04/12/2023 - 16:25
 

Ngày 17-11-2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đó là kết quả  của sự nỗ lực không ngừng, thể hiện khát vọng vươn lên của tỉnh sau hơn 3 năm xây dựng Quy hoạch tỉnh, kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề cương (tháng 6-2020) đến khi phê duyệt.

Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp cho ý kiến về hồ sơ Quy hoạch tỉnh. Ảnh: Huyền Trang

Quy hoạch tỉnh thể hiện được nội dung cốt lõi, trụ cột phát triển chính và các giải pháp động lực, đột phá để đưa vào quy hoạch tỉnh. Đây là khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất, là “xương sống” để các ngành, các lĩnh vực của tỉnh phát triển. Nội dung của Quy hoạch tỉnh Bến Tre thể hiện khát vọng phát triển nhanh, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, mang lại cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc cho người dân.

l

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc cho biết: Cả nước có 110 loại quy hoạch quốc gia và tỉnh, thành, trong đó có 63 quy hoạch tỉnh, thành. Riêng tỉnh Bến Tre được xếp hàng thứ 22/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp hàng thứ 7 so với 13 tỉnh, thành ĐBSCL có quy hoạch được phê duyệt. Điểm khác biệt nhất của Bến Tre so với các quy hoạch đã được phê duyệt của cả nước là định hướng phát triển Bến Tre về hướng Đông. Trong các khu chức năng, Bến Tre định hướng phát triển 50 ngàn ha về hướng biển, bao gồm cả lấn biển, tức là sẽ phát triển thêm 500km2, gần bằng ¼ diện tích của tỉnh hiện nay. Đây là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong nhiều năm tới. Theo đó, khu vực này tập trung phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở bờ biển và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry khảo sát tại huyện Ba Tri. Ảnh: Thạch Thảo

Phát triển hướng Đông sẽ giúp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng kinh tế biển của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc - Trung Hiếu

Trong đó, khu vực Thạnh Phú mở rộng ưu tiên công nghiệp; cảng; đô thị; du lịch, dịch vụ - thương mại, nuôi trồng thủy sản. Khu vực Ba Tri mở rộng ưu tiên công nghiệp; đô thị; du lịch, dịch vụ - thương mại; cảng biển; nuôi trồng thủy sản. Khu vực Bình Đại mở rộng ưu tiên công nghiệp; cảng biển, logistics; đô thị; du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, thể thao, sân golf, dịch vụ - thương mại.

Lãnh đạo tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm về xây dựng các dự án lấn biển tại Kiên Giang. Ảnh: Cẩm Trúc

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đi thực địa mô hình tôm - lúa hữu cơ tại Cà Mau. Ảnh: Cẩm Trúc

Để thực hiện các mục tiêu, khát vọng của tỉnh, trong năm 2022, Đoàn công tác tỉnh Bến Tre gồm có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến thực địa tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng… nhằm học hỏi kinh nghiệm, mời gọi hợp tác, chia sẻ giữa các tỉnh và Bến Tre.

Việc đầu tư tuyến đường bộ ven biển tỉnh là bước đột phá lớn không chỉ về phát triển hạ tầng của tỉnh mà hứa hẹn tạo nên bước chuyển lớn cho phát triển kinh tế.

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình khảo sát tuyến đường ven biển trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bến Tre vào đầu năm 2021. Ảnh: Cẩm Trúc

Tuyến đường bộ ven biển đi qua địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với việc kết nối giao thông liên hoàn từ TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021. Tuyến đường bộ ven biển được xem là đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa cho các tỉnh trong khu vực khi việc giao dịch thương mại trở nên thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức cho biết: “Tuyến đường bộ ven biển tỉnh được xem là nơi giao hội của các tuyến giao thông quốc gia. Cụ thể, phía Bắc kết nối với tỉnh Tiền Giang thông qua quốc lộ (QL) 50, đi Long An, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ; phía Nam nối với tỉnh Trà Vinh thông qua QL.53, QL.54 và cầu Cổ Chiên trên QL.60 hiện đang khai thác, tiếp tục đi xuống Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; phía Tây kết nối với Vĩnh Long qua QL.57 tiếp tục đi Đồng Tháp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm công nhân và công trình cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Cẩm Trúc - Thạch Thảo

“Cùng với công trình cầu Rạch Miễu 2 đang khẩn trương thi công, việc hình thành các cầu lớn trên tuyến QL.60 như cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh và Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 15km, sẽ tạo thuận lợi kết nối giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với các vùng, miền khác của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân của các tỉnh Tây Nam Bộ”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức phát biểu trước sự kiện khởi công cầu Đại Ngãi trên QL.60.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam (áo xanh) và Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn trong buổi họp giữa hai tỉnh bàn về hướng tuyến Tuyến đường bộ ven biển. Ảnh chụp năm 2022. Ảnh: Thạch Thảo

Phối cảnh cầu Cổ Chiên 2 (ảnh Sở GTVT cung cấp)

Tuyến đường bộ ven biển đi qua địa bàn tỉnh có 4 cây cầu, gồm: Cửa Đại, Ba Lai 8, Hàm Luông và Cổ Chiên 2. Tổng chiều dài tuyến trên 48km. Ngày 28-11-2023, Dự án cầu Cổ Chiên 2 nối tỉnh Bến Tre - Trà Vinh đã được Quốc hội bổ sung vào danh mục Nghị quyết đặc thù tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Trước đó, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 (liên huyện Bình Đại - Ba Tri) trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre tại Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 24-3-2023, tổng mức đầu tư 2.255 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.

Tuyến đường ĐT 881 nối 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Ảnh: Thạch Thảo

Các bước hình thành tuyến động lực ven biển đi qua tỉnh đang được hiện thực hóa nhằm kết nối 3 cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh bằng cầu. Theo Quy hoạch tỉnh, sau năm 2030, tỉnh sẽ có thêm trục cao tốc nối QL.60 và tuyến đường ven biển, giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển trong tỉnh và tỉnh với khu vực.

Phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh Bến Tre có 37 đô thị. Trong đó thành phố Bến Tre là đô thị loại I (thành phố thông minh, sinh thái); 3 đô thị loại III; 2 đô thị loại IV; 31 đô thị loại V.

Phát triển đô thị TP. Bến Tre. Ảnh: C. Trúc - T. Thảo - T. Hiếu

Nâng cấp mặt đường khu vực đô thị TP. Bến Tre. Ảnh: Thạch Thảo

Định hướng các đô thị như sau: Thành phố Bến Tre là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa, thương mại, vận tải logistics, du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái, trung tâm phát triển công nghiệp, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế khác, đóng vai trò hạt nhân phát triển của tỉnh.

Đường nội ô thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành. Ảnh: H. Đức

Đô thị Châu Thành, thị trấn Giồng Trôm là các đô thị vệ tinh có vai trò giảm tải về áp lực dân số, hạ tầng xã hội và kỹ thuật cho thành phố Bến Tre. Đô thị Chợ Lách, Phước Mỹ Trung, Mỏ Cày, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú là các đô thị trung tâm tiểu vùng. Các đô thị còn lại đóng vai trò là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại của đơn vị hành chính cấp huyện.

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng cho biết: “Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương khi được phê duyệt quy hoạch vùng huyện thì triển khai các quy hoạch khu chức năng để điều tiết sử dụng đất hiệu quả, kết nối hạ tầng cơ sở tốt hơn, qua đó triển khai thực hiện các dự án thu hút đầu tư”.

3 vùng kinh tế - xã hội là vùng ven biển phía Đông, vùng Bắc sông Hàm Luông, vùng Nam sông Hàm Luông.

Toàn tỉnh hiện đã có 19 dự án điện gió được phê duyệt; trong đó có 9 dự án đã hoàn thành với công suất hơn 366 MW. Ảnh: Thạch Thảo

Vùng ven biển phía Đông của tỉnh gồm huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Thạnh Phú và không gian biển thuộc địa phận tỉnh Bến Tre. Là vùng động lực phát triển của tỉnh, đột phá là các ngành kinh tế biển, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghiệp; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao; kinh tế hàng hải (vận tải biển); dịch vụ và du lịch…

Vùng Bắc sông Hàm Luông, gồm thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm. Tập trung phát triển Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (trụ cột là công nghiệp - đô thị vệ tinh cho các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh).

Vùng Nam sông Hàm Luông, gồm các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách. Tập trung phát triển Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (trụ cột là kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái).

Phát triển năng lượng điện mặt trời. Ảnh: Cẩm Trúc

Du lịch trải nghiệm ở Ba Tri. Ảnh: Thanh Đồng

Dây chuyền sản xuất dừa tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: Cẩm Trúc

5 hành lang kinh tế, trong đó có 3 hành lang phát triển theo hướng Tây - Đông (Hành lang kinh tế hướng Đông) gồm: Hành lang kinh tế dọc theo trục chính quốc lộ 57B; hành lang kinh tế dọc theo trục chính quốc lộ 57C; hành lang kinh tế dọc theo trục chính quốc lộ 57. Và 2 hành lang phát triển theo hướng Bắc - Nam gồm: Hành lang kinh tế dọc theo quốc lộ 60, đường cao tốc CT33 và hành lang kinh tế dọc theo tuyến đường ven biển kết nối các đô thị ven biển thuộc 3 huyện (Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú) và gắn kết nối khu vực ven biển các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam và đoàn đại sứ đặc biệt Liên hợp quốc khảo sát tại khu vực Cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: Thanh Đồng

Đặc biệt quan trọng là 8 khu chức năng theo các vùng kinh tế và hàng lang kinh tế. Trong đó không gian phát triển ven biển, với khoảng 50.000 ha tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở bờ biển và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các khu vực như: Thạnh Phú mở rộng ưu tiên công nghiệp; cảng; đô thị; du lịch, dịch vụ - thương mại, nuôi trồng thủy sản. Ba Tri mở rộng ưu tiên công nghiệp; đô thị; du lịch, dịch vụ - thương mại; cảng biển; nuôi trồng thủy sản. Bình Đại mở rộng ưu tiên công nghiệp; cảng biển, logistics; đô thị; du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, thể thao, sân golf, dịch vụ - thương mại.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thăm công trình Khu tái định cư Khu Công nghiệp Phú Thuận, Bình Đại. Ảnh: Cẩm Trúc

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp An Hiệp. Ảnh: Cẩm Trúc

Đến 2030, toàn tỉnh sẽ có 7 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.372 ha, trong đó đã thành lập KCN giao Long (I,II), KCN An Hiệp, KCN Phú Thuận, các KCN sẽ thành lập mới gồm: KCN Giao Hòa, KCN Phước Long, KCN An Nhơn, KCN Bảo Thạnh. Đồng thời Quy hoạch phát triển 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích 918 ha.

Phát triển các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu chăn nuôi tập trung, trang trại trồng trọt, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chuyên canh quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, gắn với chế biến sâu. Trong đó phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm, vùng sản xuất tôm - lúa tại huyện Thạnh Phú; vùng sản xuất dừa tại các huyện: Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Bình Đại và Thạnh Phú; vùng cây ăn trái tập trung tại các địa phương trong tỉnh; vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú. Đặc biệt xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.

Phát triển vùng nguyên liệu tập trung đối với dừa hữu cơ, chăn nuôi gia súc gia cầm, mô hình tôm - lúa, nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Cẩm Trúc

Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển các khu chức năng khác như: du lịch; khu bảo tồn; khu quân sự, an ninh; phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn… Quy hoạch tỉnh hướng đến nâng cao đời sống khu vực còn khó khăn với các giải pháp tăng cường thu hút, xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư, lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất. Hoàn thiện hạ tầng giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông tổ, ấp, hạ tầng cấp, thoát nước, xử lý rác thải, điện và hạ tầng khác.

Cùng với xây dựng quy hoạch tỉnh, tỉnh đã bắt đầu triển khai các hành động quyết liệt và cụ thể. Đến nay đã có một số kết quả bước đầu thể hiện khá rõ trên các lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng điện gió, nuôi tôm công nghệ cao.

 

Để thực hiện khát vọng trong tương lai, hiện nay, tỉnh có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong cả nước đến tìm hiểu, đề xuất ý tưởng và mong muốn tiếp tục các bước nghiên cứu đầu tư các dự án lấn biển tại 3 huyện biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.

Lãnh đạo tỉnh tích cực xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu cho tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: Cẩm Trúc

Bước đầu, hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai thực hiện với các hình thức đa dạng, phong phú, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bến Tre tìm hiểu đầu tư. Tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền tỉnh Ehime - Nhật Bản, với Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và đặc biệt là 10 tập đoàn lớn hàng đầu cả nước.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua các chương trình đối thoại tháo gỡ khó khăn, các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, du lịch giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư, thương mại tại Ấn Độ, Vương quốc Thái Lan và Nhật Bản với chủ đề “Bến Tre - Tiềm năng và cơ hội đầu tư”.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, tham quan tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho rằng: Quy hoạch tỉnh không tách rời quy hoạch vùng, nhất là những lĩnh vực, chương trình liên quan đến phát triển cả vùng. Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời thực hiện tầm nhìn, Quy hoạch tỉnh Bến Tre trong thời gian tới, Bến Tre muốn chủ động gắn kết, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực, trong đó có phối hợp chặt chẽ, lâu dài với các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau để học tập, hỗ trợ xuyên suốt nhau trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và của khu vực nói chung. Việc phối hợp sẽ gắn với định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng...

Bến Tre mở rộng ký kết hợp tác với doanh nghiệp ngoài tỉnh. Ảnh: Cẩm Trúc

Doanh nghiệp Bến Tre ký kết với các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Cẩm Trúc

Trong 2 năm qua, Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh ký kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong đó phối hợp, cùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL kiến nghị với Trung ương hỗ trợ nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường bộ ven biển, kết nối các tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh. Hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng Trường Đại học Tây Nam Bộ (tại Bến Tre) là thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, sau khi Đề án thành lập trường được Chính phủ phê duyệt. Hỗ trợ kinh phí và tổ chức các hoạt động mời gọi nhà đầu tư để triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát trở thành Khu lưu niệm tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại và mở rộng căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4) giai đoạn 2 tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Phối hợp xây dựng và khai thác hiệu quả các chuỗi, tuyến du lịch TP. Hồ Chí Minh - Bến Tre…

Đại biểu Hội Phụ nữ tỉnh dâng hương viếng tại đền thờ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Thanh Đồng

Tuổi trẻ thắp hương tại Di tích  Y4. Ảnh: Ánh Nguyệt

Đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát nằm cạnh đình Tân Hưng. Ảnh: Thanh Đồng

Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tổ chức hợp lý, hiệu quả không gian phát triển mới khu vực ven biển - đây là định hướng và tầm nhìn xuyên suốt của quy hoạch để xây dựng phía Đông trở thành khu kinh tế biển phát triển năng động, khu vực động lực phát triển mới của tỉnh. Phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng.

Phấn đấu đến năm 2030, Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc. Tầm nhìn đến 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch. Phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh. Các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước. Xã hội phát triển hài hòa, văn minh, hiện đại. Môi trường, trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Con người phát triển toàn diện, có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến khảo sát tiến độ công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thạch Thảo

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XI, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến nhấn mạnh: “Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17-11-2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở nền tảng rất quan trọng để triển khai, xây dựng các đề án, chương trình thu hút đầu tư, phát triển tỉnh thực sự hiệu quả, nhanh và bền vững trong thời gian tới. Do đó, khối lượng công việc là rất lớn và yêu cầu rất cao, khẩn trương, đòi hỏi toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh phải tập trung cao độ, nỗ lực hết mình, quyết tâm cao để lãnh đạo và tổ chức thực hiện có kết quả trong thực tiễn”.

Du lịch sinh thái biển. Ảnh: Trung Hiếu

------------------------------------------

Thực hiện:

Nội dung: Cẩm Trúc - Thạch Thảo
Hình ảnh: Cẩm Trúc - Thạch Thảo - Ánh Nguyệt - Thanh Đồng - Trung Hiếu - Huyền Trang
Thiết kế: Mỹ Hạnh