Khám phá cùng 'Net Zero tours'

29/03/2024 - 06:30

BDK - Net Zero (giảm mức phát thải ròng về bằng 0) đang là từ khóa được bàn thảo nhiều nhất khi nhắc đến các vấn đề biến đối khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Tỉnh được mệnh danh là vùng đất của sông nước và thủ phủ dừa của Việt Nam với du lịch sinh thái, du lịch xanh thì quả là ai nấy cũng đều mê mẩn tâm hồn bởi các “cung đường” xanh và thơ mộng như tranh vẽ. Nhưng du lịch Net Zero là tour hoàn toàn mới tại tỉnh và chỉ sau Hội An. Điều này khiến tôi thật sự tò mò, háo hức và vác máy ảnh đi ngay để trải nghiệm, khám phá sự khác biệt.

Thưởng thức ẩm thực trên tàu trên sông Bến Tre.

Đi du lịch cũng phải có… passport

Tôi may mắn được trải nghiệm chuyến du lịch đầu tiên với tên gọi “Net Zero tours Bến Tre”. Tour này có sự tham gia của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và TP. Bến Tre với ý nghĩa trải nghiệm thử và góp ý để hướng đến xây dựng hoàn thiện Bộ tiêu chí “Net Zero tours”. Sau đó, nhân rộng phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh.

Người dẫn tour là ông Võ Văn Phong - Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T. Để có ý tưởng Net Zero tour, ông Phong đã cùng với Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) nghiên cứu, học tập, trao đổi và lên khung sườn thiết kế từ khoảng giữa năm 2023 đến nay. 3AI cũng là viện tiên phong đầu tiên của quốc gia có nghiên cứu sâu và xây dựng giải pháp cho mục tiêu Net Zero của doanh nghiệp Việt Nam.

Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ Bến tàu du lịch TP. Bến Tre. Phương tiện di chuyển chủ yếu bằng tàu, lênh đênh trên các cung đường đẹp nhất của sông Bến Tre, ngắm những rặng bần tự nhiên trên sông và giao thoa, chia sẻ với người dân sinh kế trên dòng sông này, len lỏi vào những rặng dừa nước xanh mát. Sau đó, chúng tôi lên bờ đi bằng xe lam vào các làng nghề truyền thống làm kẹo dừa, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức mật ong hoa dừa, vào vườn dừa dứa được trồng hơn 3 thập niên để uống nước dừa, vừa trốn được cái nắng gay gắt đến đờ người của tháng Ba, vừa nghe kể chuyện về đời dừa. Điểm cuối kết thúc hành trình là tại “cây dừa cô đơn” sừng sững nổi lên cô độc và xanh tốt giữa sông, đoạn xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre. Tàu sẽ neo lại nơi đây - một địa chỉ gần như “bất di bất dịch” theo yêu cầu của du khách trong hành trình tour (du lịch dưới tán dừa trước nay), để du khách có thể thỏa mãn check in và thưởng thức ẩm thực xứ Dừa trên sông. 

Bước xuống tàu, việc đầu tiên là mỗi du khách được cấp một quyển sổ nhỏ và một cây bút chì vừa để bỏ túi: “Net Zero passport”. Đồng thời, du khách được hướng dẫn ghi chép vào sổ này đã sử dụng những sản phẩm nào trên từng chặng hành trình. Chúng tôi được người dẫn tour và chuyên gia đến từ Viện 3AI thông tin thêm về những sản phẩm nào khi dùng sẽ góp phần phát thải các-bon, sản phẩm nào sẽ giảm phát thải để bù đắp ngay trong hành trình tour hoặc có lựa chọn phương án bù đắp tốt nhất sau đó. Cùng với đó là tham gia chơi một games nhỏ trên tàu là nhìn hình để sắp xếp theo thứ tự giảm phát thải khí các-bon.

So sánh giữa ăn một trái dừa với 1 trái sầu riêng, hay giữa trái sầu riêng và trái mít thì ăn trái nào sẽ dẫn đến phát thải nhiều hơn? Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn - Phó viện trưởng, phụ trách đổi mới sáng tạo của Viện 3AI, trái dừa sẽ giảm phát thải hơn do trong quá trình trồng cây dừa, con người ít sử dụng phân thuốc hóa học, phần nhiều sử dụng phân hữu cơ. Tuy nhiên, so với trái sầu riêng, trái mít sẽ phát thải khí các-bon nhiền hơn do có trọng lượng lớn hơn… Cứ như thế, ngồi trên tàu, chúng tôi được dung nạp các kiến thức về giảm phát khí thải các-bon - điều mà trước giờ dường như trong nhiều chúng ta chưa từng để ý hoặc biết đến.

Bù đắp phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu

Có lẽ du khách cũng đã biết nhiều về tour du lịch xanh dưới tán dừa, khi tham gia tour này, du khách sẽ sử dụng nhiều nông sản địa phương hơn, hạn chế sử dụng rác thải nhựa như túi, chai, ống hút nhựa. Tuy nhiên, Net Zero tour sẽ khắt khe hơn trong sử dụng và định hướng du khách lựa chọn sản phẩm dịch vụ.

Đó là gần như phải tuyệt đối cân nhắc sử dụng các sản phẩm giảm phát thải trong cả hành trình để cân bằng lượng phát thải các-bon thấp về bằng 0. Du khách sẽ được người dẫn tour chỉ dẫn sử dụng cũng như có thể tư vấn bù đắp bằng các giải pháp. Thực tế, chúng tôi được sử dụng hoa kết bằng lá dừa, thảm trải thắt bằng lá dừa... Việc chọn mua tôm cũng là con tôm lớn, tôm đang không ở giai đoạn mang trứng. Chúng tôi được gợi ý sẽ hỗ trợ những người giăng bắt trên sông một khoản tiền nhỏ để họ thu vớt rác, giúp làm sạch dòng sông. Hay việc thả lại tôm trứng, tôm con về sông… là những hành động “điểm cộng” cho việc bảo tồn thiên nhiên, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và góp phần giảm phát thải các-bon.

Lá lục bình, lá bần và cả bông bần cũng được dùng để đựng và trang trí các món ăn trên tàu. Nhưng cố tìm mãi cũng không thấy một khóm lục bình nào trôi bồng bềnh trên sông Bến Tre như trước đây chúng tôi vẫn thường gặp. Một chị phục vụ trên tàu cho biết, tụi em quê Ba Tri, lá này chúng em hái từ dưới huyện mang lên mới có, chứ hiện các nhánh sông ở TP. Bến Tre mùa này đang nhiễm mặn lên đến 3 - 4%o, thì không có cây lục bình nào sống nổi đâu chị. Quả bất ngờ, vốn dĩ Ba Tri là huyện biển, vùng quê này trước đây rất khan hiếm nước ngọt. Vậy mà, giờ đây được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình cống đập, các hồ chứa nước ngọt lớn, không chỉ đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt mà người dân còn có thể tưới tiêu cây trồng, rau màu, để sự sống hồi phục tốt hơn. Một phần cảm thấy ấm lòng nhưng vẫn trăn trở về đầu tư đồng bộ để khép kín hệ thống cống đập ngăn mặn trữ ngọt, giúp ngọt hóa dòng sông Bến Tre trước thực trạng biến đối khí hậu ngày càng gay gắt, con người và sự sống đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, phải ứng phó, thích nghi. 

Cũng không phải bỗng dưng có “cây dừa cô đơn” làm nên dấu ấn độc lạ trong hành trình tour dưới tán dừa. Mà đấy cũng là minh chứng cho tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, gây sạt lở đất, đe dọa sự sống của dừa và con người nơi đây. Điều khiến du khách rất thú vị là bao năm nay cây dừa ấy vẫn sừng sững vươn cao thân, lá ngay vị trí giữa sông và cho trái ngọt. Có lẽ mỗi người một cảm nhận nhưng đều ý thức biết trân trọng hơn về một sự sống, một hình ảnh đẹp “biết nói” tượng trưng cho sự bất khuất, kiên cường, vượt lên số phận của dừa dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn cũng như đối với người dân xứ Dừa.

Sau khi được đến tham quan, uống nước dừa dứa và mua sắm sản phẩm ở làng nghề gói kẹo dừa và đến vườn dừa dứa hơn 30 năm tuổi của cô chú Sáu Điệp nghĩa tình, chúng tôi lại trở xuống tàu, neo tại gốc dừa cô đơn này và tiếp tục vừa thưởng thức ẩm thực từ dừa, tìm hiểu về câu chuyện văn hóa ẩm dừa với 222 món ăn được chế biến từ dừa được đưa vào danh sách Kỷ lục Guinness thế giới.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải tuân theo luật chơi chung của toàn cầu, đó là lệ thuộc vào tín chỉ các-bon. Tại COP 28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết với thế giới rằng, Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Trước sự nóng lên ngày càng nhanh của trái đất, Net Zero là mục tiêu đang được quan tâm hàng đầu của thế giới và buộc con người phải sống có ý thức, thay đổi hành vi, nâng cao trách nhiệm hơn đối với mỗi hành động có tác động đến môi trường.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN