Khởi nghiệp từ thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ

04/03/2019 - 07:23

BDK - Trong bối cảnh khoa học và công nghệ (KH&CN), phương thức kinh doanh phát triển và biến động như vũ bão, cạnh tranh toàn cầu đã trở nên rộng khắp. Đây là cơ hội đột phá của các ngành kinh doanh đặc biệt, mới, sáng tạo cho các quốc gia, các địa phương và cho tất cả mọi người.

Sản xuất mặt nạ dừa tại Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long. Ảnh: C. Trúc

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Bến Tre là một trong các tỉnh sớm ban hành các chính sách khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng như Chương trình số 10-Ctr/TU của Tỉnh ủy về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 18-7-2017 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 9-1-2018 hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 22-1-2018 về thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020.

Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện chương trình số 10-Ctr/TU, lũy kế từ khi thực hiện đến nay đã tiếp nhận 1.019 ý tưởng, dự án khởi nghiệp; trực tiếp hỗ trợ 326 ý tưởng, dự án; đã có 89 ý tưởng, dự án phát triển thành doanh nghiệp và hoạt động ổn định, chiếm 27,3% so với tổng số ý tưởng, dự án đã được hỗ trợ và 8,73% so tổng số ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiếp nhận.

Tính đến cuối năm 2018, tỉnh có 4 doanh nghiệp KH&CN: Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty Kỹ thuật Dừa Bến Tre và Công ty cổ phần Sa sâm Việt.

Đến với Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ mùa 1), anh Trần Phúc Hậu, đại diện của Công ty TNHH Thương mại thủy sản Đại Thành (Bến Tre), đã được Shark Phú - Chủ tịch Sunhouse cam kết đầu tư 2 tỷ đồng cho 30% cổ phần với việc phát triển sản phẩm vi sinh từ bột bã mía để phục vụ cho nuôi tôm thâm canh của đồng bằng sông Cửu Long.

Trong Thương vụ bạc tỷ mùa 2, Công ty thực phẩm hữu cơ Hoa Nắng, do Lâm Anh Tú, Đặng Thị Trường An và một cổ đông khác đồng sáng lập với dự án sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Thạnh Phú đã được nhà đầu tư Louis Nguyễn đầu tư 10 tỷ, trong đó: 4 tỷ cho 51% cổ phần của công ty và 6 tỷ  đồng là khoản vay có quyền chuyển đổi. Trong khi đó, Công ty dịch vụ Khi Ta Trẻ do nhà sáng lập Nguyễn Tấn Lộc với dự án kinh doanh sản phẩm dừa bật nắp Cocolala từ nguồn dừa nguyên liệu dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre đã được nhà đầu tư Thái Vân Linh đầu tư 2 tỷ đồng cho 30% cổ phần công ty.

Từ kết quả nghiên cứu KH&CN

Có rất nhiều cách để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ việc tự nghiên cứu để tạo ra và ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa; trong đó, có cả việc khởi nghiệp từ các kết quả nghiên cứu KH&CN có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Hơn 20 đề tài, dự án đã được Hội đồng KH&CN nghiệm thu trong năm 2018, nổi bật có các kết quả nghiên cứu đạt được 2 yếu tố cơ bản như dựa vào tín hiệu của thị trường và trực giác thiên tài. Kết quả nghiên cứu đầu tiên là Đề tài nghiên cứu sản xuất thành công chả cá sạch theo công nghệ tạo gel từ cá đù, cá đổng và cá mối. Quá trình thử nghiệm sản xuất được áp dụng hai mô hình: Thời gian (3 giờ định hình) và nhiệt độ (37 - 390C) phù hợp với từng quy mô áp dụng. Chả cá có độ dai ổn định dao động từ 8 - 12N và thành phần đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn có các sản phẩm phụ từ cá như phân cá và nước chiết dinh dưỡng.

Nghiên cứu tạo ra loại hình sản phẩm composite từ xơ dừa với 3 mẫu: mặt tựa ghế, tấm lợp dạng sóng và mẫu cong 3 chiều.

Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng đạt chứng nhận VietGAP cho vùng lúa xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú như hoàn chỉnh cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức bộ máy; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của hợp tác xã; xây dựng hệ thống quản lý sản xuất theo quy trình VietGAP cho mỗi nông hộ; tập huấn, đào tạo; thực hiện các thủ tục đánh giá chứng nhận VietGAP…

Với các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu sẽ tạo nhiều cơ hội để cộng đồng khởi nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công.

 Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN