Khởi nghiệp thành công với cẩm cù

14/02/2022 - 06:12

BDK - Năm 2019, vừa tốt nghiệp Khoa Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp của Trường Đại học HuTech (TP. Hồ Chí Minh), cùng lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, một nam sinh viên quyết định trở về quê và bắt đầu khởi nghiệp với việc trồng cẩm cù. Anh đã thành công rực rỡ dù tấm bằng Cử nhân đại học “còn chưa được thấy”.

Mô hình sản xuất hoa cẩm cù của anh Trần Minh Huân.

Anh Trần Minh Huân, sinh năm 1992, ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Trong một chuyến công tác về ấp này, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phụng Đức B Trần Quang Dần đã giới thiệu, đây là mô hình khởi nghiệp thành công của một đoàn viên trong ấp mà hiện nay được Xã đoàn Phú Phụng nhân rộng. Huân còn rất trẻ nhưng rất nhạy bén và mạnh dạn làm ăn.

“Cẩm cù là một loại dây leo nhưng có hoa quanh năm và rất thơm (giống như lan rừng), có đặc tính dễ trồng, dễ nhân giống. Đặc biệt, nếu chúng ta biết lai tạo thì nhiều khả năng tạo “đột biến”, đây là yếu tố rất quan trọng góp phần làm tăng giá trị của loại cây này”, anh Trần Minh Huân cho biết.

Sau khi trở về quê, anh Huân theo người chị ruột của mình - người đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng và ươm giống cẩm cù cũng ở trên địa bàn huyện Chợ Lách. Theo phụ chị một thời gian, anh quyết định ra làm riêng. Ban đầu, anh xây dựng giàn ươm với diện tích 300m2 trên phần đất của gia đình để ươm và trồng cẩm cù. Do nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao, sản xuất không đủ cung ứng, đến tháng 7-2020, anh quyết định sử dụng hết số tiền tích góp để đầu tư mở rộng nhà xưởng. Một nhà giàn ươm với 3 tầng, mỗi sàn có diện tích 144m2, tổng kinh phí hơn 250 triệu đồng, do chính anh tự thiết kế, xây dựng để giảm chi phí đầu tư.

Anh Huân cho biết, giá thành thị trường hiện nay, cẩm cù có 3 mức giá từ 10 - 30 ngàn đồng/chậu, nếu là cẩm cù “đột biến” thì có khi vài triệu đồng/chậu. “Em luôn tìm tòi trên mạng, trao đổi, mua thêm những loại cẩm cù mới (cẩm cù có tới 300 loại khác nhau) để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Xu thế hiện nay, các nước rất ưa chuộng trồng cẩm cù”, Huân chia sẻ.

Ngoài doanh thu hàng năm trên 200 triệu đồng từ việc trồng, ươm và bán cẩm cù, Trần Minh Huân còn mạnh dạn chuyển đổi 3.500m2 đất vườn của gia đình sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chôm chôm, mít. Khi tiễn chúng tôi ra cổng, chỉ tay vào khoảng đất vừa mới bơm cát xong, Huân bảo, em đang chuẩn bị mở thêm một giàn ươm mới…

Bí thư Xã đoàn Phú Phụng Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: Mô hình trồng cẩm cù của Trần Minh Huân đạt hiệu quả kinh tế. Xã đoàn cũng đã nhiều lần tiếp cận với mô hình và Huân sẵn sàng chia sẻ, cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật để các bạn trẻ của địa phương học tập, khởi nghiệp. Cùng với các mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên khác, Xã đoàn Phú Phụng sẽ tiến tới thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp để các bạn chia sẻ, giao lưu, học tập lẫn nhau.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN