
Lão nông Lê Văn Tư chăm sóc vườn cây trồng xen cam, bưởi, dừa xiêm.
Chuỗi sản xuất, cung ứng
Với 1,2ha đất vườn trồng xen bưởi da xanh, cam sành và dừa xiêm, ông Lê Văn Tư được xem là một trong những nông hộ có thu nhập cao và ổn định ở xã Tân Phú Tây. Ông Tư bộc bạch: “Hôm giãn cách xã hội nhưng tôi vẫn tiêu thụ được bưởi, cam trong vườn. Giá bưởi trên dưới 20 ngàn đồng/kg, cam sành 25 ngàn đồng/kg. Dịch bệnh khó khăn mà trái cây bán được giá này là khá lắm rồi. Tôi rất phấn khởi. Giờ dịch đã dần được kiểm soát, tỉnh nới lỏng việc đi lại, tôi tranh thủ thu hoạch hết bưởi chín trên cành, rồi rải phân, tỉa cành…”.
Ông Đàm Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK Nông sản Hương Miền Tây (Mỏ Cày Bắc) cho biết: Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, công ty áp dụng phương án sản xuất (SX) “3 tại chỗ”, nhằm duy trì chuỗi cung ứng, đáp ứng sản lượng xuất khẩu, đảm bảo không bị đứt gãy thị trường cung ứng. Công ty đã linh hoạt các hình thức thu hái, vận chuyển và nhập bưởi vào kho theo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch an toàn vừa duy trì SX. Tuy nhiên, sản lượng thu mua hạn chế vì công ty chỉ ưu tiên thu mua bưởi của người dân trong tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) có ký kết tiêu thụ trước đó. Khi tỉnh chuyển sang thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, công ty mở rộng thu mua bên ngoài chuỗi liên kết. Sản lượng thu về mỗi ngày rất lớn, doanh nghiệp (DN) phải tìm thị trường tiêu thụ hết bưởi cho người nông dân.
Thị trường truyền thống của Công ty TNHH MTV XNK Nông sản Hương Miền Tây là Trung Quốc và nội địa. Dự kiến khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty sẽ mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Đông. Nơi đây được đánh giá là thị trường khá tiềm năng và đã được DN ấp ủ trong những năm qua. Đồng thời, công ty tập trung tiếp cận sâu rộng thị trường trong nước bằng tất cả các kênh, nhằm tiêu thụ tốt sản lượng bưởi da xanh của tỉnh. Công ty cũng sẽ tiếp tục đeo đuổi thị trường châu Âu. Thách thức đặt ra là phải có vùng nguyên liệu đạt chuẩn châu Âu và truy xuất nguồn gốc nơi SX. Đây là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của công ty hướng đến trong thời gian tới.
“Chúng tôi rút ra nhiều kinh nghiệm từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 trong chuỗi SX, cung ứng hàng hóa. Nếu DN xây dựng mối liên kết chặt chẽ với người SX, đặc biệt là các THT, HTX thì chuỗi vận hành vững chắc hơn, không bị đứt gãy. Do đó, mối liên kết giữa nông dân và DN ví như “cá với nước”, bởi cả hai không thể tách rời hay thiếu nhau”, ông Đàm Văn Hưng chia sẻ.
HTX Nông nghiệp Thắng Lợi, huyện Chợ Lách đã khởi động lại trong tình hình mới. Ông Phạm Hồng Khánh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Thắng Lợi cho biết, khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Ban Giám đốc HTX đã triển khai cho thành viên SX “3 tại chỗ”, tập trung SX giá thể hữu cơ theo hướng công nghệ cao. Hiện nay, HTX hỗ trợ kỹ thuật SX cây giống theo tiêu chuẩn và bao tiêu toàn bộ cây giống của thành viên.
Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi chuẩn bị cây giống cung ứng các tỉnh miền Tây.
Cập nhật Thị trường
Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Chợ Lách Ngô Văn Trang cho biết: “Qua việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong đợt giãn cách xã hội vừa qua giúp chúng ta nhận thấy việc quản lý, cập nhật thông tin, dự báo về sản lượng từng loại nông sản, trong đó có các chủng loại nông sản đặc sản của từng địa phương là chưa thật sự chặt chẽ, chính xác. Do đó, hướng tới, từng lúc phải cập nhật, dự báo chính xác sản lượng từng loại cũng như các thông tin liên quan đến thị trường, đầu ra sản phẩm. “HND huyện Chợ Lách sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật để khôi phục vườn trái cây, hoa kiểng. Tăng cường tuyên truyền người dân chủ động gia cố đê bao phòng chống hạn mặn trong mùa khô tới và ngăn lũ trong mùa mưa bão để SX nông nghiệp có hiệu quả”, ông Ngô Văn Trang nhấn mạnh.
Phó chủ tịch HND tỉnh Trần Dương Thuấn cho hay, HND tỉnh đã phát động hội viên, nông dân phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp sau đại dịch Covid-19. Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của hội các cấp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân trong SX, kinh doanh (KD), vận chuyển nông sản hàng hóa, đảm bảo an toàn trong tình hình mới. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và tổ chức SX, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản của hội viên, nông dân, không để chuỗi SX và cung ứng nông sản bị đứt gãy.
Trước mắt, HND tỉnh tập trung hỗ trợ, tư vấn nông dân điều chỉnh kế hoạch SX, KD nông sản hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị; tạo không gian phát triển mới, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương. Tuyên truyền, động viên cán bộ, hội viên nông dân và các tổ chức, đơn vị SX, KD trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục thực hiện các hoạt động SX, KD, dịch vụ phù hợp với quy định về phòng chống dịch trong điều kiện mới. Phát huy vai trò của nông dân SX, KD giỏi trong SX, KD nâng cao thu nhập, thích ứng với tình hình mới.
“Nông nghiệp được khẳng định là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản đối với từng vùng xanh, vàng, cam, đỏ. Đặc biệt, sở phối hợp với Sở Công Thương tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số như: Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart, Alibaba…
Đồng thời, tăng cường mời gọi các chợ đầu mối toàn quốc, các đối tác tiêu thụ lớn như: hệ thống siêu thị (Co.opmart, Go!, VinMart, Bách hóa xanh...), trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đến tỉnh khảo sát, liên kết, tiêu thụ các mặt hàng nông sản”.
(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc