 cây mai vàng cho khách hàng ở Đồng Nai và Bình Phước, giá trung bình 4 triệu đồng/cây”, ông Kha nói.
Ông Nguyễn Văn Út, thành viên trong Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội cho hay: Người trồng mai vàng phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm. Cho nên, vào chi hội có lợi thế là học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, Cụ thể, mai vàng dễ bị cháy lá do đốm vằn. Bọ trĩ ăn đọt non. Nhện đỏ làm cho lá vàng hực. Nấm hồng làm chết cành. Còn tưới cây thì phải biết cây mai đó thiếu nước hay dư nước. Tưới nước phải dùng ống nước xịt tận gốc, không nên làm dàn ống cố định để phun sương vì nước khó vào gốc mai.
Ông Ngô Văn Trang - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Lách phấn khởi: “Tôi đánh giá cao Hội Nông dân xã Vĩnh Thành vì đã sáng lập ra Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội. Ngày 21-9-2018, ông Võ Thành Hạo lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy đã đến chi hội này và khen ngợi những thành quả mà chi hội đã đạt được. Tôi hy vọng rằng, trong tương lai không xa, Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội tiến lên hợp tác xã. Vì khi lên hợp tác xã rất có lợi cho các thành viên”.
“Chi hội nghề nghiệp mai vàng Phú Hội hoạt động rất hiệu quả. Sản phẩm mai vàng của chi hội đang được tiêu thụ từ Hà Nội đến Cà Mau, nhiều nhất là ở TP. Hồ Chí Minh. Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hy vọng nhiều thành viên trong chi hội này tham gia thành công Hội hoa xuân “Trên bến dưới thuyền - 2021” tại Quận 8, TP. Hồ Chí Minh”.
(Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Trần Văn Đém)
|
Bài, ảnh: Hoàng Vũ